Bích Ngọc ·
1 tuần trước
 9760

Tại sao tăng trưởng tín dụng vẫn ở mức thấp trong khi lãi suất cho vay giảm sâu?

Giới phân tích cho rằng, tăng trưởng tín dụng 4 tháng đầu năm 2024 ở mức thấp phần lớn là do các yếu tố khách quan, và trong quý 2 nhiều khả năng sẽ bứt tốc mạnh khi nền kinh tế bước qua giai đoạn khó khăn.

Nhìn vào số liệu mới được Ngân hàng Nhà nước công bố cho thấy, tính đến ngày 10/4/2024, tổng tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống mới đạt trên 1%, trong khi cùng kỳ năm 2023 (tăng gần 2,5%). Đây là mức tăng trưởng thấp dù các ngân hàng đã đẩy mạnh giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ khách hàng.

Bên cạnh đó, lãi suất cho vay bình quân của ngân hàng thương mại trong nước đối với các khoản cho vay mới và cũ còn dư nợ ở mức 7,7-9,9%/năm. Lãi suất cho vay ngắn hạn bình quân bằng VND đối với lĩnh vực ưu tiên khoảng 3,7%/năm thấp hơn mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa theo quy định của NHNN (4%/năm).

Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Internet.

Các ngân hàng ngoại tại Việt Nam cũng tích cực tham gia giảm lãi suất để thúc đẩy tín dụng. Chẳng hạn như Ngân hàng UOB Việt Nam hiện đang triển khai gói cho vay ưu đãi với lãi suất thả nổi cạnh tranh trên thị trường. Theo đó, lãi suất bình quân trong năm đầu tiên là 4,99%/năm, lãi suất năm 2 là 7,5%/năm và năm 3 trở đi là 7,5%/năm. Tương tự với gói lãi suất vay mua ô tô thả nổi, lãi suất của UOB trong năm đầu tiên là 6%/năm và năm thứ 2 trở đi là 7,9%/năm. Lãi suất trung bình trong thời gian 2 năm là 6,99%/năm.

Theo giới phân tích, chủ yếu tín dụng tăng trưởng chậm trong quý 1 là do tính mùa vụ của dịp Tết Nguyên đán. Tiếp đến là khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế vẫn còn thấp nên dù các ngân hàng đã đẩy mạnh cắt giảm lãi suất cho vay nhưng nhu cầu vay vốn vẫn chưa cao.

Ông Suan Teck Kin – Giám đốc điều hành Khối Nghiên cứu thị trường và kinh tế toàn cầu, Tập đoàn UOB cho hay, nhu cầu tín dụng thấp là do nhiều nguyên nhân và có thể phải cần một thời gian để trở lại trạng thái bình thường. Số lượng doanh nghiệp suy giảm trong năm 2023 là một trong các yếu tố ảnh hưởng.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, trong nửa đầu năm ngoái (dữ liệu mới nhất có được), số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh lên tới 60.200, tăng 18,2% so với cùng kỳ năm 2022. Trong khi đó, có thêm 31.000 doanh nghiệp ngừng hoạt động, chờ làm thủ tục giải thể và 8.800 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng lần lượt 28,9% và 2,8% so với cùng kỳ. 

Trung bình mỗi tháng trong nửa đầu năm 2023, có 16.700 doanh nghiệp rút khỏi thị trường. Cùng với đó, sự suy thoái của thị trường bất động sản khiến số lượng doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản năm 2023 giảm 7,7%, trong khi số doanh nghiệp mới thành lập trong lĩnh vực này giảm 45% so với năm 2022.

 Kỳ vọng tín dụng bứt tốc mạnh vào quý 2 năm 2024

Nhìn vào kết quả khảo sát do Ngân hàng Nhà nước thực hiện cho thấy, các tổ chức tín dụng dự báo dư nợ tín dụng toàn hệ thống tăng bình quân 3,8% trong quý 2/2024 và tăng 13,6% trong năm nay. 

Thêm vào đó, không ít đơn vị phân tích cũng dự báo từ quý 2 tăng trưởng tín dụng sẽ bứt tốc nhờ vào sự hồi phục của tăng trưởng kinh tế khi hoạt động xuất nhập khẩu và dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài diễn biến tích cực.

Ông Suan Teck Kin cho biết, Việt Nam đạt mức tăng trưởng GDP thực tế trong quý 1/2024 là 5,66%, kéo dài mức tăng 6,72% so với cùng kỳ trong quý 4/2023 và vượt xa mức tăng 3,41% của quý 1/2023, trở thành quý 1 có kết quả khởi sắc nhất trong giai đoạn 2020 - 2023. 

Ông Suan Teck Kin cho hay vẫn giữ nguyên mức dự báo tăng trưởng cho Việt Nam ở mức 6% trong năm nay.

Theo kết quả khảo sát, các tổ chức tín dụng đánh giá trong quý 2/2024 tình hình kinh doanh sẽ khả quan hơn nhưng vẫn thận trọng khi kỳ vọng cho cả năm 2024. Được biết, có 70,9-72,7% tổ chức tín dụng  kỳ vọng tình hình kinh doanh cải thiện hơn trong quý 2 và cả năm 2024.

Theo Tạ Ngọc/ Diễn đàn sự thật

https://www.facebook.com/groups/4054824701243922/posts/7772804829445872