Trần Thắng ·
3 năm trước
 840

Huyện Phúc Thọ có “bất lực” trước những sai phạm tại xã Sen Phương?

Mặc dù, thành phố Hà Nội đã liên tục chỉ đạo, đồng thời ban hành các văn bản về việc quản lý đất đai và đê điều. Tuy nhiên, một số địa phương trên địa bàn thành phố vẫn chưa nghiêm túc thực hiện.

Phản ánh tới Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử, người dân các xã Xuân Đình, Võng Xuyên (Phúc Thọ, Hà Nội) cho biết: Nhiều năm nay người dân nơi đây thường xuyên phải hứng chịu những cơn “bão bụi” từ những binh đoàn xe tải chuyên chở vật liệu xây dựng(VLXD) từ những bến, bãi tập kết vật liệu trái phép nằm trên đê Hữu Hồng thuộc địa bàn xã Sen Phương. Vật liệu chuyên chở chủ yếu là cát, đá, quá trình vận chuyển do không được che chắn cẩn thận nên VLXD rơi vãi xuống đường, gây ô nhiễm môi trường. Nguy hiểm hơn, những chiếc xe này luôn trong tình trạng chở quá khổ, quá tải, tàn phá hạ tầng giao thông dẫn tới mặt đường, mặt đê xuống cấp, nguy cơ mất an toàn cho người và phương tiện khi lưu thông qua khu vực này.

Bến thủy nội địa Thúy Bình, Phúc Sơn hoạt động rầm rộ.

Bà Hoàng thị Ph, người dân xã Xuân Đình bức xúc cho biết: “Nhiều năm qua, người dân chúng tôi bị ảnh hưởng từ các bến, bãi tập kết VLXD nằm ngoài đê Hữu Hồng. Mỗi ngày có hàng đoàn xe vận chuyển than, cát, sỏi nối đuôi nhau chạy tấp nập, nhiều xe không được che chắn cẩn thận để vật liệu rơi vãi xuống đường, khiến bụi bay mù mịt. Những chiếc xe tải hạng nặng hằng ngày quần thảo trên những tuyến đường, tuyến đê tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho người và phương tiện khi tham gia giao thông tại đây.

Trước thông tin phản ánh của người dân, để khách quan, PV đã đến ghi nhận thực tế tại đây. Theo quan sát, tại vị trí sát mép sông đoạn từ Km33 - Km35 trên đê Hữu Hồng thuộc địa bàn xã Sen Phương đang tồn tại 2 công trình cầu cảng quy mô lớn hoạt động rầm rộ. Tại 2 cầu cảng này, luôn thường trực nhiều máy xúc công suất lớn có chức năng bốc dỡ vật liệu từ tàu thuyền lên bãi tập kết. Trên bãi là những cồn cát lớn được chất cao như núi, ước tính lên đến hàng nghìn m3, mỗi ngày có hàng trăm lượt xe tải ra vào chở vật liệu, chủ yếu là cát, đá.

Tàu thuyền nô nức cập bến để bốc dỡ vật liệu lên bãi tập kết.

Mỗi ngày có hàng trăm lượt xe tải ra vào bến bốc rỡ hàng hóa, vật liệu chủ yếu là cát, đá.

Tìm hiểu được biết, hai công trình cầu cảng này là của hộ ông Đoàn Văn Cường (chủ bến thủy nội địa Phúc Sơn) và ông Nguyễn Văn Bình (chủ bến thủy nội địa Thúy Bình), 2 hộ kinh doanh này thuê đất của xã Sen Phương để hoạt động bến thủy nội địa từ nhiều năm nay.

Được biết, tháng 6/2020 đoàn kiểm tra liên ngành của huyện Phúc Thọ đã tiến hành kiểm tra hai bến thủy nội địa trên, sau khi kiểm tra đã phát hiện hàng loạt các sai phạm như: Không có giấy phép hoạt động bến thủy nội địa theo quy định, xây dựng công trình và tập kết trung chuyển vật liệu ở bãi sông trực tiếp vi phạm các quy định của luật Đê điều, sử dụng đất làm bến thủy không đúng mục đích, vi phạm luật đất đai…

Mặc dù, các cơ quan chức năng đã phát hiện rõ những vi phạm của hai bến thủy nội địa trên nhưng không hiểu vì lý do gì đến nay 2 bến thủy này vẫn “vô tư” hoạt động, bất chấp pháp luật. Hơn nữa, đầu năm nay doanh nghiệp còn ngang nhiên “mở rộng” sai phạm khi xây dựng thêm hàng trăm mét bến bãi nối tiếp vào công trình sai phạm có sẵn, khiến người dân vô cùng bức xúc.

