Song Vũ ·
1 năm trước
 3520

Cần thẳng tay xử lý đối với hành vi đổ, chôn lấp trộm chất thải

Trong thời gian gần đây, tại khu vực phía Nam thường xuyên diễn ra nhiều vụ việc liên quan đến hành vi chôn lấp chất thải trái phép, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường và sức khỏe con người.

Điển hình như sự việc Công ty Trà Vinh chôn lấp chất thải nguy hại trái phép với quy mô lớn tại Bình Dương. Sau đó không lâu, cũng trên địa bàn tỉnh này, lực lượng công an lại phát hiện thêm vụ chôn lấp chất thải trên 2.000 tấn. Nối tiếp đó là hàng loạt vụ việc tương tự xuất hiện tại nhiều tỉnh.

Bãi chôn chất thải trái phép tại Bình Dương gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường.

Ý thức tuân thủ luật BVMT còn kém

Lý giải về hiện tượng bùng nổ sai phạm liên quan đến môi trường, Phó chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam - PGS.TS. Phùng Chí Sỹ cho biết: Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng chôn lấp chất thải trái phép là do ý thức tuân thủ quy định pháp luật về bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp còn kém.

Cụ thể, sự yếu kém này xuất phát từ hệ quả của tính chất cạnh tranh giữa các đơn vị công ty cùng lĩnh vực. Khi doanh nghiệp muốn có nhiều lợi nhuận hơn, thường phải chọn cắt giảm kinh phí xử lý rác thải, tìm kiếm các đơn vị xử lý có giá thành thấp, không đảm bảo hoặc nghiêm trọng hơn là thực hiện đổ rác thải “trộm”, chôn lấp trái phép.

Hiện trường vụ việc đổ rác thải ra môi trường vừa được người dân ở thôn 9, xã Kiến Thành, huyện Đắk R'lấp phát hiện (Ảnh V. H)

Riêng đối với các đơn vị thực hiện xử lý rác thải, trong quá trình đầu tư thiết bị xử lý, do không đủ năng lực đầu tư nên thiết bị không đạt công suất, trong khi số lượng thu gom rác thải lại quá nhiều, buộc phải chôn lấp trái phép.

Theo ông Sỹ, công tác thanh tra, kiểm tra của nhà nước chưa thực sự sát sao cũng là một trong những yếu tố cần nhắc đến trong sự việc này.

“Lực lượng nhân sự mỏng nên chỉ thực hiện kiểm tra định kỳ theo năm và theo quy định, buộc có quyết định thanh tra thì mới đủ thẩm quyền đến đơn vị, không tự ý kiểm tra đột ngột khi không có giấy phép hợp pháp. Chính những rắc rối về quy định, thủ tục trong quá trình thanh tra đã làm hạn chế việc rà soát hoạt động, dẫn đến cơ quan chức năng không kịp thời phát hiện vi phạm.”, ông Sỹ nhận định.

Ngoài ra, việc người dân vẫn còn giữ thái độ thờ ơ trước những sai phạm của doanh nghiệp, không nắm được kịp thời sự việc hoặc do nhiều nguyên nhân khác, dẫn đến tình trạng dù doanh nghiệp đã vi phạm trong thời gian dài nhưng vẫn không hề phát hiện ra.

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hoà khuyến khích cơ quan chức năng mạnh tay trong xử lý vi phạm doanh nghiệp liên quan đến vấn đề môi trường (Ảnh thanhtra)

Cùng chung quan điểm trên, Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp, ông Phạm Văn Hoà chia sẻ thêm: Một thực trạng đáng buồn là hiện nay, nhiều nơi, nhiều khu vực, đặc biệt là khu vực miền Nam. Việc xử lý chất thải còn nhiều hạn chế, điều cốt lõi là do chưa có nhà máy xử lý chất thải với quy mô lớn, nên không có địa điểm uy tín để có thể đủ khả năng phân loại và xử lý đúng quy định.

Những bãi rác công cộng trong khu vực thì cũng không đủ khả năng để chấp và chứa hết, mặc dù vẫn có thể xử lý nhưng với lượng lớn và nhiều loại như vậy thì cũng không đủ khả năng. Điều thiết yếu nhất bây giờ là là phải xây dựng nhà máy xử lý riêng.

