TM ·
1 năm trước
 3498

"Gỡ" những khó khăn cố hữu trong giải ngân vốn đầu tư công

Xác định rõ việc giải ngân vốn đầu tư công chậm ngày nào sẽ mất cơ hội phục hồi ngày đó, Chính phủ đang đốc thúc các bộ, ngành địa phương quyết tâm cao nhất, phấn đấu giải ngân hết 100% kế hoạch vốn đầu tư công năm nay.

Tính đến hết tháng 3/2022, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công ước đạt gần 12% theo kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2021.

Cụ thể, báo cáo của Bộ Tài chính cho thấy, đến hết tháng 3 năm nay, mới có 4 bộ và 20 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 20%. Trong đó một số bộ, địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt cao như: Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tỉnh Thái Bình, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Xây dựng, tỉnh Lai Châu...

Trong khi đó, 46/51 bộ, cơ quan Trung ương và 29/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới mức bình quân của cả nước. Đặc biệt, 29 bộ, cơ quan trung ương còn chưa thực hiện kế hoạch giải ngân vốn.

Nhiều vướng mắc để giải ngân các nguồn vốn đã được giao

Khẳng định của Thủ tướng Chính phủ, giải ngân vốn đầu tư công sẽ là một trong những "mắt xích" quan trọng để phục hồi nền kinh tế, thực hiện thành công mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, thực tế còn quá nhiều vướng mắc để giải ngân các nguồn vốn đã được giao, đặc biệt những khó khăn cố hữu như giải phóng mặt bằng.

"Gỡ" những khó khăn cố hữu trong giải ngân vốn đầu tư công - Ảnh 1
Khối lượng thực hiện dự án cụm công trình kênh nối sông Đáy - Ninh Cơ đến nay mới chỉ đạt khoảng 36%. (Ảnh: VOV)

Kế hoạch tháng 6 năm nay, cụm công trình kênh nối Đáy - Ninh Cơ sẽ hoàn thành. Công trình sẽ cho tầu từ 2.000-3.000 tấn đi quả cửa Lạch Giang để đi sâu vào các tỉnh Ninh Bình, Vĩnh Phúc. Tuy nhiên, đến nay khối lượng thực hiện mới chỉ đạt khoảng 36%, nguyên nhân chính là do vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng.

"Hiện tại đang chậm khoảng 30% do vướng đường ống nước của công ty Mai Thanh", ông Nguyễn Văn Thưởng, Trưởng phòng Điều hành dự án 2, Ban Quản lý các dự án đường thủy (Bộ Giao thông Vận tải), cho biết.

Công trình có tổng mức đầu tư khoảng 100 triệu USD, trong đó 70% vốn của Ngân hàng Thế giới. Bộ Giao thông Vận tải, tỉnh Nam Định rốt ráo với hàng loạt cuộc làm việc với công ty Mai Thanh. Nhiều phương án khả thi đã được đưa ra, kể cả việc đấu nối tạm trong quá trình thi công nhưng vẫn không nhận được sự đồng thuận.

Bà Hà Lan Anh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định, cho hay: "Tiếp tục đối thoại, tuyên truyền, vận động doanh nghiệp, dự kiến cuối tháng 4 này chúng tôi sẽ cưỡng chế để đấu nối đường ống tạm”.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng chỉ rõ những tồn tại như: công tác giải phóng mặt bằng, đấu thầu, thay đổi chính sách và quy định, năng lực chủ đầu tư, nhà thầu… không phải mới, vẫn là những khó khăn cố hữu. Thêm vào đó, nhiều nơi sau khi được giao kế hoạch đầu năm, các cấp, các ngành mới bắt tay vào triển khai các hoạt động chuẩn bị đầu tư, xây dựng kế hoạch đấu thầu, kế hoạch thi công… nên mất nhiều thời gian để có khối lượng thanh toán.

Ông Triệu Thọ Hân, Phó Tổng Giám đốc Kho bạc Nhà nước Việt Nam, nhận định: "Việc thanh toán là công đoạn cuối cùng của hoạt động đầu tư, nên các công đoạn từ công tác chuẩn bị, triển khai dự án cần phải đẩy nhanh hơn nữa".

Ông Trần Đình Thiên, Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, nói: "Khó đâu thì biết rồi, giờ phải có cơ chế thưởng phạt rõ ràng, kể cả phía nhà nước, kể cả các nhà thầu".

