Minh Anh ·
18 tuần trước
 8901

Một tổng công ty điện lực sắp bị thanh tra

Năm 2024, Bộ Công Thương sẽ thực hiện thanh tra 8 đơn vị, trong đó có Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC)

Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân vừa ký Quyết định số 3177/QĐ-BCT phê duyệt Kế hoạch thanh tra năm 2024 của Bộ Công Thương. Thời gian thanh tra từ năm 2022 đến thời điểm thực hiện thanh tra.

Theo quyết định này, trong năm 2024, Thanh tra Bộ này sẽ thanh tra 8 đơn vị, trong đó có 2 đơn vị liên quan đến lĩnh vực năng lượng là EVNSPC và Tổng công ty Công nghiệp mỏ Việt Bắc TKV.

Cụ thể, thời gian thực hiện thanh tra đối với EVNSPC vào quý I, II; Nội dung thanh tra tập trung vào việc chấp hành quy định của pháp luật trong quản lý chất lượng công trình xây dựng đối với các công trình điện, duy trì điều kiện của giấy phép hoạt động điện lực và hoạt động điện lực trong các lĩnh vực an toàn điện, chất lượng dịch vụ khách hàng; kiểm định thiết bị điện, dụng cụ điện.

EVNSPC là một trong những doanh nghiệp thuộc EVN, có địa bàn hoạt động rộng với 21 tỉnh, thành thuộc khu vực phía Nam. Năm 2023, "Tổng" này với mục tiêu khởi công hơn 30 công trình và đóng điện 42 công trình theo kế hoạch EVN giao.

EVNSPC cũng vừa trải qua quá trình thay đổi nhân sự cấp cao khi EVN quyết định điều động, bổ nhiệm ông Lê Văn Trang - Phó Tổng Giám đốc EVNNPC vào chức vụ Chủ tịch HĐTV của EVNSPC từ tháng 11/2022.

Phòng Thanh tra Kinh tế xã hội và Kiểm toán nội bộ cũng thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về hoạt động vật liệu nổ công nghiệp; về an toàn trong khai thác, chế biến than tại Tổng công ty Công nghiệp mỏ Việt Bắc TKV - CTCP.

Bộ Công Thương cũng thanh tra việc chấp hành các quy định của Nhà nước trong quản lý sử dụng vốn; hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ; công tác đầu tư, mua sắm trang thiết bị tại Tổng công ty Máy và Thiết bị công nghiệp - CTCP (MIE) và Nhà máy Đúc Veam (thuộc Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam - CTCP).

Tổng công ty điện lực miền Nam 

Mới đây, Thanh tra Chính phủ vừa công bố kết luận thanh tra việc chấp hành chính sách pháp luật trong quản lý, thực hiện quy hoạch điện VII và VII điều chỉnh, trong đó chỉ ra loạt khuyết điểm, vi phạm của Bộ Công Thương và EVN.

Tại kết luận thanh tra, Thanh tra Chính phủ cho rằng: Hàng trăm dự án được Bộ Công Thương phê duyệt bổ sung (với dự án dưới 50 MW) hoặc tham mưu Thủ tướng bổ sung (dự án trên 50 MW) không có căn cứ pháp lý về quy hoạch, không có cơ sở để quản lý, kiểm soát và đảm bảo cạnh tranh trong thu hút đầu tư, nguy cơ phát sinh cơ chế xin cho.

Thanh tra Chính phủ cũng đã điểm mặt 14 dự án điện tái tạo đang được hưởng giá ưu đãi (FIT) không đúng và đề nghị Bộ Công Thương chủ trì đề xuất giải pháp xử lý về kinh tế khi để EVN "gánh" hơn 1.400 tỷ đồng đã mua điện của các dự án này.

Trách nhiệm của EVN trước sai phạm của những dự án điện

Không hoàn thành đầu tư nguồn và lưới điện, hàng loạt dự án điện tái tạo hưởng giá FIT sai quy định, bất cập mua bán điện tại một số dự án nguồn điện, kéo dài thời gian chấm thầu, là những vết đen trong hoạt động của EVN suốt quá trình thực hiện quy hoạch điện VII và VII điều chỉnh.

Một trong những vấn đề nổi cộm trong kết luận vừa được Thanh tra Chính phủ công bố liên quan đến việc tuân thủ pháp luật trong thực hiện quy hoạch điện, là việc bổ sung quy hoạch và công nhận ngày vận hành thương mại đối với các dự án điện mặt trời, điện gió.

Ngoài những vi phạm của Bộ Công thương, kết luận thanh tra cũng chỉ ra việc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Công ty Mua bán điện công nhận ngày vận hàng thương mại sai quy định.

Theo đó, Công ty Mua bán điện đã công nhận ngày vận hành thương mại của 26 nhà máy điện mặt trời, điện gió tại ba tỉnh Bình Thuận, Long An và Bình Phước mặc dù các dự án này chưa có kết luận đủ điều kiện đưa vào sử dụng.

Thanh tra Chính phủ cho rằng việc công nhận này vi phạm Nghị định 46/2015, Thông tư 39/2015 của Bộ Công thương và Luật Xây dựng.

