Minh Anh ·
1 năm trước
 7777

Công bố báo cáo tác động biến đổi khí hậu và chiến lược thích ứng quốc gia đến năm 2050

Không những cung cấp bằng chứng dựa trên cơ sở khoa học về tác động của biến đổi khí hậu tại Đồng bằng sông Mê Kông, các báo cáo đa ngành còn đưa ra những lộ trình đổi mới và thực tế cần thực hiện nhằm chuyển đổi những thực tế này thành hành động.

Mới đây, Cơ quan Phát triển Pháp và Bộ Tài nguyên - Môi trường đã công bố 2 báo cáo về đánh giá tác động kinh tế - xã hội của biến đổi khí hậu và chiến lược thích ứng của quốc gia đến năm 2050.

Theo đó, 2 báo cáo được công bố bao gồm: “Tác động Biến đổi khí hậu Quốc gia và thích ứng - Báo cáo cuối cùng”, “Tình trạng cấp bách của Đồng bằng sông Mê Kông - Chiến lược thích ứng môi trường và xã hội tới năm 2050”.

Báo cáo “Tác động của biến đổi khí hậu quốc gia và Thích ứng - Báo cáo cuối cùng” cung cấp một loạt kịch bản khí hậu mới cho Việt Nam, xem xét đánh giá các cơ hội phát triển công nghiệp và công nghệ cho quốc gia trong “cuộc đua xanh,” thực hiện đánh giá các tác động của biến đổi khí hậu đối với chiến lược thích ứng ở cấp độ kinh tế vĩ mô.

Báo cáo "Tác động Biến đổi khí hậu Quốc gia và thích ứng - Báo cáo cuối cùng”, “Tình trạng cấp bách của Đồng bằng sông Mê Kông - Chiến lược thích ứng môi trường và xã hội tới năm 2050” vừa được công bố.

Trước bối cảnh biến đổi khí hậu, Báo cáo nhấn mạnh chiến lược phát triển và công nghiệp của Việt Nam sẽ phải được điều phối như thế nào giữa những vấn đề tài chính vĩ mô, mức độ dễ bị tổn thương đa chiều do tác động không thể tránh khỏi, sự phụ thuộc hiện nay theo hướng phát thải cao và triển vọng áp dụng công nghệ mạnh mẽ trong các ngành công nghiệp xanh.

Còn Báo cáo “Tình trạng cấp bách của Đồng bằng sông Mê Kông - Chiến lược thích ứng Môi trường và khí hậu tới năm 2050,” xem xét đánh giá mức độ phù hợp của các kế hoạch phát triển hoặc thích ứng hiện có cho Đồng bằng sông Mê Kông đối với những thay đổi về môi trường hiện nay và trong tương lai, đồng thời nhấn mạnh rằng những áp lực môi trường hiện tại vẫn chưa được tính tới một cách đầy đủ.

Báo cáo đưa ra một số cơ hội và một số khó khăn kìm hãm công tác triển khai hiệu quả chiến lược thích ứng hoặc giảm thiểu trong một số khu vực, cung cấp một số khuyến nghị có thể cần được lồng ghép vào chiến lược thích ứng cập nhật.

Trên cơ sở công trình nghiên cứu của nhóm nghiên cứu gồm các chuyên gia Việt Nam, Pháp và quốc tế, các báo cáo đã xây dựng các luận điểm khoa học mạnh mẽ nhằm lồng ghép yếu tố thích ứng vào trong các chiến lược phát triển. Thông qua việc đưa trực tiếp các kết quả khoa học lên cấp độ chính sách, công trình nghiên cứu này có mục tiêu cung cấp thông tin cho các thảo luận khoa học chính sách về cách thức tốt nhất để thích ứng với tác động của khí hậu và những thay đổi ở địa phương.

Theo Trưởng đại diện Viện Nghiên cứu Phát triển (IRD) tại Việt Nam Edmond Dounias, bên cạnh việc cung cấp những bằng chứng dựa trên cơ sở khoa học về tác động của biến đổi khí hậu tại Đồng bằng sông Mekong, các báo cáo đa ngành này đưa ra những lộ trình đổi mới và thực tế cần thực hiện nhằm chuyển đổi những thực tế này thành hành động”.

Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính, tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo, triển khai các cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26. Trong đó có thiết lập Quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) với các nước G7 và các đối tác khác.

Tại Hội nghị Bộ trưởng về “Cộng đồng phát thải ròng bằng 0 châu Á”, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, con đường để đạt được các mục tiêu đề ra theo Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu hết sức chông gai, đòi hỏi trí tuệ, tinh thần hợp tác và tình đoàn kết cao.

Đồng thời khẳng định cần tăng cường hợp tác và kết nối giữa chính phủ với chính phủ, giữa chính phủ với doanh nghiệp, dùng đầu tư công để dẫn dắt tài chính tư trong bối cảnh tài chính tư là một nguồn lực quan trọng đối với các nỗ lực giảm phát thải.