Hết quý I, thời điểm khởi đầu cho nhiều dự án và chiếm 1/4 thời gian của cả năm, nhưng tiến độ giải ngân đầu công mới chỉ đạt 12% kế hoạch. Trong khi đó, giải ngân đầu tư công vẫn được xác định là trục quan trọng cho phục hồi và tăng trưởng kinh tế. Chính vì vậy, "chậm một ngày là mất cơ hội phục hồi ngày đó" và cản trở dòng vốn sẽ chảy nhanh, mạnh tới các công trình dự án trọng điểm, quan trọng để đóng góp kịp thời, hiệu quả vào chương trình phục hồi kinh tế - xã hội.

Theo Tổng cục Thống kê, quý I, giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam ước tính đạt 4,4 tỷ USD, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm trước. Đây cũng là kênh quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Do đó, các Bộ chức năng sẽ xem xét các trường hợp không có nhu cầu sử dụng, chưa phân bổ hết kế hoạch vốn năm 2022 để trình cắt giảm kế hoạch vốn, bổ sung cho đơn vị có nhu cầu và có khả năng giải ngân cao.

Giải pháp nào đưa lượng vốn đầu tư công vào nền kinh tế hiệu quả hơn?

Năm 2022 là năm có ý nghĩa quan trọng, tiếp tục tạo nền tảng để cả nước thực hiện các mục tiêu của kế hoạch 5 năm 2021-2025. Đồng thời, lượng vốn cần giải ngân trong năm 2022 là khá lớn, ngoài số vốn kế hoạch năm đã được Quốc hội quyết nghị còn một lượng vốn bổ sung từ nguồn vốn thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Để đưa toàn bộ lượng vốn đầu tư công năm 2022 vào nền kinh tế, Bộ KH&ĐT kiến nghị thực hiện một số giải pháp trong 3 quý còn lại của năm.

Với các bộ, địa phương giải ngân chậm cần kiểm điểm rút kinh nghiệm, làm rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan, trên cơ sở đó đề ra giải pháp phù hợp phân bổ và giải ngân trong thời gian tới.

Cùng với đó, các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương tập trung triển khai quyết liệt các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công: (i) Đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc liên quan đến đất đai, tài nguyên; (ii) Đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ thi công;

Thực hiện nghiệm thu, lập hồ sơ thanh toán ngay khi có khối lượng; (iii) Rà soát, điều chuyển kế hoạch vốn giữa các dự án chậm giải ngân sang các dự án có tiến độ giải ngân tốt, còn thiếu vốn; (iv) Thành lập Tổ công tác thúc đẩy giải ngân vốn trong từng bộ, cơ quan, địa phương để đôn đốc, kiểm tra, giám sát, xử lý các điểm nghẽn trong giải ngân vốn đầu tư công; (v) Thực hiện đấu thầu qua mạng theo quy định, bảo đảm công khai, minh bạch, lựa chọn nhà thầu đủ năng lực;...

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, Bộ KH&ĐT sẽ chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính tổng hợp trình cấp có thẩm quyền điều chuyển vốn kế hoạch đầu tư công năm 2022 của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương:

(i) Đến hết ngày 31/3/2022 chưa phân bổ hết kế hoạch vốn năm 2022 và kiểm điểm trách nhiệm của người đứng đầu trong việc chậm phân bổ vốn theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 1993/VPCP-KTTH ngày 31/3/2022; (ii) Đến hết ngày 31/5/2022 chưa giải ngân kế hoạch vốn được giao (tỉ lệ giải ngân 0% kế hoạch); (iii) Đến hết ngày 31/5/2022 chưa làm thủ tục thanh toán toàn bộ số vốn ứng trước và nợ đọng xây dựng cơ bản được giao trong năm 2022.

Liên quan đến giải ngân chậm các dự án sử dụng vốn ODA và vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài, Bộ KH&ĐT và Bộ Tài chính sẽ làm việc trực tiếp với từng bộ, cơ quan Trung ương và địa phương xác định rõ lý do, kiến nghị giải pháp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 4/2022.

Đến hết quý I/2022, 4 cơ quan Trung ương và 5 địa phương đã phân bổ 100% kế hoạch và có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công 3 tháng đầu năm trên 25%. Tuy nhiên, 13 bộ, cơ quan Trung ương và 21 địa phương đến ngày 30/3 chưa phân bổ hết kế hoạch năm 2022 được giao; 29 bộ, cơ quan Trung ương đến nay chưa giải ngân kế hoạch vốn năm 2022.

Bùi Hằng

Nguồn: Kinh tế Môi trường