Các dấu hiệu ung thư máu thường gặp là gì vậy?

Ung thư máu là một căn bệnh ung thư ác tính với tỷ lệ tử vong rất cao. Bởi căn bệnh này thường tiến triển âm thầm, chỉ bộc phát nặng khi bước vào giai đoạn cuối nên rất khó điều trị. Vì vậy, các bạn cần theo dõi kỹ dấu hiệu ung thư máu dưới đây để biết và đi khám sớm cũng như có giải pháp điều trị kịp thời.

Có 3 dạng ung thư máu với các dấu hiệu khác nhau Bệnh ung thư máu là gì vậy? Theo Hiệp hội Huyết học Hoa Kỳ: Ung thư máu là bệnh xảy ra khi các tế bào tủy xương tạo ra quá nhiều các tế bào bạch cầu bất thường, khiến máu không thể thực hiện các chức năng thường ngày của nó. Một số nguyên nhân gây ung thư máu:

  • Thường xuyên tiếp xúc với phóng xạ hoặc là bệnh nhân đang xạ trị.
  • Tiếp xúc với nhiều hóa chất như benzene, formaldehyde.
  • Do gen di truyền.
  • Có 3 dạng ung thư máu thường gặp:

  • Bệnh bạch cầu (Leukemia).
  • Ung thư hạch (Lymphoma).
  • Đa u tủy xương.
  • Trong đó, bệnh bạch cầu và ung thư hạch là phổ biến hơn cả. Bệnh này chiếm 75% tổng số bệnh nhân mắc ung thư máu. Triệu chứng và dấu hiệu ung thư máu sẽ phụ thuộc vào dạng ung thư máu bệnh nhân mắc. Dấu hiệu ung thư máu theo từng loạiDấu hiệu ung thư máu: Bệnh bạch cầu Bệnh này đặc trưng bởi sự tăng sinh tế bào blast – tế bào non của hồng cầu, bạch cầu, tiểu cầu tại tủy xương. Sự tăng sinh bất thường này sẽ dẫn đến 2 hậu quả:

  • Ngăn chặn việc sản sinh các tế bào máu bình thường gây thiếu máu, nhiễm trùng hay chảy máu.
  • Các tế bào ác tính phát triển mạnh, làm tăng thể tích các cơ quan như gan, lách, hạch to, phì đại lợi, đau xương.
  • Theo Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị một số bệnh ung bướu (Bộ Y tế), một số dấu hiệu ung thư máu loại này là:

  • Hội chứng thiếu máu: Hiện tượng này xảy ra rất nhanh và nặng dần. Bệnh nhân có các biểu hiện da xanh, mệt mỏi, hoa mắt chóng mặt, nhịp tim nhanh.
  • Hội chứng xuất huyết: Bệnh nhân thường bị xuất huyết tự nhiên ở da, niêm mạc và các tạng với các biểu hiện:
  • Xuất hiện các chấm, nốt, mảng xuất huyết dưới da.
  • Chảy máu mũi.
  • Chảy máu chân răng.
  • Xuất huyết đường tiêu hóa, tiết niệu, sinh dục.
  • Xuất huyết não và màng não.
  • Hội chứng nhiễm trùng: Sốt, viêm loét miệng họng, viêm phổi, nhiễm trùng da.
  • Hội chứng thâm nhiễm: Bệnh nhân bị gan to, lách to, hạch to, viêm lợi phì đại, thâm nhiễm da, xương và thần kinh trung ương,…
  • Các biểu hiện toàn thân: Mệt mỏi, gầy sút cân, chán ăn, thể trạng suy sụp nhanh.
  • Dấu hiệu ung thư máu: Ung thư hạch Ung thư hạch là bệnh xảy ra khi các tế bào bạch cầu lympho tăng sinh mất kiểm soát.Có 2 loại ung thư hạch chính: U lympho Hodgkin và U lympho không Hodgkin.Dấu hiệu U lympho không Hodgkin: Bệnh gặp ở mọi lứa tuổi, phổ biến từ 45 – 55 tuổi. Bệnh hiếm gặp ở trẻ em, nam có tỷ lệ mắc bệnh nhiều hơn nữ Các biểu hiện của bệnh:

  • Hạch to: Đây là triệu chứng điển hình, gặp ở 60 – 100% trường hợp U lympho không Hodgkin. Triệu chứng này thường xuất hiện ở các vị trí cổ, thượng đòn, nách, bẹn, ổ bụng, trung thất. Bệnh nhân không có biểu hiện đau, viêm tại hạch.
  • U ngoài hạch: Triệu chứng này có thể xuất hiện ở bất kỳ cơ quan nào như:
  • Vùng tai – mũi – họng: Gây ngạt mũi, amidan sưng to, u ở thành họng….
  • Da: Ban sẩn, u ngoài da.
  • Mắt: Lồi mắt, giảm thị lực.
  • Đường tiêu hóa: Gây đau bụng, tiêu chảy hoặc táo bón,..
  • Thần kinh trung ương: Đau đầu, buồn nôn, liệt vận động,..
  • Biểu hiện toàn thân: Sốt không rõ nguyên nhân, ra mồ hôi đêm, giảm cân trên 10% trọng lượng cơ thể. Bệnh nhân có những triệu chứng này thì xếp vào nhóm tiên lượng xấu.
  • Khi bệnh tiến triển hơn, bệnh nhân có thể xuất hiện một số vấn đề sau: Hội chứng trung thất, liệt vận động, liệt do chèn ép tủy sống,…
  • Hạch to là một triệu chứng điển hình của U lympho Dấu hiệu U lympho Hodgkin: Bệnh thường gặp ở người trẻ (khoảng 20 tuổi) và người già (65 tuổi). Bệnh nhân mắc ung thư hạch dạng này có các biểu hiện lâm sàng không đặc hiệu như:

