Lan Anh ·
2 năm trước
 5374

Câu chuyện "bác sĩ Khoa" gây chấn động MXH là hư cấu: Đừng để Fake News dẫn dắt!

Câu chuyện về "bác sĩ Khoa" là câu chuyện liên quan tới sự hi sinh của y bác sĩ ở các tuyến đầu chống dịch, đáng tiếc đây là câu chuyện bịa đặt, lòng tin của cộng đồng bị mang ra đùa giỡn, câu view một cách không thương tiếc. Mỗi chúng ta nên tỉnh táo, đừng để cảm xúc chi phối và để tin giả (fake news) dẫn dắt. 

Chuyện "bác sĩ Khoa" là hư cấu?

Tối 7/8 vừa qua, trên mạng xuất hiện nội dung chia sẻ của một người tên Khoa, được cho là bác sĩ sản phụ khoa. Theo nội dung lan truyền, "bác sĩ Khoa" đã quyết định "nhường đi chiếc máy thở" của bố mẹ mình, cũng là hai người đang điều trị Covid-19 cho một sản phụ đang cần.

Người này sau đó đã kìm nỗi đau mất người thân, trực tiếp vào phòng mổ phẫu thuật thành công cho sản phụ sinh đôi này. Ngoài ra còn có hình ảnh 2 bé song sinh được lan truyền, được cho là hai bé mà bác sĩ này vừa phẫu thuật.

Cụ thể, trên trang cá nhân Trần Khoa chia sẻ dòng trạng thái như sau:
 
"Con chào ba, chào mẹ!
Con mãi nhớ về ba, về mẹ người gắng với con cả cuộc đời!
Con vẫn chưa kịp vẽ lên ước mơ cho ba mẹ, thì giờ đây con đã mất đi ba mẹ.
Con không thể làm khác phải không ba? Ba vào tâm dịch, chiếc áo ấy vẫn mặc, ba trở bệnh khi ấy vẫn cầm thuốc cho người cần.
Mẹ cùng ba đi khắp Sài Gòn, cùng ba làm những việc ba mẹ cho là hạnh phúc. Con cũng thế mẹ ạ!
Xa nhà bao năm, tình yêu con có cũng chỉ là những chuyến mẹ ba sang thăm, tình yêu ấy lớn lắm. Con quyết định nhường đi chiếc máy khi sản phụ ấy cần. Con tin mẹ cũng thế!
Cúi đầu tiễn biệt ba mẹ lần cuối.
SG 07/08/21
Ngày tôi mồ côi".
bác sĩ Khoa
Những dòng chia sẻ của Facebook được cho là của "bác sĩ Khoa" lan truyền chóng mặt trên MXH
 
bác sĩ Khoa
Đoạn chat và hình ảnh hai bé song sinh được chia sẻ
 
Những dòng chia sẻ cảm động này cùng đoạn chat tin nhắn giữa bác sĩ Khoa cùng đồng nghiệp kèm những tấm ảnh em bé sơ sinh kháu khỉnh sau khi đăng tải được chia sẻ với tốc độ chóng mặt, đa phần đều cảm phục trước hành động của bác sĩ Khoa.
 
Rất nhiều người đã xúc động, thương cảm trước hành động này. Đơn cử, một Facebook mang tên Ngô Như Quỳnh (có tích xanh của Facebook) sau khi chia sẻ một dòng trạng thái "Rơi nước mắt giữa khuya. Bác sĩ Khoa, xin cúi đầu trước anh và ba mẹ anh, những người thầy thuốc đáng kính" nhanh chóng nhận được hàng ngàn lượt like.
 
Ngay cả giữa đêm khuya, câu chuyện cảm động này đã lan truyền với tốc độ không ngờ. 
bác sĩ Khoa
Một Facebook mang tên Ngô Như Quỳnh (có tích xanh của Facebook) sau khi chia sẻ một dòng trạng thái "Rơi nước mắt giữa khuya. Bác sĩ Khoa, xin cúi đầu trước anh và ba mẹ anh, những người thầy thuốc đáng kính" nhanh chóng nhận được hàng ngàn lượt like
 
Tuy nhiên, khá nhiều người cũng đặt ra câu hỏi như: Bệnh viện thiếu oxy đến như vậy hay sao? Dù là người thân đi chăng nữa, thì bác sĩ được quyền rút ống thở của bệnh nhân mà không qua một quy trình hội chẩn nào hay sao? Thêm nữa, câu chuyện mập mờ hơn khi thông tin về nơi làm việc của bác sĩ Khoa, về mẹ con sản phụ đều không rõ ràng.
 
Sau khi thông tin được lan truyền, bác sĩ Cao Hữu Thịnh từng công tác tại bệnh viện Từ Dũ, TP Hồ Chí Minh xác nhận hình ảnh hai em bé này là hình của mình, đã bị gán ghép vào một nội dung không có thật. Đó là hai em bé được chụp sau ca mổ của bác sĩ Thịnh cách đây không lâu chứ không phải là hình ảnh của một "bác sĩ Khoa" nào đó. "Hình ảnh họ chia sẻ lấy từ hai ca mổ sinh một và ca sinh đôi của bác sĩ Thịnh đã thực hiện", đại diện của bác sĩ Thịnh chia sẻ. 

bác sĩ Khoa

Hình ảnh do bác sĩ Cao Hữu Thịnh chia sẻ bị dùng với mục đích khác

Một đại diện Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cũng cho biết qua rà soát đến nay chưa thấy có trường hợp bác sĩ tên Khoa như mạng xã hội thông tin. 

