Nguyễn Linh ·
2 năm trước
 7589

2025: Việt Nam thí điểm vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon

Trong nghị định mới của Chính phủ đã cụ thể lộ trình phát triển, thời điểm triển khai thị trường carbon trong nước. Trao đổi tín chỉ carbon trên thị trường carbon trong nước được xem là đòn bẩy giảm phát thải và phát triển kinh tế xanh.

Lộ trình cụ thể

Nghị định 06/2022/NĐ-CP ngày 10/1/2022 quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozon. Nghị định này quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường, bao gồm Điều 91 về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, Điều 92 về bảo vệ tầng ozon, Điều 139 về tổ chức và phát triển thị trường carbon.

Trong đó, Nghị định quy định cụ thể lộ trình phát triển, thời điểm triển khai thị trường carbon trong nước theo hai giai đoạn: đến hết năm 2027 và từ năm 2028.

Theo đó, giai đoạn đến hết năm 2027 sẽ có 4 hoạt động chính. Thứ nhất, xây dựng quy định quản lý tín chỉ carbon, hoạt động trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon; xây dựng quy chế vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon.

2025: Việt Nam thí điểm vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon - Ảnh 1
Sẽ triển khai tổ chức vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon chính thức trong năm 2028. (Ảnh: Nguoiduatin.vn)

Thứ hai, triển khai thí điểm cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon trong các lĩnh vực tiềm năng và hướng dẫn thực hiện cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon trong nước và quốc tế phù hợp với quy định của pháp luật và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Thứ ba, thành lập và tổ chức vận hành thí điểm sàn giao dịch tín chỉ carbon kể từ năm 2025. Cuối cùng, triển khai các hoạt động tăng cường năng lực, nâng cao nhận thức về phát triển thị trường carbon.

Giai đoạn từ năm 2028, sẽ triển khai tổ chức vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon chính thức trong năm 2028. Mặt khác, đưa ra quy định các hoạt động kết nối, trao đổi tín chỉ carbon trong nước với thị trường carbon khu vực và thế giới.

Hạn ngạch khí phát thải nhà kính sẽ được giao dịch trên sàn

Nghị định cũng quy định trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon trên thị trường carbon trong nước.

Cụ thể, việc trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính, tín chỉ carbon được thực hiện trên sàn giao dịch tín chỉ carbon, thị trường carbon trong nước theo quy định.

2025: Việt Nam thí điểm vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon - Ảnh 2
Hạn ngạch khí phát thải nhà kính sẽ được giao dịch trên sàn. (Ảnh: Báo Thừa thiên Huế)

Hạn ngạch phát thải khí nhà kính quy định tại khoản 2 Điều 12 được giao dịch trên sàn. 1 đơn vị hạn ngạch phát thải khí nhà kính bằng 1 tấn CO2 tương đương.

Tín chỉ carbon thu được từ chương trình, dự án theo cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon được phép chuyển đổi thành đơn vị bù trừ cho hạn ngạch phát thải khí nhà kính trên sàn giao dịch. 1 tín chỉ carbon bằng 1 tấn CO2 tương đương.

Các cơ sở có thể đấu giá để sở hữu thêm hạn ngạch phát thải khí nhà kính ngoài lượng hạn ngạch phát thải khí nhà kính được phân bổ trong cùng 1 giai đoạn cam kết. Các cơ sở có thể chuyển giao lượng hạn ngạch phát thải khí nhà kính chưa sử dụng hết trong năm trước sang các năm tiếp theo trong cùng 1 giai đoạn cam kết. Các cơ sở có thể vay hạn ngạch phát thải khí nhà kính được phân bổ cho năm tiếp theo để sử dụng trong năm trước đó trong cùng 1 giai đoạn cam kết.

Các cơ sở có thể sử dụng tín chỉ carbon từ các dự án thuộc các cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon để bù cho lượng phát thải khí nhà kính vượt quá hạn ngạch phát thải khí nhà kính được phân bổ trong 1 giai đoạn cam kết. Số lượng tín chỉ carbon để bù trừ phát thải không được vượt quá 10% tổng số hạn ngạch phát thải khí nhà kính được phân bổ cho cơ sở.

Hạn ngạch phát thải khí nhà kính đã phân bổ sẽ tự động được Bộ Tài nguyên và Môi trường thu hồi khi các cơ sở dừng hoạt động, giải thể hoặc phá sản.
Nhà nước khuyến khích các cơ sở tự nguyện nộp trả hạn ngạch phát thải khí nhà kính chưa sử dụng hết góp phần thực hiện mục tiêu giảm nhẹ phát thải khí nhà kính của quốc gia.

Vào cuối mỗi giai đoạn cam kết, các cơ sở phải nộp tiền thanh toán cho lượng phát thải khí nhà kính vượt quá số hạn ngạch phát thải khí nhà kính được phân bổ sau khi áp dụng các hình thức đấu giá, chuyển giao, vay mượn, sử dụng tín chỉ carbon để bù trừ. Ngoài việc phải nộp tiền thanh toán, lượng phát thải khí nhà kính vượt quá lượng hạn ngạch được phân bổ sẽ được trừ vào hạn ngạch phân bổ cho giai đoạn cam kết sau đó.

Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn đấu giá, chuyển giao, vay mượn và nộp trả hạn ngạch phát thải khí nhà kính.

Định giá carbon là một cách tiếp cận nhằm giảm lượng phát thải khí nhà kính (KNK) hiệu quả thông qua việc sử dụng các cơ chế thị trường để chuyển chi phí phát thải cho các nguồn phát thải theo nguyên tắc “người gây ô nhiễm phải trả tiền”. Theo đó các cơ sở phát thải phải chịu trách nhiệm trả chi phí do đã phát thải KNK vào khí quyển.

Đến nay, trên thế giới đã có 46 quốc gia và 35 vùng lãnh thổ áp dụng hoặc lên kế hoạch áp dụng công cụ định giá carbon, với tổng lượng KNK được kiểm soát là 12 tỉ tấn CO2 tương đương, chiếm 22,3% tổng lượng phát thải KNK toàn cầu.

Chia sẻ về kinh nghiệm thế giới về xây dựng thị trường carbon, TS Nguyễn Tú Anh, Viện Khoa học tài nguyên nước, Bộ TN&MT cho biết, tại Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu 2015 có 189/197 thành viên (tính đến tháng 12/2020) đã thống nhất về vai trò, trách nhiệm của các quốc gia trong ứng phó biến đổi khí hậu toàn cầu, đặc biệt là làm giảm nhẹ phát thải nhà kính do quốc gia tự quyết định.

Tại đây, các quốc gia nỗ lực giữ cho nhiệt độ Trái Đất trung bình tăng không quá 2 độ C (hướng đến giữ giới hạn ở mức 1.5 độ C) so với thời kỳ trước công nghiệp thông qua việc đưa ra và tăng cường hành động và đầu tư cần thiết cho một tương lai carbon thấp bền vững.

Nguồn