Trần Châu ·
3 năm trước
 3901

12 chủ đầu tư 'ngâm' gần 345 tỉ đồng phí bảo trì nhà chung cư, xử lý ra sao?

Tình trạng chủ đầu tư và ban quản lý tòa nhà có mâu thuẫn, tranh chấp về khoản phí bảo trì nhà chung cư là chuyện không hiếm. Vừa qua, 12 chủ đầu tư có nhiều "vướng mắc" trong vấn đề về kinh phí bảo trì gây nhiều tranh cãi, bức xúc. Vậy, vấn đề này được xử lý thế nào?

12 chủ đầu tư phải trả lại 345 tỷ đồng phí bảo trì chung cư?

Thời gian qua, nhiều chủ đầu tư, ban quản trị nhà chung cư quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì không chấp hành hoặc chấp hành nhưng không đầy đủ theo quy định. Nhiều chủ đầu tư "om" quỹ bảo trì chung cư, dẫn đến tình trạng tranh chấp giữa dân cư chung cư và chủ đầu tư. 

Thậm chí tình trạng đơn thư khiếu nại kéo dài, nhiều khu chung cư người dân còn phản ứng quyết liệt với chủ đầu tư bằng cách căng băng rôn tại các nhà chung cư, các cơ quan quản lý Nhà nước và các cấp chính quyền, điều này tạo ra dư luận xấu, làm ảnh hưởng đến an ninh trật tự địa phương.

chủ đầu tư "om" quỹ bảo trì

Tình trạng chủ đầu tư và ban quản lý tòa nhà có mâu thuẫn, tranh chấp về khoản phí bảo trì nhà chung cư là chuyện không hiếm (Ảnh: Cư dân Hòa Bình Green City căng băng rôn đòi sổ đỏ, quỹ bảo trì ngày 14/3/2021)

Bởi lẽ đó, Bộ Xây dựng đã chỉ đạo thanh tra đối với nhiều chủ đầu tư và Ban quản trị nhà chung cư xảy ra tranh chấp. Kết thúc đợt thanh tra, Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng đã ban hành 18 kết luận thanh tra đối với 18 chủ đầu tư và 17 ban quản trị tại 24 nhà chung cư/cụm nhà chung cư, đã buộc 12/18 chủ đầu tư phải gửi vào tài khoản kinh phí bảo trì theo quy định; đồng thời, quyết toán để chuyển ngay cho Ban quản trị nhà chung cư với tổng kinh phí bảo trì trên 344,96 tỷ đồng.

Qua thanh tra, lực lượng chức năng buộc 5/18 chủ đầu tư trả lại 2.080 m2 diện tích lấn chiếm về cho cư dân có giá trị khoảng 62,40 tỷ đồng; xử phạt vi phạm hành chính 8/18 chủ đầu tư với tổng số tiền 1,03 tỷ đồng.

Các kết luận thanh tra đã giải quyết dứt điểm rất nhiều kiến nghị, khiếu nại gay gắt của cư dân, góp phần ổn định cuộc sống của người dân, đảm bảo an ninh, trật tự địa phương.

chủ đầu tư "om" quỹ bảo trì

Các kết luận thanh tra đã giải quyết dứt điểm rất nhiều kiến nghị, khiếu nại gay gắt của cư dân, góp phần ổn định cuộc sống của người dân, đảm bảo an ninh, trật tự địa phương (Hình ảnh minh họa)

Bộ Xây dựng chỉ ra 7 nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng tranh chấp, đơn thư khiếu nại gay gắt, kéo dài. 

Thứ nhất, nhận thức pháp luật, cách thức, thái độ làm việc để tìm được tiếng nói chung để đi đến thống nhất giữa chủ đầu tư và ban quản trị.

Thứ hai, chủ đầu tư tự ý thay đổi công năng, mục đích sử dụng, lấn chiếm, sử dụng các phần thuộc sở hữu chung nhà chung cư.

Thứ ba, chủ đầu tư chậm tổ chức hoặc tổ chức hội nghị nhà chung cư lần đầu không thành công nhưng không có văn bản đề nghị UBND cấp xã tổ chức.

Thứ tư, chủ đầu tư và ban quản trị nhà chung cư không thống nhất được các phần diện tích, nhất là phần diện tích mà chủ đầu tư giữ lại, thiết bị thuộc sở hữu chung nhà chung cư theo quy định của Luật Nhà ở.

Thứ năm, chủ đầu tư không bàn giao, chậm bàn giao hoặc bàn giao không đầy đủ hồ sơ nhà chung cư cho ban quản trị.

