Mạnh Hùng ·
1 năm trước
 1895

Năm 2022, nhà nhà đi bán đồ cũ

Từ những ông lớn thời trang nhanh như Shein cho đến các thương hiệu siêu sang như Rolex, tất cả đều đang thực hiện những dự án bán đồ cũ (resale) trong năm 2022.

Hiện nay có 121 thương hiệu đang thực hiện các chương trình resale

Ông James Reinhart, đồng sáng lập kiêm Tổng giám đốc của nền tảng bán đồ cũ ThredUp, nhận định rằng mặc dù thời trang resale chưa thể vượt qua bán lẻ thời trang mới, nhưng có lẽ đang trên con đường đạt được điều này.

Theo ThredUp, hiện nay có 121 thương hiệu đang thực hiện các chương trình resale. Trong số 100 thương hiệu top (The Recommerce 100), thì có đến 72 thương hiệu bắt đầu triển khai trong năm 2022. Điều này giống như dự đoán của Reinhart hồi tháng 4, khi ông nói rằng “số lượng cửa hàng resale ra mắt năm 2022 sẽ nhiều hơn tất cả những gì từ trước đến nay cộng lại”.

Trong tháng 11, thương hiệu có nhiều sản phẩm resale nhất là Athleta với 34.525, theo sau đó là Tea Collection (22.591), Lululemon Athletica (13.290) và Tommy Hilfiger (9.925).

Nhiều người thường nghĩ động lực chính để người tiêu dùng mua hàng resale thường liên quan nhiều đến lợi ích cho môi trường. Tuy nhiên các thống kê cho thấy họ quan tâm đến nhiều thứ hơn.

Cụ thể, vấn đề môi trường chỉ xếp thứ 3 (12% khách hàng đề cập đến), xếp dưới các lợi ích như tiết kiệm tiền (22%) và tìm được các món hàng “độc đáo” (15%), theo báo cáo tháng 8 của Recurate, một startup chuyên hỗ trợ các thương hiệu khởi động những chiến dịch resale. Còn nghiên cứu của Morning Consult chỉ ra rằng chỉ có 26% người tiêu dùng mua hàng resale vì các lý do phát triển bền vững, kém xa so với 68% khách mua vì tiết kiệm tiền.

Dĩ nhiên, yếu tố “vì môi trường”, “phát triển bền vững” vẫn hiện hữu trong mảng resale. Thế nhưng các thương hiệu cần lưu ý rằng resale không phải lúc nào cũng là một cách PR hiệu quả. Chẳng hạn hồi tháng 10, Shein khởi động nền tảng resale có tên Shein Exchange của mình. Shein kỳ vọng dự án này sẽ giúp họ giảm bớt phần nào những tai tiếng liên quan đến môi trường của thời trang nhanh. Thế nhưng cuối cùng, dự án này lại bị cáo buộc là một hình thức “tẩy xanh” (tức là những chương trình tỏ vẻ như vì môi trường nhưng thực tế nhằm che giấu những hoạt động tổn hại môi trường).

Xu hướng resale phát triển biến những người mua có thể trở thành những người bán

Xu hướng resale phát triển biến những người mua có thể trở thành những người bán. Trên thực tế, báo cáo tháng 8 của Recurate cho thấy có 73% người bán hàng resale từng mua các sản phẩm đó. Khi đó, ngày càng có nhiều người chú ý đến giá trị resale khi mua một sản phẩm hơn.

Nếu lúc trước, khi mua một món đồ giá trị lớn như xe hơi thì người mua mới hay nghĩ đến giá trị bán lại. Tuy nhiên hiện nay việc này áp dụng cho cả những người mua quần áo hoặc phụ kiện. Báo cáo của Recurate cho thấy có đến 48% người mua mua quần áo và phụ kiện mới có ý định bán lại sau này.

Do đó ở một số nền tảng, bên cạnh giá bán sản phẩm mới, họ còn niêm yết thêm giá resale của những sản phẩm tương tự đã qua sử dụng để củng cố giá trị resale của món hàng đó. Chẳng hạn trên Peak Design, trong một sản phẩm giá 219,95 USD, họ đưa ra một đường link quảng cáo “chín sản phẩm đã qua sử dụng khác với giá từ 86 USD”. Trong đó thậm chí còn có sản phẩm resale để giá 225 USD, cao hơn cả giá sản phẩm mới.

Những sản phẩm resale giá rẻ như vậy từng là thứ khiến các thương hiệu “tẩy chay” việc resale, bởi họ lo lắng rằng khách hàng sẽ chỉ mua sản phẩm resale, không mua sản phẩm mới, làm giảm biên lợi nhuận. Thuật ngữ cho việc này là “cannibalization”, tức là “ăn thịt đồng loại”, chỉ việc bán được thứ này nhưng lại mất thứ khác. Thế nhưng hiện nay giá trị resale lại là thứ được đem ra quảng cáo. Bởi vì nó đem đến cho khách hàng một cái nhìn rõ ràng về giá trị mà sau này họ có thể nhận về lại.

Cannibalization từng khiến nhiều thương hiệu xa xỉ đứng ngoài cuộc chơi resale. Thế nhưng mọi chuyện nhanh chóng xoay chiều, khi trong năm nay, các thương hiệu hàng đầu như Rolex và Oscar De La Renta cũng khởi động các chương trình resale. Bởi vì họ nhận thấy rằng những sản phẩm của mình đang ăn nên làm ra trên các nền tảng resale, và họ muốn trở thành một phần của mạng lưới “cannibalization” trên eBay hoặc các nền tảng resale khác.

Việt Nam trong năm qua cũng nổi lên 2 đại diện cho xu thế này là Jolux và Lemo và cũng gây được một số tiếng vang nhất định dù vẫn chưa nổi bằng các đàn anh trên thế giới.