Lâm Anh ·
1 năm trước
 4546

Mô hình du lịch trải nghiệm nông trại khiến dân thành thị thích thú

Không chỉ có homestay, farmstay xuất hiện như một làn gió mới hấp dẫn "chiếm sóng" các loại hình du lịch nghỉ dưỡng trước đây.

1. Farmstay là gì?

Cụm từ “farmstay” là sự kết hợp giữa “farm” (nông trại) và “homestay” (khu lưu trú ở địa phương). Hiểu một cách đơn giản, đây là mô hình dùng đất trang trại để phát triển thành khu du lịch nghỉ dưỡng và đối tượng chính là các gia đình muốn nghỉ ngơi lâu dài hoặc khách du lịch quốc tế có nhu cầu tìm hiểu về văn hóa, truyền thống tại một địa phương.

Được biết, mô hình này xuất hiện đầu tiên tại Italia vào năm 1980. Sau đó nhanh chóng lan rộng và phát triển tại Bắc Mỹ, Australia và Châu Á. Tại Việt Nam mô hình này còn khá mới – chủ yếu tập trung vào các hoạt động giải trí và nghỉ dưỡng hơn là trải nghiệm sản xuất và sinh hoạt cùng người nông dân.

2. Đặc điểm của mô hình farmstay

Vị trí: Mô hình du lịch xanh " farmstay" thường xuất hiện ở vùng quê hoặc vùng đồi núi, nơi có diện tích đất rộng với không khí trong lành, thích hợp trồng trọt, chăn nuôi để khách du lịch có thể dễ dàng tiếp cận.

Farmstay mang một đặc điểm giống homestay, chủ trang trại thường là người dân ở địa phương và là người sắp xếp chỗ nghỉ chân cũng như hướng dẫn khách tham gia vào các hoạt động trong cuộc sống đời thường tại trang trại như: canh tác, nuôi trồng, chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng cây ăn quả hay hoa màu.

Những sản phẩm thu hoạch tại chỗ có thể sử dụng như nguyên vật liệu nấu ăn luôn. Chính vì vậy mô hình farmstay đang phát triển tại Việt Nam vì có nguồn tài nguyên phong phú rất thích hợp cho việc xây dựng hệ thống.

Trải nghiệm đa dạng:

Những trải nghiệm ở farmstay rất đa dạng: tham quan, nghỉ dưỡng, trồng cây, nuôi gia súc… Tuy nhiên theo nhiều hướng dẫn viên du lịch, một số trải nghiệm khá kén chọn người tham gia. Trong đó, trải nghiệm làm một nông dân “chính hiệu” là hình thức phổ biến nhất, loại trải nghiệm mà khách du lịch không thể nào tìm kiếm được khi nghỉ dưỡng khách sạn hay homestay.

3. Tiềm năng phát triển farmstay tại Việt Nam

Hiện nay, Việt Nam là nơi có rất nhiều người hướng tới cuộc sống xanh, đặc biệt là sau đại dịch covid-19. Có rất nhiều người muốn hòa mình với thiên nhiên, mong muốn trải nghiệm những nơi yên bình. Không những vậy, farmstay còn là nơi thích hợp để các phụ huynh giáo dục con trẻ, đưa trẻ em gần gũi với thiên nhiên, cây cỏ. Vì vậy, có rất nhiều gia đình luôn ưu tiên và lựa chọn farmstay là nơi để nghỉ dưỡng, giải trí.

Mô hình farmstay là loại hình được nhiều gia đình, các tổ chức giáo dục lựa chọn để trẻ con và cả người lớn có thể trải nghiệm cuộc sống trang trại vào những kỳ nghỉ. Trong số đó, có rất nhiều đối tượng khách hàng có khả năng chi trả cao, sẵn sàng lựa chọn hình thức nghỉ dưỡng, trải nghiệm cuộc sống bình dị, thôn quê sau thời gian làm việc mệt mỏi tại thành phố ồn ào. Những khách hàng có mong muốn trải nghiệm cuộc sống ở farmstay hiện nay khá lớn. 

Loại hình du lịch farmstay không chỉ thu hút khách du lịch mà còn góp phần phát triển kinh tế địa phương, hỗ trợ cộng đồng theo hướng phát triển bền vững theo tiêu chí Xanh & Sạch. Ngoài thu nhập từ việc cho thuê chỗ nghỉ, chủ nhà có thể có thêm nguồn thu từ việc bán nông sản cho khách tham quan dùng để nấu nướng hoặc mang đi.

Nếu so với homestay thì farmstay có thể giúp chủ nhà khai thác triệt để khả năng cung cấp dịch vụ từ hoạt động nông trại thường ngày. Bên cạnh đó, địa điểm của bạn có trải nghiệm mới lạ sẽ gián tiếp được khách hàng quảng bá rộng rãi đến bạn bè của họ.

4. Quảng bá hình ảnh du lịch xanh & sạch

Trước tình trạng ô nhiễm đáng báo động như hiện nay, đặc biệt là vấn đề không khí càng khiến người thành phố có xu hướng tìm đến những nơi trong lành, tránh xa khói bụi. Vì vậy, du lịch theo mô hình farmstay là một loại hình du lịch xanh đầy hấp dẫn hiện nay và có giá trị tiềm năng to lớn. Bên cạnh đó, khách quốc tế cũng là những người có nhu cầu muốn tìm hiểu văn hóa đặc sắc tại các vùng quê Việt Nam.

Những thông điệp về sức khỏe và môi trường mang tính lan tỏa cao, dễ thành trend trong cộng đồng người trẻ và truyền tải thông điệp ra cộng đồng thông qua nhiều kênh như website, các trang mạng xã hội như facebook, twitter, báo chí, hay thông qua việc truyền miệng từ chính du khách. Do đó, việc truyền tải được lối sống “xanh” như ở farmstay sẽ rất hấp dẫn đối với du khách.

Sở hữu không khí trong lành, không gian xanh mát giữa những dãy núi đá cách xa khói bụi và ồn ào của thành phố, mô hình farmstay chính là sự kết hợp khéo léo giữa nghỉ dưỡng ở nông thôn cùng cơ sở vật chất hiện đại. Với xu hướng phát triển du lịch bền vững với tiêu chí Xanh - Sạch - Đẹp thì farmstay sẽ lên ngôi trong tương lai.

Farmstay - Du lịch xanh đang phát triển tại Việt Nam