Khi đã có nhà máy xử lý rác thải thì mới có thể tiêu thụ được hết các chất thải, hạn chế được việc chôn lấp trái phép hoặc các hoạt động ảnh hưởng đến môi trường khác.

Tuy nhiên, hiện nay, đối với việc đầu tư chất thải, đầu tư cho việc xây nhà máy chất thải thì nhà nước ta chưa đủ kinh phí, còn nhiều hạn chế, đồng thời với xu hướng xã hội hóa như hiện tại thì việc đầu tư xử lý rác thải vẫn còn nhiều điểm bất cập khó nói và gây hạn chế cho nhà đầu tư, khiến nhà đầu tư còn e ngại.

Mất hàng chục năm để khôi phục môi trường

Bàn về hệ quả của vấn đề sai phạm chôn lấp chất thải, ông Sỹ thông tin: Tuỳ vào từng loại rác thải để có thể phân loại ảnh hưởng, nhưng trong các trường hợp gần đây, đơn vị này đã chôn lấp rất nhiều loại chất thải khác nhau, bao gồm cả chất thải sinh hoạt và chất thải độc hại.

Mà khi đã được gọi là các chất thải nguy hại thì có nghĩa, các chất này sẽ gây ra hệ quả khác nhau, bao gồm cả các chất độc ảnh hưởng đến sức khoẻ con người, chất dễ gây cháy nổ, gây ăn mòn và phá huỷ công trình xây dựng, chất độc gây phát sinh dịch bệnh do hoà trộn nhiều tạp chất bẩn,….

“Và khi chôn lấp như vậy, thải độc sẽ phát tán ra không khí, gây ảnh hưởng đến sức khoẻ con người khi tiếp xúc. Đặc biệt, các tạp chất này sẽ phát tán lẫn vào nguồn nước, gây ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn nước ngầm, nguồn nước sinh hoạt của người dân và sức khoẻ của người dân thông qua việc dùng nước để nấu thức ăn, ăn uống hằng ngày, nuôi trồng, tích tụ vào sản phẩm thức ăn.

Đặc biệt, các công nhân làm việc tại khu vực chôn lấp sẽ là người bị chịu ảnh hưởng lớn nhất. Nếu trong thời gian làm việc, công nhân làm việc trực tiếp nhưng không trang bị đủ bảo hộ lao động thì có thể ảnh hưởng thông qua tiếp xúc da, tiếp xúc thông qua hô hấp, tiêu hoá và nhiều hình thức khác.”, Phó chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam phân tích.

Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam bày tỏ sự quan ngại trước tình trạng chôn lấp trái phép diễn ra trong thời gian qua (Ảnh daibieunhanhdan)

Đồng thời, ông Sỹ cho biết, sẽ có rất nhiều khó khăn trong công cuộc khôi phục lại môi trường khu vực khi nơi đó đã bị ô nhiễm do chôn lấp trái phép. Mà nhìn chung, sẽ mất nhiều thời gian, nhiều chi phí, vấn đề pháp lý gặp khó khăn, hình thức đánh giá hiệu quả khắc phục cũng vướng nhiều rắc rối.

Đơn cử là trong trường hợp nếu chủ đầu tư/ đơn vị vi phạm đó đang trong trạng thái khó khăn về mặt tài chính và chưa đủ kinh phí thực hiện thì phải tiến hành mượn ngân sách Nhà nước để Nhà nước bỏ kinh phí ra đầu tư khắc phục và đơn vị sẽ hoàn trả dần, bù vào kinh phí ứng trước đó.

“Tuy nhiên, việc vay mượn/tạm ứng chi phí phục hồi từ phía Nhà nước mất rất nhiều thời gian để hoàn thành các vấn đề về thủ tục. Sau khi đã có kinh phí thì lại gặp khó khăn trong khâu lựa chọn đơn vị xử lý, phải cần thời gian tìm kiếm và xác định đơn vị thực hiện khắc phục.

Sau khi bắt tay vào thực hiện khắc phục thì lại mất thời gian để cơ quan thẩm định và đánh giá định kì xem phương pháp có đạt hiệu quả hay không, đợi thời gian để đánh giá và lấy mẫu phân tích nhiều lần.

