Đinh Hà ·
2 năm trước
 3225

Tình trạng ấm lên toàn cầu ngày càng trầm trọng là ‘mã đỏ đối với nhân loại’

Trái Đất đang trở nên nóng tới mức nhiệt độ trung bình trong khoảng một thập kỉ có thể sẽ vượt qua mức độ mà các nhà lãnh đạo thế giới đã tìm cách ngăn chặn. Theo Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres, báo cáo được coi là “mã đỏ đối với nhân loại”.

Theo báo cáo của Ủy ban Liên Chính phủ về Biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc (IPCC), biến đổi khí hậu rõ ràng là do con người gây ra và là “một sự thật đã được chứng minh”, đồng thời đưa ra những dự báo chính xác hơn và cụ thể hơn cho thế kỉ 21 so với lần dự báo trước được công bố trong năm 2013.

“Không có nơi nào để chạy trốn, không có nơi nào để ẩn náu. Mọi việc sẽ trở nên tồi tệ hơn”, Linda Mearns, một nhà khoa học về khí hậu của Trung tâm Nghiên cứu Khí quyển Quốc gia Hoa Kỳ cho biết.

Mỗi kịch bản trong số 5 kịch bản cho tương lai, dựa trên lượng khí thải carbon được cắt giảm, đều vượt qua hai ngưỡng nghiêm ngặt hơn được đặt ra trong thỏa thuận khí hậu Paris năm 2015. Các nhà lãnh đạo thế giới sau đó đã thỏa thuận cố gắng hạn chế sự nóng lên ở mức 1,5 độ C (2,7 độ F) trên mức vào cuối thế kỉ 19 vì các vấn đề gia tăng nhanh chóng sau đó. Thế giới đã ấm lên gần 1,1 độ C (2 độ F) kể từ đó.

cháy rừng

Khói lan rộng trên núi Parnitha trong trận cháy rừng ở làng Ippokratios Politia, Hy Lạp. (Ảnh: AP/Lefteris Pitarakis).

Theo mỗi kịch bản, thế giới sẽ vượt qua mốc nóng lên 1,5 độ C vào những năm 2030, sớm hơn so với một số dự đoán trước đây. Dữ liệu cho thấy sự ấm lên đã tăng lên trong những năm gần đây.

“Báo cáo của chúng tôi cho thấy rằng, chúng ta cần chuẩn bị cho việc đi vào mức độ ấm lên đó trong những thập kỉ tới. Nhưng chúng ta có thể tránh được mức độ ấm lên thêm nữa bằng cách tác động vào phát thải khí nhà kính”, đồng chủ tịch báo cáo Valerie Masson - Delmotte, nhà khoa học khí hậu tại Phòng thí nghiệm Khoa học Khí hậu và Môi trường của Pháp tại Đại học Paris - Saclay nhận định.

Trong 3 kịch bản, thế giới cũng có thể sẽ vượt quá 2 độ C (3,6 độ F) so với thời kỳ tiền công nghiệp - mục tiêu ít nghiêm ngặt hơn của Paris - với các đợt nắng nóng, hạn hán và lũ lụt gây ra nặng nề hơn, trừ khi có các đợt cắt giảm khí thải sâu, báo cáo cho biết.

Trong 3 tháng nữa, hội nghị về khí hậu COP26 của LHQ diễn ra tại Glasgow (Scotland) sẽ cố gắng vận động các quốc gia có những hành động mạnh mẽ hơn trong việc ngăn chặn biến đổi khí hậu.

Báo cáo dài của 234 nhà khoa học cũng chỉ ra rằng, hiện tượng ấm lên toàn cầu đang đẩy mực nước biển dâng cao và làm trầm trọng thêm các hiện tượng cực đoan như sóng nhiệt, hạn hán, lũ lụt và bão. Lốc xoáy nhiệt đới ngày càng mạnh hơn và ẩm ướt hơn, trong khi băng ở biển Bắc Cực đang giảm dần vào mùa hè và băng vĩnh cửu đang tan nhanh. Tất cả những xu hướng này sẽ trở nên tồi tệ hơn.

