Sau khi được Quốc hội thông qua Luật Bảo vệ Môi trường 2020 và Luật này chính thức có hiệu lực thi hành vào 1/1/2022, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chủ trì xây dựng Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường 2020 (BVMT). Đồng thời theo nhiệm vụ được giao, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) và các Bộ quản lý lĩnh vực cũng đang triển khai soạn thảo các hướng dẫn thi hành Luật.
Dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật BVMT 2020 đang nhận được nhiều ý kiến góp ý của các tổ chức, cá nhân, có nhiều ý kiến cho rằng Dự thảo Nghị này có nhiều "bất cập”. Để tìm hiểu rõ hơn, cuộc trao đổi với PGS.TS Nguyễn Hồng Tiến - Nguyên Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật - Bộ Xây dựng sẽ giúp ta hiểu hơn về vấn đề này.
PGS.TS Nguyễn Hồng Tiến - Nguyên Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật - Bộ Xây dựng.
PV: Từng là nhà quản lý và là một chuyên gia lâu năm hoạt động trong lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật, PGS.TS nhận xét như thế nào về bản Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường?
PGS.TS Nguyễn Hồng Tiến:
Theo nguyên tắc Luật giao cho Chính phủ và các Bộ hướng dẫn nội dung gì thì chỉ hướng dẫn nội dung đó, đồng thời trách nhiệm hướng dẫn của Chính phủ và trách nhiệm hướng dẫn của các Bộ ngành cũng cần phải rõ ràng và minh bạch.
Hồ sơ Dự thảo Nghị định bao gồm Nghị định với 189 trang với 173 điều kèm theo một tập phụ lục dày và gần 465 trang giải trình các ý kiến góp ý, phải nói đây là một công trình nghiên cứu rất công phu, chi tiết với quá nhiều nội dung quản lý. Tôi đánh giá cao sức sáng tạo và tâm huyết của nhóm nghiên cứu và biên soạn.
PV: PGS.TS Nguyễn Hồng Tiến có cảm nhận gì khi tiếp cận, nghiên cứu một Dự thảo Nghị đinh với số trang có thể nói là "đồ sộ” như vậy?
So sánh với Luật BVMT 2020 có độ dày 135 trang với 171 điều thì số lượng trang của Nghị định gấp 1,5 lần (chưa tính phần phụ lục của Nghị định), số lượng các điều lớn hơn 2 điều (173/171) chưa nhận xét đến nội dung và chất lượng. Vậy có nên làm một Nghị định dày với quá nhiều nội dung như vậy không? Ưu điểm là tổng hợp được tất cả và thuận lợi trong tra cứu… nhưng hạn chế là quá dày và quá nhiều nội dung cũng có thể rất khó khăn cho quá trình sử dụng, đặc biệt trong việc dẫn chiếu từ quy định đến phụ lục.
PV: Được biết, PGS.TS Nguyễn Hồng Tiến đã từng tham gia Hội nghị do Uỷ ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc Hội họp tại TP. Hồ Chí Minh vào 9/2020 về dự thảo Luật BVMT và đã có những phát biểu góp ý tại Hội nghị. Xin ông cho biết, Dự thảo Nghị định của Bộ Tài nguyên và Môi trường lần này đã hướng dẫn theo đúng các quy định của Luật BVMT hay không?
PGS.TS Nguyễn Hồng Tiến:
Theo quy định của Hiến pháp năm 2013 (Điều 69, 70), làm Luật và sửa đổi Luật là nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội, do đó các điều, khoản của Dự thảo Luật cần được quy định đầy đủ, rõ ràng, cụ thể ngay từ Luật để dễ thực hiện không chờ hướng dẫn; hạn chế việc giao cho cơ quan hành pháp (Chính phủ, các Bộ) quy định chi tiết các điều, khoản.
Tuy nhiên sau đó Luật BVMT 2020 được Quốc hội thông qua, trong đó giao cho Chính phủ hướng dẫn đến 64/171 điều như trong dự thảo Nghị định và cũng chưa tính đến số lượng các điều, khoản giao cho các Bộ quản lý nhà nước lĩnh vực hướng dẫn. Chính vì vậy dự thảo Nghị định này hướng dẫn 64/171 điều hoặc khoản của điều (có hướng dẫn cả 1 điều và cũng có hướng dẫn chỉ 1 khoản của điều) khối lượng như vậy là rất nhiều.
Ngoài 64/171 điều Luật BVMT giao cho Chính phủ quy định thì Luật BVMT cũng giao cho Bộ TN&MT gần 30 nhiệm vụ hướng dẫn Luật. Mặt khác trong dự thảo Nghị định lần này, dự kiến Chính phủ lại giao cho Bộ TN&MT hướng dẫn trên 30 nội dung nữa, như vậy liệu có quá nhiều không? Vì vậy cần rà soát các nhiệm vụ có thể cụ thể luôn trong dự thảo Nghị định, giảm bớt số lượng nhiệm vụ giao cho Bộ TN&MT trong dự thảo Nghị định lần này.