Cơ quan thanh tra cũng xác định việc Công ty Mua bán điện công nhận vận hành thương mại và mua điện đối với 26 dự án đang gặp vi phạm về pháp luật xây dựng, đất đai là vi phạm Quyết định 11/2017 của Thủ tướng.

Trong sự việc này còn có trách nhiệm của EVN khi tập đoàn ban hành quy trình thử nghiệm và công nhận ngày vận hành thương mại đối với các nhà máy điện mặt trời, điện gió với nội dung không quy định điều kiện để đưa công trình vào sử dụng theo hai Thông tư liên quan là 39 và 16 của Bộ Công thương.

Những vi phạm trên dẫn đến việc công nhận vận hành thương mại và mua điện của các nhà máy điện mặt trời, điện gió theo giá cố định đang áp dụng là chưa đủ cơ sở pháp luật. Hầu hết các dự án đẩy nhanh tiến độ xây dựng để kịp thời gian được áp dụng cơ chế khuyến khích - hay còn gọi là giá FIT - nên đã gặp vi phạm trong quá trình thực hiện.

Thanh tra Chính phủ cũng chỉ ra trách nhiệm của EVN liên quan đến quá trình xây dựng khung giá phát điện.

Cụ thể, theo các Thông tư số 41, 56 và 57 của Bộ Công thương, EVN xây dựng khung trần đối với các nhà máy nhiệt điện, không có thuyết minh và bảng tính khung giá phát điện đối với nhà máy thủy điện. Tuy nhiên, Cục Điều tiết điện lực không kiểm tra, thẩm định việc xây dựng khung giá phát điện đối với các nhà máy thủy điện do EVN xây dựng.

Thanh tra Chính phủ xác định, Bộ Công thương chưa thực hiện đúng quy định tại Thông tư 41 do chính bộ này ban hành. Trách nhiệm đối với vấn đề này thuộc về Bộ Công thương, Cục Điều tiết điện lực và EVN.

Đáng chú ý, EVN cũng không hoàn thành nhiệm vụ đầu tư các dự án nguồn và lưới điện được giao tại Quy hoạch điện VII điều chỉnh.

Trong giai đoạn 2011-2020, EVN và các ban quản lý dự án đầu tư xây dựng, các đơn vị thành viên có liên quan chỉ thực hiện đạt khoảng 82% công suất được giao.

Đặc biệt, việc đầu tư lưới truyền tải đạt tỷ lệ thấp cả về quy mô lẫn số lượng. Theo đó, đường dây 500kV đạt 35%, 200kV đạt 54% và trạm biến áp 500kV đạt 54%.

Do đầu tư lưới truyền tải đạt hiệu quả thấp, nhiều dự án chậm tiến độ, không đáp ứng đủ năng lực truyền tải theo quy hoạch nên gây khó khăn cho việc giải tỏa công suất các nhà máy điện mặt trời nối lưới ở khu vực miền Trung, Tây Nguyên.

Theo Thanh tra Chính phủ, việc không hoàn thành đầu tư lưới truyền tải cũng là một trong những nguyên nhân của thực trạng quá tải cục bộ, phải cắt giảm công suất phát điện của các nhà máy, ảnh hưởng đến vận hành hệ thống điện.

Một vi phạm khác của EVN cũng được chỉ ra là liên quan tới quá trình đầu tư hai nhà máy điện mặt trời Phước Thái 2, 3. Theo đó, EVN và Ban quản lý các dự án điện 2 chấm thầu lựa chọn nhà thầu EPC hai nhà máy kéo dài lần lượt 317 và 354 ngày, vi phạm thời gian chấm thầu nêu trong Luật Đấu thầu.

Khi hồ sơ dự thầu và bảo lãnh dự thầu hết thời hạn có hiệu lực, Ban quản lý các dự án điện 2 đề nghị các nhà thầu gia hạn hiệu lực của hồ sơ và bảo lãnh dự thầu thêm 90 ngày. Tuy nhiên, đến ngày hết hiệu lực sau khi gia hạn, EVN vẫn chưa phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu.

Việc này được Thanh tra Chính phủ xác định là không đúng quy định tại Luật Đấu thầu. Đồng thời, việc kéo dài thời gian trong tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà thầu đã dẫn đến chậm tiến độ thực hiện dự án, không đưa nhà máy vào vận hành theo tiến độ phê duyệt tại Quy hoạch điện VII điều chỉnh.

Ngoài ra, EVN còn phải chịu trách nhiệm về tình trạng vượt khung giá quy định, số liệu kiểm toán thiếu tin cậy, đàm phán kéo dài diễn ra trong hoạt động mua bán điện tại nhiều dự án thủy điện, nhiệt điện.

Tới thời điểm thanh tra năm vừa qua, EVN và Công ty Mua bán điện cũng như các chủ đầu tư chưa thực hiện đàm phán lại giá điện theo vốn đầu tư quyết toán.

Bên cạnh việc xử lý trách nhiệm, cơ quan thanh tra đưa ra một số kiến nghị về xử lý kinh tế liên quan đến các vi phạm, tồn tại của EVN.

Theo Minh Anh/Diễn Đàn Sự Thật

https://www.facebook.com/groups/4054824701243922/posts/7235536676506026/