  • Hạch to: Triệu chứng này gặp ở 70% bệnh nhân. Hạch thường mềm, di động và trở nên cứng, khó di động khi bị xơ hóa. Biểu hiện này thường gặp ở vùng đầu cổ, trung thất, nách, bẹn, hạch sau phúc mạc, dưới cơ hoành…
  • Biểu hiện toàn thân: Sốt trên 38oC không rõ nguyên nhân, giảm trên 10% trọng lượng cơ thể trong 6 tháng, ra mồ hôi đêm.
  • Bệnh lan tràn theo đường bạch huyết, đặc biệt là ống ngực.
  • Dấu hiệu ung thư máu: Đa u tủy xương Đây là bệnh lý tăng sinh ác tính các tế bào dòng plasmo (tương bào) trong tủy xương. Các đặc trưng của bệnh lý này là: hủy xương, tăng sinh ác tính dòng plasmo trong tủy xương, xuất hiện các protein đơn dòng trong huyết thanh và nước tiểu. Các biểu hiện lâm sàng của bệnh:

  • Các triệu chứng toàn thân: Mệt mỏi, suy sụp, giảm cân, gầy sút cân, sốt kéo dài.
  • Đau xương: Bệnh nhân bị đau xương tự nhiên (không phải do va đập) và cơn đau tăng dần. Cơn đau ít đáp ứng với thuốc giảm đau thông thường. Bệnh nhân thường bị đau ở xương sườn, xương chậu, cột sống và có nguy cơ bị gãy xương tự nhiên.
  • Thiếu máu: Bệnh nhân bị thiếu máu mức độ nhẹ và vừa với biểu hiện da xanh, niêm mạc nhợt, mệt mỏi.
  • Nhiễm trùng: Biểu hiện như sốt, môi khô, lưỡi bẩn.
  • Tăng calci máu: Khát, đái nhiều, nôn, táo bón, rối loạn tâm thần.
  • Xuất huyết dưới da do giảm tiểu cầu.
  • Suy thận: Bệnh nhân có biểu hiện phù, đái ít,…
  • Một số ít bệnh nhân bị gan lách to.
  • Xuất huyết dưới da là một dấu hiệu của ung thư máu. Cơ hội điều trị ung thư máu Ung thư máu sống được bao lâu? Ung thư máu chữa được không? – Đây là những câu hỏi được nhiều người đặt ra. Để trả lời được những câu hỏi này, bác sĩ sẽ dựa vào các yếu tố khác nhau như: Dạng ung thư máu bệnh nhân mắc phải, độ tuổi của bệnh nhân, tiến triển bệnh, tình trạng sức khỏe,… Với những bệnh nhân là trẻ nhỏ từ 3 – 4 tuổi, được phát hiện ở giai đoạn sớm, sức khỏe tốt thì có thể điều trị khỏi bệnh. Nguyên nhân do cơ thể trẻ nhỏ còn phát triển và dễ hồi phục hơn người trưởng thành. Với những bệnh nhân mắc các dạng bệnh ung thư máu mà chưa có phương pháp điều trị, phát hiện ở giai đoạn muộn,… thì mục đích điều trị là hỗ trợ kéo dài thời gian sống cho bệnh nhân. Một điều rất quan trọng là bệnh nhân ung thư máu cần phải giữ được tinh thần vui vẻ, lạc quan. Ngoài ra bệnh nhân ung thư có hệ miễn dịch rất yếu nên phải giữ được chế độ sinh hoạt điều độ, lành mạnh. Cách phòng ngừa ung thư máu Một số cách giúp bạn phòng ngừa ung thư máu:

  • Tránh xa các loại bức xạ, hóa chất.
  • Không ăn các loại thực phẩm siêu chế biến, thực phẩm không rõ nguồn gốc.
  • Xây dựng lối sống lành mạnh, thường xuyên tập luyện thể dục thể thao.
  • Chế độ ăn cân bằng, đủ chất.
  • Hạn chế căng thẳng, stress, giữ tinh thần vui vẻ, lạc quan.
  • Mong rằng qua bài viết này, bạn đã biết các dấu hiệu bệnh ung thư. Nếu bản thân và gia đình có những dấu hiệu này, bạn nên đến các trung tâm y tế uy tín để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Cảm ơn các bạn đã theo dõi bài viết!