Theo một số thông tin trên mạng, người lấy tên Trần Khoa là bác sĩ sản khoa, làm việc ở Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM). Trao đổi với VietNamNet, đại diện truyền thông Bệnh viện Chợ Rẫy cũng xác nhận thông tin bác sĩ Khoa làm việc tại Bệnh viện Chợ Rẫy không đúng sự thật. Bệnh viện không có Khoa Sản và không có sự việc mổ bắt con tại bệnh viện.

Người này cũng cho biết, việc rút máy thở cho bệnh nhân phải thông qua hội đồng chuyên môn quyết định. “Bệnh viện chúng tôi khi tiếp nhận bệnh nhân phải xem xét có đầy đủ trang thiết bị để điều trị cho họ hay không mới nhận, chứ không cứ nhận rồi để xảy ra tình trạng như trên”, đại diện Bệnh viện Chợ Rẫy chia sẻ.

Như vậy, chuyện "bác sĩ Khoa" rút ống thở của ba mẹ mình để cứu sản phụ mang song thai là câu chuyện hư cấu, hoàn toàn bịa đặt. Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đang phối hợp với công an TP Hồ Chí Minh đã vào cuộc xác minh làm rõ nguồn gốc bài đăng này để xử lý theo quy định của pháp luật.

Cẩn trọng với Facek News

Cộng đồng mạng được một đêm thổn thức vì câu chuyện xúc động. Đáng tiếc, đây lại là hành vi được dẫn dắt và lan truyền bởi các nhà báo và nhiều người có ảnh hưởng khác. Có lẽ bởi vậy nên càng thêm đáng tin và tốc độ lan tuyền mạnh mẽ hơn. 

Vì sao lại nói câu chuyện trên được lan truyền mạnh mẽ cũng một phần nằm ở chỗ nhiều người có ảnh hưởng đã chia sẻ nó? 

Bởi một trong số những địa chỉ đã chia sẻ câu chuyện này chính là Facebook của nhà báo Nguyễn Đức Hiển, Phó Tổng biên tập báo Pháp luật TP HCM. Câu chuyện càng trở nên đáng tin hơn khi Jang Kều - một người làm việc trong các dự án cộng đồng nổi tiếng tại Việt Nam - cho biết cô đã "gọi điện cho bác sĩ Khoa".

Chưa hết, Hoàng Nguyên Vũ, một nhà báo có nhiều người theo dõi trên Facebook, viết: "Bác sĩ Khoa, chúng tôi nợ anh và bố mẹ anh sự sống!". Nhà báo Nguyễn Công Khế, cựu Tổng biên tập báo Thanh Niên, bình luận dưới bài viết của ông Đức Hiển: "Cảm phục và trân trọng!"

fake news

Bài viết từ Facebook Nhà báo Nguyễn Đức Hiển

bác sĩ Khoa

Jang Kều - một người làm việc trong các dự án cộng đồng nổi tiếng tại Việt Nam - cho biết cô đã "gọi điện cho bác sĩ Khoa"

Nhiều người có ảnh hưởng đã chia sẻ, bày tỏ thái độ cảm phục, biết ơn và thương xót trước thông tin này. Tin tức nhanh chóng được lan truyền đi như một cơn bão. Nhưng vì là "bão giả" nên nhanh chóng qua đi. Khi người ta bình tĩnh nhìn lại, thì thấy sau cơn sóng hóa ra chỉ toàn là rác rến. Nhiều nước mắt và xúc cảm bị lừa gạt trơ trẽn bởi tất cả thông tin chỉ là bịa đặt. 

Đến sáng nay, dường như đã nhận ra sai sót, nhiều người chia sẻ thông tin đã hạ bài. 

Qua câu chuyện này, thiết nghĩ chúng ta cần cẩn trọng hơn với Fake News (thông tin giả). Điều đáng sợ hơn là những thông tin giả ngày càng có vẻ hợp lý và đặt trong những bối cảnh rất thật. Nếu như câu chuyện này lan truyền không kiểm soát, liệu người dân sẽ nghĩ gì về hệ thống y tế TP HCM? Liệu y tế đã quá tải đến mức không còn đủ oxy để cứu 2 người già mắc Covid-19 hay sao? Sự hoang mang của người dân trong khủng hoảng dịch bệnh sẽ gây ra những hệ lụy gì là điều không ai có thể đoán trước được!
 
Câu chuyện về "bác sĩ Khoa" là câu chuyện liên quan tới sự hi sinh của y bác sĩ ở các tuyến đầu chống dịch, đáng tiếc đây là câu chuyện bịa đặt, lòng tin của cộng đồng bị mang ra đùa giỡn, câu view một cách không thương tiếc. 
 
Dù khát khao điều tốt đẹp, và muốn chia sẻ những giá trị sâu thẳm như sự hi sinh của những bác sĩ nơi tuyến đầu chống dịch đi chăng nữa, nhưng mỗi chúng ta đều nên tỉnh táo, đừng để cảm xúc chi phối và để tin giả (fake news) dẫn dắt.