Để phục hồi lại chất lượng môi trường khu vực chắc chắn cũng sẽ cần thời gian rất dài, không thể tính theo ngày, mà phải tính theo hàng năm, còn bao lâu thì còn phụ thuộc nhiều yếu tố ảnh hưởng. Nếu nghiêm trọng thì có thể hàng chục năm sau mới khôi phục được.”, Phó chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam nói thêm.

Việc chôn lấp chất thải trái phép gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến mực nước ngầm ính hoạt của người dân.

Để giải quyết được tình trạng trên, việc cấp bách trước mắt là phải ngăn ngăn chặn kịp thời việc ô nhiễm khu vực, không để lan truyền ra rộng hơn. Thực hiện phong tỏa khu vực ô nhiễm, bốc hốt các chất thải đi đến nơi có đủ điều kiện xử lý để tiêu thụ như đúng quy định hoặc đào 1 hố to bên cạnh, tiếp trải bạc xuống về mặt hố và ủi toàn bộ rác thải ô nhiễm vào hố để cô lập tạm thời hoặc đem đi nơi khác xử lý.

Trong thời gian đó, nếu khu vực bị bốc mùi ô nhiễm, ảnh hưởng đến đời sống người dân thì phải dùng biện pháp che chắn kín. Nếu ảnh hưởng nước ngầm thì phải dùng biện pháp cô lập vùng nước bị ô nhiễm, dùng cái loại vải chống thấm để ngăn. Tiếp đó, sẽ cải tạo môi trường khu vực, có thể dùng các loại hoá chất, chế phẩm rải xuống khu vực ô nhiễm để cố định đất, không để tình trạng nhiễm bẩn lan ra môi trường rộng.

Tuy nhiên, Ông Sỹ cũng nhấn mạnh, đó chỉ là biện pháp trước mắt. Nếu muốn cải tạo, phục hồi dài hạn thì cần nhiều năm và nhiều biện pháp khác nhau. Điển hình như có thể trồng thêm mảng xanh để cây hấp thụ bớt chất ô nhiễm, tạo mảng xanh để phục hồi khu vực,…

Thẳng tay truy cứu hình sự nếu ảnh hưởng nghiêm trọng

Phó chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam thông tin: Đối với việc xử lý vi phạm trên, như trong luật về bảo vệ môi trường đã quy định rất rõ từng trường hợp cụ thể, từng loại vi phạm, trường hợp vi phạm. Phải dựa vào chính quyền mới có thể phân loại truy cứu trách nhiệm và xử lý vi phạm theo như vi định của pháp luật. Mức đó sai phạm thuộc phân khúc nào thì sẽ cho hình phạt tương ứng.

Đồng thời, khi sự việc xảy ra, đơn vị giám sát, chính quyền địa phương, đơn vị cấp phép hoạt động, thanh tra kiểm tra của bộ, đơn vị xử lý vi phạm như cảnh sát môi trường sẽ là những đơn vị tiến hành thẩm định và chịu trách nhiệm.

Nếu sai phạm ở mức tương đối nhẹ, không ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường thì có thể bị phạt hành chính và tạm ngưng hoạt động doanh nghiệp đó để thực hiện khắc phục hệ quả.

Và để có thể hạn chế được tình trạng này trong tương lai, theo Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp: “Điều đầu tiên cần thực hiện là Nhà nước phải thường xuyên thanh tra - kiểm tra, các đơn vị cấp phép hoạt động cho doanh nghiệp cũng phải thường xuyên xem xét các công ty đó có thực hiện tuân thủ quy định ký kết hay không.”

Mạnh tay thu hồi giấy phép đối với các đơn vị không đủ năng lực, không có tiềm năng tài chính trong việc thực hiện đúng các biện pháp môi trường.

Bên cạnh đó, cả hai chuyên gia, đại biểu đều đồng tình với việc chú trọng trong việc đưa ra mức phạt nặng để răn đe các trường hợp khác, buộc chịu chi phí khắc phục và truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các hành vi gây ảnh hưởng nghiêm trọng.

Tập trung vào chất lượng thực hiện của từng điểm xử lý rác, hạn chế quá nhiều điểm xử lý. Thay vì xây dựng nhiều điểm thì nên lại hạn chế bớt đi, tập trung có hiệu quả tại các điểm sẽ giúp đạt hiệu quả cao hơn.