Ngụy Anh ·
1 năm trước
 7381

Việc ngân hàng tham gia "giải cứu" trái phiếu sẽ khó xảy ra?

Được biết, ngân hàng thương mại vẫn chưa được NHNN cho phép mua TPDN với mục đích cơ cấu nợ. Đồng nghĩa với việc ngân hàng tham gia "giải cứu" trái phiếu sẽ khó xảy ra.

Mới đây, NHNN đã công bố dự thảo Thông tư sửa đổi, trong đó bổ sung một số điều của Thông tư số 16 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua, bán trái phiếu doanh nghiệp. 

Dự thảo bổ sung quy định hệ số nợ phải trả (bao gồm cả khối lượng trái phiếu dự kiến phát hành) của doanh nghiệp phát hành không vượt quá 5 lần vốn chủ sở hữu theo báo cáo tài chính quý gần nhất tại thời điểm phát hành đã được kiểm toán tình hình sử dụng vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp phát hành.

Tổ chức tín dụng (TCTD) chỉ được mua Trái phiếu doanh nghiệp phát hành khi có mục đích bổ sung vốn lưu động khi quản lý được nguồn thu từ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp phát hành và thu thập đầy đủ tài liệu chứng minh việc sử dụng vốn lưu động tương ứng với giá trị trái phiếu theo các vòng quay vốn lưu động trong thời gian nắm giữ trái phiếu doanh nghiệp.

Khi TCTD mua trái phiếu doanh nghiệp phát hành với mục đích thực hiện bảo đảm nghĩa vụ, số tiền mua trái phiếu phải được tổ chức tín dụng phong tỏa cho đến khi chấm dứt nghĩa vụ bảo đảm.

Bên cạnh đó, dự thảo cũng bổ sung các tiêu chí cụ thể, xác định phương án khả thi và các tiêu chí cụ thể xác định doanh nghiệp phát hành trái phiếu có khả năng tài chính nhằm đảm bảo thanh toán đủ gốc và lãi trái phiếu đúng hạn theo quy định.

Ngoài ra, TCTD có quyền, nghĩa vụ kiểm tra, giám sát việc sử dụng tiền thu từ trái phiếu của doanh nghiệp phát hành. Số tiền thu từ phát hành trái phiếu phải được đảm bảo sử dụng đúng mục đích tại phương án, cam kết với TCTD và theo quy định nội bộ.

TCTD có thể yêu cầu doanh nghiệp phát hành mua lại trái phiếu trước hạn nếu phát hiện doanh nghiệp phát hành, bên nhận bảo đảm sử dụng tiền thu từ phát hành trái phiếu không đúng mục đích tại phương án, cam kết với TCTD.

TCTD cũng được mua lại TPDN chưa niêm yết hoặc chưa đăng ký giao dịch trên UpCOM mà TCTD trước đó đã bán ra đến trước ngày 31/12/2023.

Ông Nguyễn Quang Thuân - Chủ tịch FiinGroup cho biết, có nhiều điểm tích cực trong dự thảo Thông tư 16.

Đầu tiên, quy định cho phép TCTD được mua TPDN với mục đích bổ sung vốn lưu động khi quản lý được nguồn thu từ hoạt động kinh doanh và thu thấp đầy đủ tài liệu chứng minh việc sử dụng vốn lưu động. Điều này sẽ giúp các tổ chức tín dụng đầu tư trái phiếu của các doanh nghiệp nhằm bổ sung vốn lưu động.

Tiếp đó, quy định cho phép TCTD được mua lại TPDN chưa niêm yết hoặc chưa đăng ký giao dịch trên UpCOM mà TCTD trước đó đã bán ra đến trước ngày 31/12/2023, điều này sẽ giảm áp lực một số tổ chức tín dụng đang gặp phải do trước đó đã phân phối cho nhà đầu tư trong khi Tổ chức phát hành gặp khó khăn về dòng tiền và không thể mua lại. Cũng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc giám sát chất lượng tín dụng bởi ngân hàng đối với tổ chức phát hành và thường cũng là khách hàng vay vốn của TCTD.  

Bên cạnh đó, quy định TCTD phải sử dụng thanh toán không dùng tiền mặt để thanh toán số tiền mua TPDN cho DN hoặc bên bán TPDN, từ đó giúp kiểm soát giao dịch và mục đích sử dụng vốn của doanh nghiệp phát hành.

Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Internet.

Tuy nhiên, đối với hoạt động đầu tư TPDN của ngân hàng dự thảo cũng đưa ra nhiều quy định chặt chẽ hơn như quy định TCTD chỉ có thể mua TPDN khi hệ số Nợ/ Vốn chủ sở hữu không vượt quá 5 lần dựa trên báo cáo tài chính gần nhất đã được kiểm toán.

Đồng thời, rất nhiều vướng mắc của Thông tư 16 hiện nay, theo các doanh nghiệp, trong dự thảo sửa đổi lần này không được NHNN đưa ra.

Hiệp hội bất động sản TP.HCM trước đó đã đề nghị NHNN sửa đổi Thông tư 16 theo hướng cho phép các tổ chức tín dụng được mua TPDN với mục đích cơ cấu nợ. Tuy vậy, quy định này trong dự thảo Thông tư 16 không được đả động đến.

Dự thảo sửa đổi Thông tư 16 cũng không thay đổi quy định cấm cho TCTD mua TPDN với mục đích cho DN đi góp vốn, mua cổ phần, hoặc mua phần vốn góp tại doanh nghiệp khác hay mua trái phiếu có mục đích tăng quy mô vốn hoạt động. Có thể nói, dự thảo Thông tư 16 chỉ mở ra một khe cửa hẹp để TCTD xử lý lượng TPDN nắm giữ hơn là tham gia giải cứu thị trường TPDN. Các ngân hàng vẫn bị hạn chế ở vai trò nguồn cầu cho thị trường trái phiếu.

Theo ông Nguyễn Quang Thuân, hiện nay điểm nghẽn lớn nhất của thị trường trái phiếu doanh nghiệp là nhu cầu tái tài trợ (cơ cấu lại nợ). Thế nhưng, vấn đề này chưa được giải quyết trong dự thảo Thông tư 16 sửa đổi. Do đó, dự thảo này được ban hành thì cũng không tác động nhiều đến thị trường TPDN và bất động sản, từ đó tác động xấu đến chất lượng tín dụng ngân hàng.

Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, trong bối cảnh rủi ro hệ thống ngân hàng toàn cầu tăng cao, sự thận trọng của NHNN là có cơ sở. Vì vậy, việc bơm tiền từ hệ thống ngân hàng ra giải cứu trái phiếu tiềm ẩn rủi ro an toàn hệ thống.