Theo đó, các đợt nắng nóng cực đoan trước đây chỉ xảy ra 50 năm một lần, thì giờ đây sẽ xuất hiện 10 năm một lần, và nếu thế giới ấm lên thêm 1 độ C (1,8 độ F), nó sẽ xảy ra 2 lần sau mỗi 7 năm.

Khi hành tinh ấm lên, nhiều khu vực sẽ bị ảnh hưởng không chỉ do thời tiết khắc nghiệt mà còn bởi nhiều thảm họa khí hậu  xảy ra cùng một lúc. Điều này tương tự như các hiện tượng thời tiết cực đoan đang xảy ra ở miền Tây Hoa Kỳ, nơi có các đợt nắng nóng, hạn hán và cháy rừng làm tăng thêm thiệt hại. Đồng thời, nắng nóng gay gắt cũng đang gây ra những đám cháy lớn ở Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ.

lũ lụt

Nhiều ngôi nhà bị phá hủy ở Schuld, Đức do mưa lớn. (Ảnh: AP/Michael Probst).

Báo cáo cũng cho biết, một số tác hại do biến đổi khí hậu gây ra, như các tảng băng giảm dần, mực nước biển dâng cao và các thay đổi trong đại dương khi chúng mất oxy và trở nên có tính axit hơn là “không thể đảo ngược trong nhiều thế kỉ đến thiên niên kỉ”.

Đồng tác giả báo cáo Bob Kopp của Đại học Rutgers cho biết, thế giới đang bị "chìm" trong mực nước biển dâng cao từ 15 đến 30 cm vào giữa thế kỉ này.

Gần như tất cả hiện tượng nóng lên từng xảy ra trên Trái Đất, mà nguyên nhân đều có thể do phát thải các khí giữ nhiệt như carbon dioxide và methane. Báo cáo đã mô tả 5 kịch bản tương lai khác nhau dựa trên mức độ thế giới giảm lượng khí thải carbon. Đó là: Một tương lai với sự cắt giảm ô nhiễm cực kỳ lớn và nhanh chóng; Khác với việc cắt giảm ô nhiễm mạnh mẽ nhưng không hoàn toàn lớn; Một kịch bản cắt giảm khí thải vừa phải; Kịch bản thứ 4 trong đó các kế hoạch hiện tại để giảm thiểu ô nhiễm tiếp tục; Kịch bản thứ 5 có thể xảy ra liên quan đến sự gia tăng ô nhiễm carbon liên tục.

Mặc dù cho rằng báo cáo là “một mã đỏ đối với nhân loại”, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres vẫn mong muốn các nhà lãnh đạo thế giới có thể bằng cách nào đó ngăn chặn tình trạng ấm lên 1,5 độ, điều mà ông nói là “rất nguy hiểm”.

Báo cáo cũng cho biết các thảm họa cực kỳ thảm khốc (thường được gọi là "điểm tới hạn"), bao gồm các tảng băng sụp đổ và dòng hải lưu đột ngột giảm tốc có "khả năng xảy ra thấp" nhưng không thể loại trừ. Việc các dòng chảy Đại Tây Dương bị ngưng lại sẽ gây ra sự thay đổi thời tiết lớn, là điều khó có thể xảy ra trong thế kỉ này.

Trong một động thái mới, các nhà khoa học nhấn mạnh việc cắt giảm mức khí metan trong không khí (là một loại khí mạnh nhưng tồn tại trong thời gian ngắn đã tăng lên mức kỷ lục) sẽ góp phần hạn chế sự nóng lên trong thời gian ngắn.

Hơn 100 quốc gia đã cam kết không chính thức để đạt được mức phát thải carbon dioxide do con người gây ra ở mức “bằng 0” vào khoảng giữa thế kỉ này. Đây sẽ là một phần quan trọng trong các cuộc đàm phán ở Scotland. Báo cáo cho biết, những cam kết đó là rất cần thiết trong thời điểm hiện tại.

Nguồn