Để làm rõ vấn đề trên, phóng viên đã có buổi làm việc với UBND xã Sen Phương, huyện Phúc Thọ. Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Văn Tín – Chủ tịch xã Sen Phương cho biết: “Trên địa bàn xã, tại vị trí kè Phương Độ có 2 bến thủy nội địa của ông Đoàn Văn Cường và ông Nguyễn Văn Bình, một bãi kinh doanh VLXD của bà Nguyễn Thị Xuân. Trước kia xã có ký hợp đồng cho các hộ này thuê đất, tuy nhiên năm 2020 thành phố Hà Nội có quyết định đóng cửa các bến thủy nội địa trên địa bàn xã, vì vậy xã đã thanh lý hợp đồng đối với các hộ kinh doanh này. Các cơ quan chức năng đã kiểm tra và đình chỉ hoạt động, đồng thời yêu cầu các hộ kinh doanh này tự giác tháo dỡ, hiện nay ở xã không có bến bãi nào được cấp phép hoạt động”.

Trả lời câu hỏi của Phóng viên về việc, UBND huyện đã có văn bản đình chỉ nhưng các bến bãi vẫn ngang nhiên hoạt động. Vì sao UBND xã không có biện pháp ngăn chặn, xử lý?. Ông Tín khẳng định rằng các bến bãi đã dừng hoạt động, xã đang vận động họ tự tháo dỡ đồng thời xã vẫn thường xuyên kiểm tra. Chỉ đến khi Phóng viên đưa ra căn cứ về việc các bến bãi, hằng ngày vẫn có hoạt động bốc dỡ hàng hóa rầm rộ thì vị chủ tịch mới cho công an xã xuống ngăn chặn.

Liên quan đến sự việc trên, trao đổi với ông Nguyễn Công Cường – Hạt trưởng Hạt quản lý đê Sơn Tây - Phúc Thọ, ông Cường cho biết: “Sai phạm của hai bến thủy nội địa Phúc Sơn và Thúy Bình, thành phố đã có quyết định cưỡng chế thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả. Hạt quản lý đê đã làm hết trách nhiệm, khi phát hiện vi phạm, Hạt đã lập hồ sơ báo cáo lên trên, việc ngăn chặn, xử lý sai phạm thuộc thẩm quyền của xã Sen Phương và Huyện Phúc Thọ”.

Như vậy, những sai phạm của 2 bến thủy nội địa trên đê Hữu Hồng, đoạn qua xã Sen Phương chỉ bị yêu cầu dừng khi đã xây dựng hoàn thành. Các yêu cầu cưỡng chế phá dỡ công trình sai phạm đến nay cũng chỉ dừng lại ở mức ra văn bản, doanh nghiệp có thực hiện hay không thì chính quyền cũng bỏ mặc. Phải chăng UBND huyện Phúc Thọ, UBND xã Sen Phương cũng chỉ xem việc xử lý sai phạm trên địa bàn mình quản lý là thủ tục, rồi “nhắm mắt làm ngơ” cho doanh nghiệp ngang nhiên xâm hại lợi ích quốc gia.

Với thực tế trên, rất mong UBND thành phố Hà Nội cùng các cơ quan có thẩm quyền vào cuộc xử lý dứt điểm những sai phạm trên. Đồng thời, có hình thức xử lý trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan khi để xảy ra sai phạm (nếu có). Lập lại trật tự quản lý đất đai, đê điều trên địa bàn thành phố.

Nguồn: https://www.moitruongvadothi.vn/phap-luat/dieu-tra-ban-doc/huyen-phuc-tho-co-bat-luc-truoc-nhung-sai-pham-tai-xa-sen-phuong-a81882.html