Bích Ngọc ·
1 năm trước
 8775

Nhà băng nào đang dẫn đầu hiệu quả hoạt động và quản trị chi phí?

Các chỉ số quan trọng như ROE, ROA, CIR, NIM,…thể hiện hiệu quả kinh doanh của ngân hàng. Vậy những ngân hàng nào đang dẫn đầu về các chỉ số này?

Những nhà băng dẫn đầu ROE, ROA, CIR

Các nhà đầu tư dành nhiều sự quan tâm đến kết quả kinh doanh của các ngân hàng thương mại bởi đây không chỉ là nhóm ngành có quy mô vốn hóa lớn trên thị trường chứng khoán mà sức khỏe tài chính của các nhà băng cũng gợi mở nhiều về triển vọng của nền kinh tế.

Thường thì khi đánh giá về hiệu quả hoạt động của các ngân hàng, một số chỉ số sẽ được quan tâm nhiều hơn có thể kể đến ROE (tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu), ROA (tỷ suất sinh lời trên tổng tài sản), CIR (chi phí hoạt động/tổng thu nhập), NIM (biên lãi thuần),…

Với ngành ngân hàng, năm nay là một năm khó khăn vì vậy việc quản trị chi phí, nâng cao hiệu quả hoạt động càng được chú trọng hơn. Nhìn vào báo cáo tài chính quý 3/2023 của 27 ngân hàng đang niêm yết trên sàn chứng khoán cho thấy, hiệu quả hoạt động của các ngân hàng cũng đang có sự chênh lệch đáng kể.

Theo dữ liệu của nền tảng Wichart, ROE trong 4 quý gần nhất của 27 ngân hàng trên sàn chứng khoán ở mức 17,87%, giảm khoảng 2 điểm % so với năm 2022. Ngân hàng có ROE cao nhất là VIB, đạt 26,69%, đây cũng là nhà băng duy nhất ghi nhận ROE trên mức 25%. Các ngân hàng có ROE cao tiếp theo, đạt trên 20% gồm có ACB (24,33%), MB (23,39%), Vietcombank (23,38%), HDBank (21,67%). Trong khi, có đến 9 ngân hàng ghi nhận ROE dưới 10%, phần lớn là các ngân hàng nhỏ.

Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Internet.

Về tỷ lệ ROA, cũng theo dữ liệu của Wichart cho thấy MB đang dẫn đầu và đạt mức 2,66%. Các ngân hàng tiếp theo là ACB (2,47%), VIB (2,45%), Techcombank (2,38%), MSB (2,22%),…

Nhìn chung, tỷ lệ ROA của hầu hết các nhà băng suy giảm so với cùng kỳ, nguyên nhân là tốc độ tăng trưởng lợi nhuận chậm lại đáng kể do những khó khăn chung của nền kinh tế. Các ngân hàng cũng đang phải gánh chịu nhiều rủi ro tiềm ẩn về nợ xấu do khả năng trả nợ của người vay bị ảnh hưởng sau đại dịch Covid-19 và tăng trưởng kinh tế thấp.

Tỷ lệ CIR thể hiện tương quan giữa chi phí hoạt động và thu nhập và tỷ lệ này càng thấp càng tốt cho ngân hàng. Trong 9 tháng đầu năm nay, chỉ có một số cải thiện được chỉ số này như Vietcombank, OCB, VIB, ACB, MSB,…Phân hóa về tỷ lệ này trong ngành cũng rất lớn, từ 24% đến 123%. Các ngân hàng có CIR thấp nhất gồm: SHB, VPBank, VietinBank, VIB.

Khác với giai đoạn trước đua nhau mở rộng quy mô để chiếm lợi thế, hoạt động ngân hàng hiện nay được chú trọng hơn về tính hiệu quả, tức mở rộng quy mô và đầu tư kinh doanh nhưng phải thật sự đem lại kết quả cao, bền vững. Vì vậy, bên cạnh các con số lợi nhuận, quy mô dư nợ, chất lượng tài sản, nhà đầu tư cũng đánh giá ROE, ROA, CIR, NIM,…sẽ cho thấy bức tranh toàn diện hơn về vị thế của ngân hàng hiện nay, cũng như tiềm năng phát triển trong tương lai.

Nợ xấu tăng, bộ đệm dự phòng suy yếu?

Theo VIS Rating, tỷ lệ nợ xấu (NPL) toàn ngành ngân hàng có xu hướng tăng lên, trong đó chủ yếu đến từ các khoản cho vay khách hàng cá nhân cùng doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME). Tỷ lệ bao phủ nợ xấu (LLCR) giảm xuống 93% từ mức 123% của năm 2022, trong khi an toàn vốn của ngành ngân hàng vẫn ở mức thấp.

Các nhà băng tập trung vào bán lẻ và SME ghi nhận nợ xấu tăng mạnh từ cho vay mua nhà và vay mua ô tô cũng như từ các khoản cho vay chủ đầu tư bất động sản và công ty xây dựng.Bên cạnh đó, các ngân hàng hoạt động mạnh trong lĩnh vực tài chính tiêu dùng ghi nhận tỷ lệ nợ quá hạn gia tăng đáng kể so với mức trung bình ngành, do nền kinh tế tăng trưởng chậm lại ảnh hưởng tới thu nhập và khả năng trả nợ của nhóm khách hàng có rủi ro cao này.

Còn chất lượng tài sản của các ngân hàng quốc doanh vẫn ổn định. Trong số các ngân hàng tư nhân, ACB cho thấy sự ổn định cao về chất lượng tài sản, nhờ chính sách cho vay thận trọng.

Các chuyên gia của VIS Rating kỳ vọng, tỷ lệ nợ xấu mới hình thành của các nhà băng sẽ chậm lại do khả năng trả nợ của khách hàng sẽ dần được cải thiện trong bối cảnh điều kiện kinh doanh khả quan hơn và mặt bằng lãi suất ở mức thấp.

Trong 9 tháng đầu năm 2023, bộ đệm rủi ro toàn ngành suy yếu trong 9 tháng đầu năm 2023 do LLCR sụt giảm, khả năng tạo vốn nội bộ kém hơn và có ít các đợt tăng vốn có quy mô lớn. LLCR của nhóm ngân hàng tư nhân như TPBank, Sacombank, LPBank đã giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 5 năm do chất lượng tài sản suy giảm và trích lập dự phòng ở mức khiêm tốn. Trong khi đó, các ngân hàng quốc doanh duy trì tỷ lệ LLCR ở mức cao (khoảng 190%) nhờ chất lượng tài sản ổn định.

Theo Tạ Ngọc/ Diễn đàn sự thật

https://www.facebook.com/groups/4054824701243922/posts/7077615925631436/?