Song Vũ ·
2 năm trước
 3630

"Biến đổi khí hậu" - Cuộc chiến về vấn đề sống còn với mọi quốc gia

Trong phát biểu tại buổi họp báo về biến đổi khí hậu (BĐKH) tại trụ sở Liên hợp quốc (LHQ) ở New York (Mỹ) vừa qua, Tổng thư ký LHQ António Guterres đã kêu gọi các quốc gia phát triển tăng cường nỗ lực để chống lại BĐKH.

Phát biểu tại buổi họp báo về vấn đề nóng lên toàn cầu tại trụ sở Liên hợp quốc ở New York (Mỹ) vừa qua, Tổng thư ký Guterres đã nhấn mạnh: “Sự hỗn loạn khí hậu đang phi mã nhưng hành động vì khí hậu đã bị đình trệ. Ông Guterres liệt kê một số thảm họa thiên tai gần đây như lũ lụt tại 1/3 lãnh thổ Pakistan, châu Âu trải qua một mùa hè nóng nhất trong vòng 500 năm, toàn bộ Cuba chìm trong bóng tối. Ông Guterres cũng đề cập đến cơn bão Ian ở Mỹ như một “lời nhắc nhở rõ ràng rằng không có quốc gia nào, không có nền kinh tế nào miễn nhiễm với cuộc khủng hoảng khí hậu”.

Ngoài ra ông cũng yêu cầu các nước phát triển phải chịu trách nhiệm của mình, đồng thời chỉ trích sự chậm trễ và thiếu sót trong cam kết của các nước công nghiệp phát triển cũng như những thành viên còn lại trong nhóm các nền kinh tế lớn (G20) với tốc độ ứng phó như hiện tại, thế giới không thể hạn chế được mức tăng nhiệt độ toàn cầu dưới 2 độ C, chưa nói đến mục tiêu 1,5 độ C đã đề ra. 

Tổng thư ký Liên hợp quốc António Guterres tại cuộc họp báo về biến đổi khí hậu. ( Ảnh: News.un.org )

Ông António Guterres cũng nhấn mạnh: “Đó là vấn đề sinh tử, vì an ninh của chúng ta hôm nay và vì sự sống còn của chúng ta ngày mai", đồng thời kêu gọi một "thỏa hiệp mang tính cách mạng, ở cấp độ lượng tử" giữa các nền kinh tế phát triển và mới nổi về vấn đề này. Ông António Guterres kêu gọi các chính phủ, các công ty và nhà đầu tư, cũng như các tổ chức cần tăng cường hành động cụ thể để đạt được mức độ thuần túy khí hậu và thực hiện hai ưu tiên khác. Đầu tiên đó là về những mất mát và thiệt hại mà “các quốc gia và con người ngày nay” phải gánh chịu.

Mệnh lệnh về đạo đức

Tổng thư ký Liên hợp quốc mô tả chủ đề này như một mệnh lệnh đạo đức mà Hội nghị COP27, sẽ diễn ra ở Sharm el-Sheikh, Ai Cập vào tháng 11 tới đây, không thể bỏ qua. Đây cũng được coi là một yếu tố kiểm tra độ tin cậy đối với cam kết của các nước phát triển và mới nổi nhằm giảm gánh nặng khí hậu đối với các quốc gia dễ bị tổn thương nhất.

Người đứng đầu Liên hợp quốc một lần nữa nhắc lại mong muốn rằng cuộc họp chuẩn bị cho Hội nghị COP27 này sẽ phải dẫn đến hành động tại COP27, chứ không phải là “một cuộc thảo luận mới đi vào ngõ cụt”.

Đồng thời, ông kêu gọi các nước phát triển thể hiện rõ ràng hơn trong việc thực hiện cam kết 100 tỷ USD mỗi năm để hỗ trợ hành động khí hậu ở các nước đang phát triển và tìm kiếm bằng chứng về cách họ sẽ tăng gấp đôi lên ít nhất 40 tỷ USD tài trợ cho thích ứng với khí hậu vào năm 2025, như đã thỏa thuận tại COP26 ở Glasgow.

Tăng cường các nguồn lực

Tổng thư ký Liên hợp quốc António Guterres khẳng định rằng: Một nửa nguồn tài chính khí hậu phải được dành để giúp các quốc gia thích ứng và xây dựng khả năng phục hồi, điều này đòi hỏi các ngân hàng phát triển đa phương, trong đó có Ngân hàng Thế giới, phải đẩy mạnh hành động.

Đánh giá Quỹ Khả năng phục hồi và bền vững thuộc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) là một khởi đầu tốt, ông Guterres khuyến khích các quốc gia thành viên, cổ đông chính của các ngân hàng đa phương này, trở thành động lực của sự thay đổi, bằng cách tăng cường nguồn lực từ các tổ chức tài chính quốc tế.

Đồng thời, các tổ chức tài chính này phải xem xét lại mô hình kinh doanh và cách tiếp cận của họ đối với khái niệm rủi ro. Ông nói: “Ngoài những sáng kiến không đáng kể của riêng họ, họ phải đẩy mạnh nỗ lực để tăng cường sự tham gia của tài chính tư nhân đi đầu trong lĩnh vực đầu tư và chấp nhận rủi ro”. “Trên tất cả các mặt trận khí hậu, giải pháp duy nhất là hành động quyết định và đoàn kết” – ông António Guterres kết luận, đồng thời kêu gọi các nhà lãnh đạo ở cấp cao nhất tham gia COP27 tại Sharm el-Sheikh cần “chứng tỏ rằng họ cũng đang tham gia vào cuộc chiến này”.

Những cảnh báo, những chương trình hành động đã được đưa ra trong cuộc chiến chống BĐKH, một vấn đề sống còn của toàn cầu. Trong bối cảnh không còn nhiều thời gian cho cuộc chiến cam go này, các quốc gia, nhất là các nước giàu, được khuyến khích đưa ra các cam kết tham vọng hơn. Tuy nhiên, để hiện thực hóa những tuyên bố đưa ra tại các hội nghị vẫn cần sự đoàn kết, quyết tâm và những hành động cụ thể của từng quốc gia trong nỗ lực chung chống biến đổi khí hậu của toàn thế giới.

Các tính toán cho thấy, tình trạng ấm lên toàn cầu đã làm trầm trọng thêm nguy cơ tuyệt chủng của các loài sinh vật, sự sụp đổ của hệ sinh thái, các bệnh do muỗi gây ra, nắng nóng gây chết người, tình trạng thiếu nước ngọt, giảm sản lượng mùa vụ…

Chỉ trong năm 2021, thế giới đã chứng kiến một loạt đợt lũ lụt, nắng nóng kéo dài và cháy rừng chưa từng có trước đây, xảy ra ở khắp bốn lục địa.

Đặc phái viên Mỹ về biến đổi khí hậu John Kerry nhận định: Thế giới chưa ở trong lộ trình tốt để có thể đạt mục tiêu toàn cầu nhằm tránh các tác động tiêu cực nhất của tình trạng biến đổi khí hậu, do vậy cần thiết phải tăng cường sử dụng các nguồn năng lượng thân thiện với môi trường thay thế cho nhiên liệu hóa thạch trong thập kỷ này.