Bích Ngọc ·
1 tuần trước
 9781

Nguyên nhân nào khiến giá cà phê tăng cao nhất lịch sử?

Vài tuần qua, giá cà phê liên tục tăng, vượt 120.000 đồng/kg - mức cao kỷ lục trong lịch sử. Hôm nay (ngày 24/4), giá cà phê tiếp tục tăng thêm 2.000 - 3.000 đồng/kg và đang ở mức cao kỷ lục mới.

Giá cà phê trung bình ở các tỉnh Tây Nguyên hiện đang là 128.700 đồng/kg, giá cao nhất tại Đắk Nông và Đắk Lắk là 129.000 đồng/kg.

Trước mùa vụ, các doanh nghiệp dự báo giá cà phê cao nhất sẽ ở mức 50.000 đồng/kg. Tuy nhiên đến nay giá đã sắp chạm 130.000 đồng/kg.

Theo ông Nguyễn Nam Hải, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên là do sản lượng cà phê tồn kho từ niên vụ cũ của Việt Nam thấp nhất trong lịch sử. Những năm trước, năm nào nước ta cũng tồn kho khoảng 120.000 - 150.000 tấn. Tuy vậy, niên vụ 2023, sản lượng tồn kho rất thấp, chỉ bằng 50% so với những năm trước đó.

Trong khi đó, sản lượng của niên vụ 2023 - 2024 cũng ước tính giảm 10% so với niên vụ trước.

Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Internet.

Không chỉ riêng với Việt Nam đang diễn ra tình hình thời tiết khô hạn ở những vùng trồng cà phê mà ở tất cả các vùng cà phê trên toàn cầu, do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino. Tình hình này đã tác động xấu đến năng suất và sản lượng cà phê, nhất là cà phê Robusta.

Bên cạnh đó, theo ông Hải, thời gian qua giá cà phê trong nước tăng cao bởi vì trên thế giới giai đoạn này chỉ có Việt Nam thu hoạch. Indonesia thì thu hoạch khoảng tháng 4-5, còn Brazil thu hoạch vào tầm tháng 7.

Một nguyên nhân khác nữa được ông Nguyễn Nam Hải chỉ ra là do căng thẳng chính trị trên thế giới đã đẩy chi phí vận chuyển tăng cao khi hàng hóa phải vận chuyển đường vòng. Trong khi đó, hơn 50% sản lượng cà phê của Việt Nam được xuất khẩu sang châu Âu.

Tuy vậy, theo nhận định của ông Hải, giá cà phê cao còn do yếu tố đầu cơ chứ không hoàn toàn là hàng thực. Được biết, trên sàn giao dịch, khi có nhiều người mua thì sẽ có nguy cơ hàng ảo nhiều do qua nhiều công đoạn và thương lái khác nhau. Trong khi đó, giá cà phê phụ thuộc vào 2 sàn giao dịch gồm: Robusta phụ thuộc vào sàn London, còn Arabica thì phụ thuộc vào sàn New York.

Về khuyến nghị cho các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê trong bối cảnh hiện nay, ông Nguyễn Nam Hải cho rằng, cần hạn chế việc mua xa, bán xa như thời gian trước vì việc này sẽ tạo ra rủi ro trong kinh doanh rất cao. Ngoài ra, doanh nghiệp cần tìm kiếm thị trường mua ngay bán ngay dù việc này cũng không dễ do cà phê nội địa đang đứng ở mức quá cao. “Vicofa đã có những lưu ý nhất định đối với doanh nghiệp, nhất là các đơn vị trung gian như đại lý, thương lái, để đảm bảo uy tín với nhà xuất khẩu Việt Nam cũng như doanh nghiệp nước ngoài.

Nhận định về giá cà phê trong nước tăng vượt qua dự báo của nhiều người, chuyên gia Nguyễn Quang Bình cảnh báo tình trạng này có thể gây ra nhiều rủi ro và căng thẳng trong ngành cà phê, dẫn đến nhiều doanh nghiệp phải đối mặt với sự khan hiếm nguồn cung và áp lực tài chính.

Còn ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, giá cà phê tăng cao sẽ có 2 mặt cả tích cực và tiêu cực. Tích cực là người tích trữ cà phê sẽ có lợi. Còn mặt tiêu cực là thuộc về các nhà chế biến và xuất khẩu. Chẳng hạn, có những hợp đồng trước đó có thể được ký với giá thấp. Tuy nhiên hiện nay giá cao và nguồn cung ít nên việc thu mua, xuất khẩu rất vất vả và lợi nhuận thấp. 

Cà phê là nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, đặc biệt là trong bối cảnh sản phẩm này liên tục lập kỷ lục về giá từ đầu năm 2024 đến nay. Một số chuyên gia dự báo, giá cà phê xuất khẩu có thể vượt ngưỡng 4.000 USD/tấn.

Theo Tạ Ngọc/ Diễn đàn sự thật

https://www.facebook.com/groups/4054824701243922/posts/7702339023159120