Số hoá – Thiết bị kích giun đất bán tràn lan trên mạng

Thời gian qua, nạn kích giun đất để sấy khô và bán cho thương lái đang rộ lên. Việc bắt giun đất trở nên dễ dàng khi có thể mua loại thiết bị trên mạng, với giá chỉ từ 500.000 đồng.

Tìm kiếm với từ khóa “máy kích giun đất” trên Google, gần một triệu kết quả được trả về. Trong khi đó, trên các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới như Shopee, Lazada, loại thiết bị này được rao bán với các mức giá khác nhau, từ loại đơn giản, rẻ tiền cho đến hiện đại, công suất cao, xung điện phủ diện tích lớn. Một số thậm chí còn có màn hình hiển thị thông số và điều khiển từ xa.

Trên Facebook, các hội nhóm liên quan cũng nở rộ với số thành viên từ vài nghìn đến vài chục nghìn. Hầu hết chủ đề thảo luận là về mua bán thiết bị, kinh nghiệm vận hành và sửa chữa khi gặp vấn đề. Ngoài ra, một số chia sẻ việc tự mua linh kiện về lắp ráp thành sản phẩm để giảm chi phí.

Theo giới thiệu của một người chuyên bán thiết bị kích điện, trong đó có máy kích giun đất trên mạng xã hội, sản phẩm lắp sẵn có giá từ 500.000 đồng đến 3 triệu đồng, tùy chất lượng linh kiện, công suất và diện tích đánh bắt. Người này tiết lộ vài tháng gần đây luôn bán được 5-10 bộ kích giun đất mỗi ngày, cao điểm có ngày hơn 20 bộ, chủ yếu qua việc đăng bán online trên các hội nhóm Facebook.

Các mẫu máy kích thường có cấu tạo gồm một bộ tăng áp dòng điện, hai cực bằng cọc kim loại có phần tay cầm bọc nhựa để cách điện, bình ắc-quy hoặc pin. Người sử dụng sẽ cắm hai đầu kim loại xuống đất với phạm vi khoảng một mét vuông ở những nơi đất tơi xốp hoặc có dấu hiệu của phân giun đất. Khi bật công tắc, giun trong phạm vi này sẽ trồi lên. Tùy công suất, diện tích kích giun và số điện cực cắm xuống đất cũng nhiều hơn.

Nguyên Phong, kỹ sư điện tại Huế, cho biết máy kích giun có cơ chế hoạt động tương tự máy kích cá nhưng thời gian hoạt động liên tục hơn, cường độ dòng điện phóng ra đều và thấp hơn. Chẳng hạn, bên trong một mẫu máy giá 950.000 đồng sẽ có hệ thống gồm các “sò” công suất để khuếch đại năng lượng, biến áp và tụ phóng dùng để nâng dòng điện từ 12 V lên hàng nghìn vôn, rơ-le tự ngắt khi quá nguồn cùng một số linh kiện khác.

“Khi hoạt động, máy phát ra tiếng kêu nhỏ và liên tục thay vì thời gian ngắn như máy kích cá. Trong khi đó, phần điện cực phát ra xung điện đủ lớn để giun đất thấy khó chịu và trồi lên. Giun đất xuất hiện nhiều ở hai đầu điện cực, sau đó lan rộng”, anh Phong giải thích và cho biết các thiết bị loại này hầu hết có xuất xứ Trung Quốc.

Trước đó, ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Trồng trọt – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết đã có công văn gửi một số địa phương yêu cầu rà soát, báo cáo tình trạng kích giun đất. Giun có vai trò quan trọng với hệ sinh thái đất, giúp đất tơi xốp, thoát nước và giữ ẩm. Phân giun là nguồn dinh dưỡng tốt cho cây.

Dùng thiết bị kích giun được xem là hành vi hủy hoại đất, nhưng chưa có chế tài xử phạt. Nghị định 91 năm 2019 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai đã xác định các hành vi hủy hoại đất, nhưng kích giun bằng điện chưa được quy định rõ. Việc mua bán thiết bị kích điện với giun đất cũng chưa có điều luật xử phạt cụ thể. Điều 28 Nghị định 42 năm 2019 mới quy định về mức phạt đối với hành vi tàng trữ, vận chuyển, mua bán công cụ kích điện để khai thác thủy sản.

Tuy nhiên, theo giáo sư Đỗ Kim Chung, giảng viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam, hành vi kích giun đất phải xem như một loại tội phạm. Khi truyền dòng điện xuống lòng đất sẽ khiến không chỉ giun mà nhiều vi sinh vật chết, làm ảnh hưởng tới môi trường đất. Đồng quan điểm, tiến sĩ Lương Hữu Thành, Viện Môi trường Nông nghiệp, nói trong hệ sinh thái nông nghiệp, giun đất được coi như chỉ thị đánh giá độ phì nhiêu của đất. “Việc sử dụng kích điện để tận diệt như hiện nay sẽ như con dao chặt đứt chu trình cải tạo đất trong tự nhiên, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sinh thái cũng như chất lượng đất sản xuất nông nghiệp”, tiến sĩ Thành nói.

Bảo Lâm