Thanh Tâm ·
1 năm trước
 6645

Triển khai kế hoạch hành động giảm phát thải khí mê – tan đến năm 2023

Việc giảm phát thải khí mê - tan được cho là một trong những phương án ít tốn kém nhất để hạn chế tình trạng ấm lên toàn cầu trong ngắn hạn và cải thiện nhanh chất lượng không khí.

Theo đó, bộ TN&MT đã ban hành Kế hoạch thực hiện Kế hoạch hành động giảm phát thải khí mê-tan đến năm 2030, với 6 nhiệm vụ trọng tâm.

Đó là: Xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách; Thực hiện các biện pháp giảm phát thải khí mê-tan trong quản lý chất thải rắn và xử lý nước thải; Nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao năng lực, nhận thức; Tăng cường hợp tác song phương, đa phương và huy động nguồn lực; Giám sát, đánh giá.

Thực hiện giảm phát thải khí mê tan trong quản lý chất thải rắn và xử lý nước thải

Trong Kế hoạch hành động giảm phát thải khí mê-tan đến năm 2030, Thủ tướng giao chủ trì xây dựng và thực hiện Kế hoạch giảm phát thải khí mê-tan đến năm 2030 trong quản lý chất thải rắn và xử lý nước thải. Chính bởi thế, Bộ TN&MT xác định nhiều nhiệm vụ để triển khai nội dung này.

Các nhiệm vụ tập trung vào giảm phát thải khí mê-tan trong quản lý chất thải rắn và xử lý nước thải

Về chính sách, từ nay đến năm 2030, Bộ TN&MT chủ trì xây dựng và thực hiện Kế hoạch chi tiết giảm phát thải khí mê-tan trong quản lý chất thải rắn và xử lý nước thải.

Bộ đề ra hàng loạt các biện pháp giảm phát thải khí mê-tan trong quản lý chất thải rắn và xử lý nước thải. Đó là: Điều tra, đánh giá hiện trạng phát sinh chất thải rắn, các mô hình thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn đang triển khai tại các địa phương; Xây dựng, hoàn thiện và tối ưu hóa hệ thống quản lý chất thải rắn; cải tiến việc thu gom, vận chuyển, phân loại, tái sử dụng, tái chế, xử lý và chôn lấp chất thải rắn; Hướng dẫn xây dựng, nâng cấp cơ sở hạ tầng, đầu tư trang thiết bị đáp ứng yêu cầu phân loại, thu gom, lưu giữ, tái sử dụng, tái chế, vận chuyển, xử lý chất thải rắn theo quy định, phù hợp với đặc điểm các khu dân cư tập trung, đô thị, nông thôn; Hướng dẫn và tổ chức thực hiện lựa chọn, áp dụng rộng rãi công nghệ xử lý chất thải rắn và nước thải tiên tiến, hiện đại.

Bên cạnh đó, Bộ TN&MT thực hiện kiểm tra và đánh giá hiệu quả việc hạn chế phát sinh chất thải ra môi trường nhằm giảm phát thải khí mê-tan thông qua thực hiện phát triển năng lượng sinh khối, năng lượng từ đốt chất thải, sản xuất phân bón hữu cơ, tiêu thụ các sản phẩm tái chế, tái sử dụng; đồng thời hướng dẫn xây dựng, thử nghiệm và nhân rộng các mô hình mới giảm phát thải khí mê-tan phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế-xã hội và năng lực quản lý chất thải của địa phương.

Để thúc đẩy nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, Bộ TN&MT sẽ triển khai các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và công nghệ, ứng dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ cao trong quản lý chất thải rắn và xử lý nước thải nhằm giảm phát sinh khí mê-tan; Tổ chức nghiên cứu khoa học, ứng dụng và chuyển giao công nghệ phục vụ kiểm kê, giám sát, đánh giá dự báo phát thải; thu hồi, sử dụng hiệu quả khí mêtan trong quản lý chất thải rắn và xử lý nước thải.

Hàng loạt các vấn đề cần nghiên cứu được Bộ TN&MT đặt ra như xây dựng hướng dẫn áp dụng phương pháp kiểm kê khí mêtan trong lĩnh vực quản lý chất thải ở bậc cao nhất phù hợp điều kiện Việt Nam; xây dựng, cập nhật và áp dụng các hệ số phát thải khí mê-tan đặc trưng quốc gia từ bãi chôn lấp chất thải rắn, xử lý và xả thải nước thải.

Bộ TN&MT cho rằng, cần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cộng đồng về phòng ngừa giảm thiểu phát sinh, phân loại chất thải rắn tại nguồn, tái sử dụng, tái chế, xử lý chất thải rắn, hình thành lối sống thân thiện với môi trường; hướng dẫn người dân phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, tái sử dụng, tái chế chất thải.

