Bích Ngọc ·
1 tuần trước
 9769

Trước khi trả lại hết máy bay, Pacific Airlines làm ăn ra sao trong năm 2023?

Báo cáo thường niên của Vietnam Airlines (mã chứng khoán: HVN) cho thấy, Pacific Airlines - hãng hàng không do Vietnam Airlines nắm 99% vốn - ghi nhận doanh thu tăng 26% (lên 4.389 tỷ đồng). Tuy vậy, hãng bay nay vẫn báo lỗ trước thuế 1.499 tỷ đồng.

Theo Vietnam Airlines, kết quả kinh doanh của Pacific Airlines bị ảnh hưởng tiêu cực bởi thị trường quốc tế phục hồi chậm, còn so với kế hoạch tốc độ tăng trưởng khách nội địa cũng không đạt. Cùng với đó, công ty cũng chịu chung khó khăn với các hãng khác như giá nhiên liệu tăng cao và tỷ giá biến động mạnh.

Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Internet.

Trước tình hình trên, Vietnam Airlines cho biết sẽ tiếp tục triển khai những giải pháp phối hợp nguồn lực, đàm phán với nhà cung cấp việc giãn, hoãn thanh toán, hỗ trợ giảm giá để giúp Pacific Airlines vượt qua giai đoạn khủng hoảng.

Tháng 3 qua, Pacific Airlines đã thông báo tạm ngừng khai thác các đường bay kể từ ngày 18/3, sau khi trả toàn bộ máy bay đã thuê của đối tác. Nguyên nhân chính là hãng tái cơ cấu lại đường bay. 

Pacific Airlines sẽ tìm kiếm đối tác mới để thuê máy bay. Hãng sẽ tiếp tục khai thác các đường bay đã đăng ký khi thuê được máy bay. Các khách hàng tìm kiếm chuyến bay hiện đã không còn tìm thấy lịch trình nào của Pacific Airlines. Việc trả toàn bộ máy bay cho đối tác sẽ xóa đi một số khoản nợ đã thỏa thuận, giúp giảm gánh nợ tài chính cho Pacific Airlines và Vietnam Airlines.

Sau thông báo dừng bay, đến ngày 1/4, Pacific Airlines chính thức cung cấp dịch vụ sân đỗ cho Bamboo Airways. Mọi công tác liên quan như chất xếp hành lý, vận chuyển đưa/đón hành khách từ nhà ga ra tàu bay và ngược lại trên mỗi chuyến bay đều được Pacific Airlines đảm nhận.

Ông Nguyễn Anh Dũng - Quyền Tổng giám đốc Pacific Airlines cho hay, thời gian phục vụ các chuyến bay trong sáng nay đã hoàn tất thời gian kết thúc phục vụ chuyến bay sớm hơn 3-5 phút. Xe buýt để vận chuyển hành khách được tân trang lại (sơn mới, bọc da mới cho ghế…); Băng chuyền vận chuyển hành lý của hành khách lên máy bay cũng được Pacific Airlines phủ bạt che mưa, phòng tránh thời tiết xấu.

Theo tìm hiểu, Pacific Airlines ra đời vào năm 1991, đây là hãng hàng không giá rẻ đầu tiên của nước ta. Hiện Vietnam Airlines đang nắm hơn 99% vốn của hãng bay này. Tuy vậy, khác với một hãng hàng không giá rẻ khác là Vietjet, kết quả kinh doanh của Pacific Airlines đã liên tục thua lỗ từ đầu những năm 2000.

Năm 2007, Tập đoàn Qantas (Australia) - chủ sở hữu thương hiệu hàng không giá rẻ Jetstar - đã ký kết hợp đồng đầu tư với Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) để mua lại 30% cổ phần tại hãng hàng không Pacific Airlines và trở thành cổ đông chiến lược.

Sau nhiều năm kinh doanh thua lỗ cộng với tác động tiêu cực từ dịch Covid-19, tháng 10/2020, Qantas Group thực hiện các thủ tục rút khỏi Pacific Airlines và chuyển giao lại 30% cổ phần cho Vietnam Airlines theo hình thức tặng lại.

Đến quý I/2022, thương vụ này đã hoàn tất và Vietnam Airlines nắm giữ gần 99% cổ phần tại Pacific Airlines kể từ đó đến nay.

Trong năm 2022, Pacific Airlines ghi nhận tổng doanh thu gần 3.487 tỷ đồng, lỗ trước thuế 2.096 tỷ đồng.

Tại sao Việt Nam thiếu máy bay thương mại?

Tại Hội nghị giao ban công tác quý I và triển khai nhiệm vụ trọng tâm quý II/2024 của Bộ GTVT chiều ngày 1/4, ông Đinh Việt Thắng - Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam - trao đổi về nguyên nhân chính dẫn đến tình hình thiếu máy bay của các hãng hàng không hiện nay.

Về lỗi sản xuất động cơ, nhà sản xuất phía Mỹ đã ra lệnh triệu hồi tàu bay Airbus A321 Neo, có 42 tàu bay của hai hãng hàng không Vietjet, Vietnam Airlines trong diện triệu hồi. Tính đến nay, có 22 tàu của các hãng đã tháo động cơ và kiểm tra sửa chữa; trong năm 2024 có 42 tàu bay của hai hãng sẽ phải dừng toàn bộ.

Theo kế hoạch nhà sản xuất, động cơ tháo đi, bảo dưỡng, thay thế trung bình 18 tháng sau khi tháo khỏi máy bay. Tuy vậy, theo thông tin mới nhất, số lượng động cơ phải tháo ra bảo dưỡng rất nhiều. Thời gian bảo dưỡng có thể kéo dài hết năm 2026 (thậm chí sang đến năm 2027).

Lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam cho hay, các hãng hàng không hiện thua lỗ nặng, phải đàm phán, tái cơ cấu nợ. Các chủ nợ quyết định rút tàu ra và cho thuê giá cao. Chính vì thế, hiện Pacific Airlines không còn tàu bay, trong khi Bamboo Airway cũng chỉ còn 5 chiếc.

Bên cạnh đó, theo ông Thắng,  sau dịp cao điểm Tết nhiều tàu bay đang phải bảo dưỡng định kỳ. Vì thế, theo tính toán cao điểm hè năm 2024 tải cung ứng cần khoảng 24-26 triệu ghế. Với cách vận hành thông thường, số tàu bay còn thiếu để phục vụ đợt cao điểm dự kiến thiếu từ 24-26 chiếc. Khó nhất là trên thế giới việc thuê tàu bay hiện vừa khan hiếm, vừa tăng giá. Nếu thời điểm trước Tết, giá thuê tàu bay A321 là 2.300 USD/giờ thì hiện tại, con số này đã chạm ngưỡng 4.000 USD/giờ. Các hãng dù tích cực đàm phán cũng rất khó thuê.

Theo Tạ Ngọc/ Diễn đàn sự thật

https://www.facebook.com/groups/4054824701243922/posts/7693310340728655