Trong dự thảo Nghị định có nhiều nội dung hướng dẫn đúng theo khoản, điều của Luật BVMT giao cho Chính phủ quy định, nhưng cũng lại có nội dung Luật không giao cho Chính Phủ nhưng Dự thảo Nghị định vẫn có hướng dẫn hoặc cụ thể hóa, chi tiết hoá. Ví dụ, trong Chương 2 Quản lý chất thải rắn sinh hoạt, Luật giao cho Chính phủ hướng dẫn chỉ có Khoản 4 Điều 78; Khoản 3 Điều 79 và Khoản 3 Điều 80 nhưng trong nội dung Chương 2 của Dự thảo Nghị định có đến 9 điều hướng dẫn, nhiều nội dung quá cụ thể, chi tiết liệu có đúng không? Hay trong nội dung Điều 59 về lựa chọn chủ đầu tư, chủ xử lý CTR sinh hoạt, nội dung này cũng đã được thể hiện rất rõ trong Điều 78 Luật BVMT 2020 nên chăng không cần hướng dẫn lại trong Nghị định nữa.
Điều 61 về chi phí thu gom liệu việc trình bày như vậy đã bao gồm tất cả các chi phí theo đặc thù của lĩnh vực này chưa? Điều 62 liên quan đến giá dịch vụ, các Điều 56, 57, 63, 64, 65 và nhiều điều khác có thể nên rà soát lại. Theo tôi, Luật giao việc gì thì hướng dẫn việc đấy là tốt rồi, không nên bổ sung, chi tiết, cụ thể thêm vì quy định của Luật là cao nhất. Việc bổ sung, chi tiết hoá thêm như vậy làm cho Nghị định trở nên "cồng kềnh”, khó khăn cho quá trình thực hiện.
PV: Xin ông cho biết, trong quá trình nghiên cứu Dự thảo Nghị định lần này, một số nội dung cụ thể nào ông thấy cần lưu ý xem xét thêm?
PGS.TS Nguyễn Hồng Tiến:
Về công trình, thiết bị xử lý nước thải tại chỗ, trong giải thích thuật ngữ Khoản 3 Điều 3, ngoài vị trí, quy mô là các đối tượng sử dụng thì không quy định cụ thể xử lý nước thải với công suất là bao nhiêu m3/ngày đêm. Trong Điều 50 quy định cơ quan thẩm định thiết kế xây dựng, cấp phép xây dựng phải lấy ý kiến của cơ quan chuyên môn bảo vệ môi trường. Việc quy định phải lấy ý kiến mà không phân loại theo công xuất xử lý nước thải là không hợp lý, công suất bao nhiêu mới phải lấy ý kiến?
Tại Điều 60 về lộ trình hạn chế xử lý chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) bằng công nghệ chôn lấp trực tiếp, với 2 khoản: Khoản 1 trình bày khái niệm thế nào công nghệ chôn lấp trực tiếp…; Khoản 2 chỉ trình bày việc cần đầu tư công nghệ để giảm tỷ lệ chôn lấp CTRSH. Việc trình bày các nội dung quy định như vậy có nên không? Vì không rõ lộ trình cụ thể như thế nào theo như tên gọi của Điều và cũng không rõ về việc hướng dẫn lộ trình làm thế nào để hạn chế CTRSH.
Mặc dù Luật chỉ quy định 1 điều 79 là Chi phí thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH/Giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH, nhưng tại Dự thảo Nghị định có tới 2 điều hướng dẫn về nội dung này là Điều 61 và Điều 62. Và nếu đã hướng dẫn thì phải cụ thể và phải tách riêng bởi vì 2 công việc là thu gom, vận chuyển và công việc xử lý có rất nhiều điểm rất khác nhau không thể chung trong một quy định được do vậy đề nghị tách riêng như sau:
+Chi phí thu gom, vận chuyển/giá dịch vụ thu gom, vận chuyển CTRSH
+Chi phí xử lý chất thải rắn/giá dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt.
Trong thời gian vừa qua Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư số 07/2017/TT-BXD về Phương pháp định giá dịch vụ xử lý CTRSH, mặt khác Bộ cũng đang xây dựng Phương pháp định giá dịch vụ thu gom, vận chuyển CTRSH, song do nhiều nguyên nhân, đến nay các văn bản trên chưa được ban hành, đề nghị tham khảo thêm.
Trong khoản 5 Điều 79 Luật BVMT 2020 đã giao cho Bộ TN&MT hướng dẫn phương pháp định giá dịch vụ xử lý CTR, vì vậy quy định về các chi phí (Điều 61), giá dịch vụ (gồm cả nguyên tắc định giá...) tại điều 62 không nên có ở trong Nghị định này mà đưa về Thông tư hướng dẫn của Bộ TN&MT có lẽ hợp lý hơn.
Trên đây là một số ý kiến góp ý ban đầu về dự thảo Nghị định và cũng do thời gian ngắn chưa có cơ hội nghiên cứu kỹ và sâu nên có thể chưa đầy đủ hoặc chưa chính xác rất mong có sự phản hồi để làm rõ hơn.
PV: Xin trân trọng cảm ơn các ý kiến của PGS.TS Nguyễn Hồng Tiến.