Thứ sáu, chủ đầu tư và ban quản trị chưa quyết toán số liệu (gốc và lãi) kinh phí bảo trì nhưng chủ đầu tư đã bàn giao và ban quản trị đã nhận số tiền kinh phí bảo trì.

Thứ bảy, một số chính quyền cấp xã, cấp huyện xử lý chưa triệt để khiến nhiều kiến nghị, tranh chấp tại nhà chung cư của địa phương mình.

Tuy nhiên, với những chủ đầu tư thay đổi công năng tòa nhà, lấn chiếm diện tích, hoặc gây áp lực lên cơ sở hạ tầng khi thay đổi diện tích, công năng tòa nhà mà không thể trả lại phần diện tích này, thì việc đền bù những thiệt thòi về quyền lợi cho người dân sẽ được tiến hành ra sao? 

Với việc chính quyền các cấp xử lý kiến nghị không triệt để, không làm tròn trách nhiệm tại nhà chung cư của địa phương mình sẽ được kiểm điểm trách nhiệm ra sao?

Làm sao để tránh những bất cập về phí bảo trì nhà chung cư?

Các kết luận thanh tra đã giải quyết nhiều kiến nghị, khiếu nại của người dân. Tuy nhiên, làm sao để tránh những bất cập về phí bảo trì có thể sẽ xảy ra trong tương lai? 

Theo Zing, Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị đề nghị UBND các địa phương chỉ đạo cơ quan chức năng phối hợp cơ quan công an trên địa bàn để xử lý đối với các trường hợp có dấu hiệu vi phạm hình sự trong quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì theo quy định.

Đối với chủ đầu tư, cần quản lý và bàn giao kinh phí bảo trì theo quy định. Có trách nhiệm mở một tài khoản thanh toán tại một tổ chức tín dụng để gửi có kỳ hạn đối với mỗi một dự án đầu tư xây dựng nhà ở có nhà chung cư để nhận kinh phí bảo trì do người mua, thuê mua nhà ở, phần diện tích khác và chủ đầu tư nộp theo quy định.

Sau khi mở tài khoản, chủ đầu tư phải có văn bản thông báo cho Sở Xây dựng nơi có dự án biết về tên tài khoản, số tài khoản đã mở, tên tổ chức tín dụng nơi mở tài khoản và kỳ hạn gửi tiền; khi ban quản trị thành lập thì bàn giao ngay kinh phí bảo trì cho ban quản trị theo quy định.

Đối với Ban quản trị nhà chung cư, quản lý kinh phí bảo trì theo quy định; sử dụng kinh phí bảo trì phải đảm bảo đúng mục đích, công khai, minh bạch theo đúng quy định của Thông tư 02/2016 của Bộ Xây dựng…

Với quy trình xây dựng và quản lý, sử dụng hiệu quả kinh phí bảo trì kể trên, không phải chủ đầu tư không nắm được. Tuy nhiên tình trạng vi phạm về kinh phí bảo trì tại nhà chung cư vẫn là câu chuyện nhức nhối. 

chủ đầu tư 'om' quỹ bảo trì

Số lượng tòa nhà chung cư đang gia tăng nhanh chóng. Số lượng người dân sống trong các chung cư ngày càng nhiều

Bởi vậy, Như vậy, Nghị định 30 vừa được ban hành cuối tháng 3 đã thêm một "chốt chặn", khiến chủ đầu tư hết cửa "ôm" phí bảo trì chung cư, khi quy định rõ sau khi mở tài khoản, chủ đầu tư phải có văn bản thông báo cho Sở Xây dựng nơi có dự án biết thông tin tài khoản này; đồng thời không được sử dụng kinh phí này vào bất kỳ mục đích nào khác, trước khi bàn giao cho ban quản trị.

Số lượng tòa nhà chung cư đang gia tăng nhanh chóng. Số lượng người dân sống trong các chung cư ngày càng nhiều. Ví dụ, tại Hà Nội, trong vòng 1 thập kỉ 2010 - 2020, số lượng căn hộ chung cư đã tăng gấp 4 lần. Đến năm 2020, có hơn 13% dân số Hà Nội đang sinh sống ở chung cư.

Bởi vậy, cần có sự tuân thủ nghiêm ngặt các quy định liên quan đến việc quản lý, vận hành và sử dụng chung cư của các bên liên quan nhằm tạo dựng môi trường sống văn minh cho một mô hình nhà ở được xem là xu thế tất yếu trong tương lai. Khi phát hiện tổ chức, cá nhân có dấu hiệu tội phạm về quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì thì cần chuyển cơ quan điều tra theo quy định.