Đặc biệt trong bối cảnh đẩy mạnh chuyển đổi số, Bộ TN&MT chủ trương tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong giám sát, quản lý hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn; xây dựng cập nhật và tích hợp cơ sở dữ liệu về quản lý chất thải rắn vào hệ thống cơ sở dữ liệu môi trường quốc gia.

Bộ cũng sẽ thực hiện đánh giá mức phát thải khí mê-tan hằng năm trong quản lý chất thải rắn và xử lý nước thải; tổng hợp, đánh giá kết quả giảm phát thải khí mê-tan trên phạm vi toàn quốc.

Lồng ghép nội dung giảm phát thải khí mê tan

Để tăng hiệu quả thực hiện giảm phát thải khí mê tan, Bộ TN&MT sẽ xây dựng cơ chế, chính sách nhằm lồng ghép nội dung giảm phát thải khí mê-tan vào chiến lược, quy hoạch, kế hoạch liên quan đến ứng phó với biến đổi khí hậu.

Vào năm 2030, nỗ lực giảm ít nhất 30% tổng lượng phát thải khí metan so với mức năm 2020.

Các nội dung kỹ thuật để phục vụ việc giảm phát thải khí mê tan cũng được Bộ TN&MT tính đến để triển khai. Đó là: Xây dựng và thực hiện quy định về kiểm kê khí mê-tan bậc cao nhất theo hướng dẫn của Ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu đối với các nguồn phát thải khí mê-tan chính.; Xây dựng các tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, hướng dẫn kỹ thuật về phòng ngừa, giảm thiểu phát sinh, phân loại chất thải rắn tại nguồn, tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải; giảm phát thải khí mê-tan trong quản lý chất thải rắn và xử lý nước thải; Xây dựng quy định pháp luật, cơ chế, chính sách quản lý tín chỉ các-bon; hoạt động trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ các-bon thu được từ giảm phát thải khí mê-tan.

Bộ TN&MT sẽ phổ biến, giới thiệu, hướng dẫn chuyển giao công nghệ tiên tiến, công nghệ cao từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sang doanh nghiệp trong nước, thúc đẩy đổi mới sáng tạo của tổ chức, cá nhân trong việc giảm phát thải khí mê-tan; nghiên cứu việc ứng dụng và triển khai chuyển đổi số trong theo dõi và giám sát phát thải, thu hồi, sử dụng khí mê-tan.

Để phục vụ việc giám sát, đánh giá quá trình giảm phát thải khí mê tan, Bộ TN&MT cho biết, từ nay đến 2023, Bộ sẽ hoàn thiện và thực hiện các quy định về đo đạc, báo cáo, thẩm định; thanh tra, kiểm tra việc thực hiện giảm phát thải khí mê-tan, đảm bảo tính minh bạch về kết quả thực hiện Kế hoạch, phù hợp với điều kiện của Việt Nam và Cam kết giảm phát thải khí mê-tan toàn cầu.

Bộ còn xây dựng và triển khai kế hoạch kiểm tra, giám sát và đánh giá việc thực hiện quy định pháp luật về giảm phát thải khí nhà kính, bao gồm khí mê-tan; đồng thời huy động sự tham gia của cộng đồng trong giám sát phát thải và thực hiện giảm phát thải khí mê-tan.

Cũng theo Kế hoạch hành động giảm phát thải khí mê-tan đến năm 2030 của Chính Phủ ban hành, thực hiện nỗ lực quốc gia nhằm giảm ít nhất 30% tổng lượng phát thải khí mê-tan vào năm 2030 so với mức năm 2020 trong các hoạt động trồng trọt, chăn nuôi, quản lý chất thải rắn, xử lý nước thải, khai thác dầu khí, khai thác than và tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch.

Mục tiêu cụ thể đến năm 2025, bảo đảm tổng lượng phát thải khí mê-tan không vượt quá 96,4 triệu tấn CO2 tương đương (CO2tđ), giảm 13,34% so với mức phát thải năm 2020. Trong đó, phát thải khí mê-tan trong trồng trọt không vượt quá 42,2 triệu tấn CO2tđ, chăn nuôi không vượt quá 16,8 triệu tấn CO2tđ, quản lý chất thải rắn và xử lý nước thải không vượt quá 21,9 triệu tấn CO2tđ, khai thác dầu khí không vượt quá 10,6 triệu tấn CO2tđ, khai thác than không vượt quá 3,5 triệu tấn CO2tđ, tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch không vượt quá 1,3 triệu tấn CO2tđ.