Thục Nghi ·
2 năm trước
 2501

Lũ lụt càn quét Tây Âu, 1.300 người mất tích

Đợt mưa lũ tồi tệ nhất trong vòng 100 năm qua làm nhiều con sông bị vỡ bờ, gây ngập lụt diện rộng ở Tây Âu, làm khoảng 1.300 người mất tích, nhiều nhà cửa bị cuốn trôi.

Đêm 15/7, các nhà chức trách Đức cho biết, có ít nhất 59 người thiệt mạng trong đợt mưa lũ lớn gây ngập lụt nhiều khu vực ở miền tây nước Đức những ngày qua. Nặng nề nhất là bang North Rhine-Westphalia (31 người) và Rhineland-Palatinate (28 người).

Thống đốc bang Rhineland-Palatinate, Malu Dreyer, báo cáo với Quốc hội khu vực: “Có người chết, có người mất tích, còn rất nhiều người vẫn đang gặp nguy hiểm. Chúng tôi chưa bao giờ chứng kiến một thảm họa như vậy, nó thực sự rất tàn khốc”.

Nhiều ngôi nhà ở thị trấn Schuld, bang Rhineland-Palatinate, Đức bị tàn phá sau cơn lũ.

Nhiều ngôi nhà ở thị trấn Schuld, bang Rhineland-Palatinate, Đức bị tàn phá sau cơn lũ. (Ảnh: Reuters)

Chính quyền huyện Ahrweiler ở miền tây nước Đức cho biết, số người chết dự kiến sẽ tăng cao, với khoảng 1.300 người được cho là mất tích.

Mưa lũ khiến hàng trăm nghìn hộ gia đình mất điện, đặc biệt tình trạng mất điện ở Thành phố Leverkusen buộc giới chức nơi đây phải sơ tán toàn bộ một bệnh viện có gần 500 bệnh nhân.

Các nhà chức trách nhận định, còn quá sớm để nói về quy mô thiệt hại khi mà chúng có thể tăng lên vào những ngày tiếp theo.

Tại Bỉ, số người chết tăng lên 9 người. Hầu hết các thành phố phía nam của Bỉ bị ảnh hưởng nặng nề từ đợt lũ lịch sử này. Thiệt hại về vật chất hiện vẫn chưa thể ước tính được.

Thành phố Verviers thuộc tỉnh Lìege hiện áp dụng lệnh giới nghiêm từ 21h - 6h sáng, nhằm ngăn chặn nạn cướp bóc, vì nhiều cửa hàng đã bị đột nhập trong thời gian qua.

Trước diễn biến xấu của thời tiết và mực nước dâng cao kỷ lục tại các vùng phía nam, Bộ Quốc phòng Bỉ đã triển khai nhiều nguồn lực kể từ tối 14/7 nhằm thực hiện công tác cứu hộ người dân đang mắc kẹt tại vùng nước lũ.

Tuy nhiên, do điều kiện thời tiết xấu, các máy bay trực thăng cứu hộ của Bộ Quốc phòng vẫn không thể tiến hành sơ tán người dân ở các tỉnh Lìege, Namur, Luxembourg và Limburg.

Ở hạ lưu tại Hà Lan, lũ lụt làm hư hại nhiều ngôi nhà ở tỉnh Limburg, miền nam nước này, buộc Chính phủ phải kêu gọi sơ tán khẩn cấp khi các con sông trong khu vực có nguy cơ bị vỡ bờ.

Lũ lụt đã nhấn chìm trung tâm thị trấn Valkenburg, phía Nam tỉnh Limburg, gần biên giới Bỉ và Đức, buộc một số viện dưỡng lão phải tiến hành sơ tán, song không có thiệt hại về người.

Tại Pháp, mưa lớn cũng gây ngập lụt tại một số khu vực ở vùng đông bắc, làm nhiều cây cối bị gãy đổ, nhiều con đường bị tắc.

Thủ hiến bang North Rhine-Westphalia Armin Laschet cho rằng, nguyên nhân dẫn đến thảm họa lần này là do thời tiết khắc nghiệt dẫn đến hiện tượng nóng lên toàn cầu.

"Chúng ta sẽ phải đối mặt với những sự kiện như vậy lặp đi lặp lại. Điều đó có nghĩa là chúng ta cần tăng tốc các biện pháp bảo vệ khí hậu ở cấp độ châu Âu, liên bang và toàn cầu, bởi vì biến đổi khí hậu không chỉ giới hạn ở một bang" - ông Armin Laschet nói.

Liên quan tình hình mưa lũ ở Đức, người phát ngôn Liên Hợp Quốc ngày 15/7 cho biết, thảm họa lũ lụt ở vùng Tây Đức là hậu quả của tình trạng biến đổi khí hậu đang hiện hữu. Theo đó, các vụ mưa lũ là xu hướng chính liên quan tới biến đổi khí hậu vốn dẫn tới tình trạng thời tiết cực đoan. Liên Hợp Quốc kêu gọi thế giới cần hợp tác chống lại cuộc khủng hoảng khí hậu nhằm hạn chế các thảm họa tương tự ở Đức xảy ra trong tương lai.

Nguồn