Thanh Tâm ·
1 năm trước
 5654

Giải pháp 'một mũi tên trúng hai đích' cho biến đổi khí hậu ở Đông Nam Á

Việc đầu tư phát triển các biện pháp bảo vệ đa dạng sinh học không chỉ khắc phục được tình trạng biến đổi khí hậu mà còn có thể tạo ra lợi nhuận lớn cho khu vực Đông Nam Á.

Đông Nam Á là một trong những khu vực đa dạng sinh học lớn nhất hành tinh. (Nguồn: Unsplash)

Theo một nghiên cứu mới của Viện Hàn lâm Khoa học Malaysia (ASM), việc đầu tư phát triển các biện pháp bảo vệ đa dạng sinh học của rừng và biển ở khu vực Đông Nam Á không chỉ giảm thiểu biến đổi khí hậu mà còn có thể tạo ra lợi nhuận hơn 2,19 nghìn tỷ USD/năm.

Bảo tồn "kho báu quốc gia"

Đơn vị truyền thông Eco-Business cho biết nếu các nước Đông Nam Á đầu tư khoảng 10 tỷ USD để phát triển các biện pháp giảm thiểu biến đổi khí hậu ngay bây giờ, con số thu được vào năm 2030 sẽ là 46 tỷ USD. Đồng thời, các nhà nghiên cứu cũng chỉ ra rằng khoản đầu tư này chỉ là một phần rất nhỏ so với lợi ích từ số việc làm mới được tạo ra, mức thu nhập tăng cao và một môi trường phát triển bền vững.

Giáo sư Emerita Datuk Dr. Asma Ismail, Chủ tịch ASM, khẳng định: “Đông Nam Á là một trong những khu vực đa dạng sinh học lớn nhất hành tinh, với rất nhiều những rạn san hô cùng rừng ngập mặn phong phú. Chúng ta cần phải mở rộng tầm nhìn và tư duy để hiểu rằng đây là những báu vật quốc gia có giá trị chủ quyền cao”.

Tuy nhiên, những "kho báu quốc gia" này đang đối mặt với mối đe dọa đến từ suy thoái môi trường. Liên hợp quốc từng đưa ra nhiều cảnh báo về tình trạng suy thoái nghiêm trọng của môi trường và số lượng các sinh vật đang dần bị tuyệt chủng với tốc độ chưa từng có.

Bên cạnh đó, nghiên cứu của ASM cũng nhấn mạnh việc mất đa dạng sinh học có thể dẫn đến những hậu quả kinh tế đáng kể. Tuy nhiên, nhìn từ một góc độ khác, đây có thể là một cơ hội giúp Đông Nam Á thúc đẩy việc bảo tồn đa dạng sinh học, tăng cường đầu tư vào cơ sở hạ tầng để giữ gìn sự phát triển bền vững và tạo thêm nhiều việc làm, góp phần tăng trưởng kinh tế xã hội.

Những dự án tiêu biểu

Để chứng minh quan điểm này, các nhà nghiên cứu đã nêu bật một số các dự án bảo tồn thiên nhiên "một mũi tên trúng hai đích".

Điển hình là Khu bảo tồn động vật hoang dã Keo Seima ở phía Đông Campuchia đã cung cấp nơi ở cho hơn 40 loài sinh vật bị đe dọa tuyệt chủng, bao gồm voi châu Á và cò quăm lớn. Đây là một dự án thành công, góp phần giảm thiểu cháy rừng và khí thải carbon, đồng thời tạo ra nguồn thu nhập mới cho người dân địa phương. Cụ thể, 449 việc làm đã được tạo ra trong nhiều lĩnh vực như thực thi pháp luật, tuần tra cộng đồng, bảo tồn và du lịch sinh thái.

Việc bảo vệ môi trường biển của Đông Nam Á cũng nhận được nhiều "trái ngọt" trong lĩnh vực kinh tế. Theo ASM, hiện công viên hải dương Tun Mustapha ở Malaysia, thu hút nhiều khách tham quan, đang là nơi ở của hơn 250 loài san hô, 400 loài cá và động vật bao gồm rùa biển và cá voi lưng gù.