Huyền My ·
1 năm trước
 2111

Nha Trang: Thực hiện chương trình giám sát môi trường định kỳ năm 2023

Nhằm hướng đến mục tiêu chấn chỉnh và nâng cao công tác BVMT trên địa bàn, UBND TP. Nha Trang đã yêu cầu BQL Dịch vụ công ích, Công ty CP Môi trường Đô thị Nha Trang thực hiện chương trình giám sát môi trường định kỳ năm 2023.

Cụ thể, hoạt động giám sát lần này sẽ được các đơn vị tiến hành thực hiện tại Nhà máy xử lý nước thải phía nam, Trạ̣m xử lý nước rỉ rác Lương Hòa, bãi chôn lấp Lương Hòa và bãi rác Rù Rì (cũ).

TP. Nha Trang luôn chú trọng công tác bảo vệ môi trường

Đối với Nhà máy xử lý nước thải phía nam và Trạm xử lý nước rỉ rác Lương Hòa, các đơn vị sẽ thực hiện giám sát nước thải trước và sau xử lý với tần suất 4 lần/năm.

Tại khu vực bãi chôn lấp chất thải rắn Lương Hòa, TP yêu cầu thực hiện giám sát môi trường không khí xung quanh vị trí khu dân cư Lương Hòa, chất lượng nước dưới đất vị trí bên trong và bên ngoài bãi chôn lấp với tần suất 2 lần/năm.

Riêng bãi rác Rù Rì (cũ) tuy đã đóng cửa, nhưng vẫn sẽ thực hiện giám sát chất lượng nước thải tại khu vực đoạn mương tiếp nhận dưới chân bãi rác; giám sát chất lượng không khí, chất lượng nước dưới đất tại vị trí lỗ khoan khu vực nhà hỏa táng phía bắc TP. Nha Trang, tần suất 2 lần/năm.

Trước đó, vào ngày 06/10/2022, UBND TP cũng đã ban hành Kế hoạch số 7274/KH-UBND về việc tăng cường công tác quản lý, bảo vệ môi trường (BVMT) trên địa bàn TP. Nha Trang trong giai đoạn 2022-2025 với 3 mục tiêu chính:

Thứ nhất là phát triển kinh tế - xã hội gắn liền với bảo vệ môi trường theo hướng phát triển bền vững. Sử dụng hiệu quả, bảo vệ và phát triển bền vững tài nguyên, chủ động phòng chống thiên tai, biến đổi khí hậu.

Thứ hai là chủ động phòng ngừa và kiểm soát hạn chế các nguồn gây ô nhiễm, giải quyết các vấn đề môi trường tại khu vực đô thị, khu dân cư nông thôn.

Thứ ba, nâng cao vai trò của các tổ chức chính trị xã hội trong hoạt động bảo vệ môi trường. Tiếp tục tuyên truyền nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường trong cộng đồng dân cư, góp phần thay đổi hành vi, thói quen sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần, túi ni-lông khó phân hủy; khuyến khích, hỗ trợ xây dựng các mô hình tự quản về bảo vệ môi trường; vận động, kêu gọi dân cư thực hiện tập kết rác thải sinh hoạt đúng nơi, đúng giờ quy định.

Nhằm hướng đến mục tiêu nâng cao công tác BVMT, UBND TP. Nha Trang đã yêu cầu các đơn vị liên quan thực hiện chương trình giám sát môi trường định kỳ năm 2023.

Tại nội dung của Kế hoạch có yêu cầu các phòng, ban và UBND các xã, phường; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP; các tổ chức hội, đoàn thể trên địa bàn TP lập kế hoạch thực hiện, lồng ghép các nội dung, nhiệm vụ được giao vào kế hoạch công tác chung của từng đơn vị, địa phương.

Trong đó, khu vực sẽ chú trọng thực hiện một số các hoạt động cụ thể như sau:

Tiên phong, gương mẫu thực hiện phân loại rác thải tại nguồn ngay tại công sở, bố trí thùng rác để phân loại rác thải tại các cơ quan, đơn vị; chất thải nhựa và các chất thải khác có thể tái chế không được để lẫn với chất thải hữu cơ; khuyến khích xây dựng và thực hiện các mô hình kiểu mẫu để làm cơ sở nhân rộng cho các cơ quan, đơn vị trong lĩnh vực và địa bàn quản lý;

Gương mẫu, tích cực và đi đầu trong việc giảm thiểu chất thải nhựa; không sử dụng băng rôn, khẩu hiệu, chai, cốc nhựa,... dùng một lần tại công sở và trong các hội nghị, hội thảo, cuộc họp và ngày lễ, ngày kỷ niệm và các sự kiện khác; ưu tiên lựa chọn các sản phẩm tái chế, thân thiện với môi trường;

Truyền thông nâng cao nhận thức cho công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan, đơn vị về phân loại, thu gom, giảm thiểu rác thải; nghiêm túc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường.

Để đạt được các mục tiêu và các yêu cầu nêu trên, Kế hoạch cũng đã đề ra 7 giải pháp và nhiệm vụ thực hiện, bao gồm: Nâng cao năng lực quản lý môi trường, trình độ của đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường các cấp; Nâng cao năng lực quan trắc môi trường; Chủ động phòng ngừa và kiểm soát hạn chế các nguồn gây ô nhiễm, giải quyết các vấn đề môi trường tại khu vực đô thị, khu dân cư nông thôn; Tăng cường quản lý chất thải rắn, nước thải sinh hoạt; Bảo vệ môi trường trong hoạt động khai thác tài nguyên, khoáng sản; Bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, kiểm soát các loài ngoại lai xâm hại và sinh vật biến đổi gen; Tăng cường năng lực ứng phó, xử lý sự cố môi trường và thực hiện truyền thông, tuyên truyền về bảo vệ môi trường.