Tình trạng sạt lở đang diễn biến phức tạp
Thời gian qua khu vực ĐBSCL các vụ sạt lở cồn, bờ sông, bờ biển diễn ra hết sức phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng trực tiếp đến tài sản, tính mạng, công trình công cộng. Đời sống dân sinh của người dân sống trong khu vực bị ảnh hưởng. Cụ thể gần đây nhất, Vụ sạt lở xảy ra vào khoảng 16h30 chiều 5/12/2022 trên sông Cổ Chiên đoạn qua ấp Bình Thuận 1, xã Hòa Ninh, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long, chiều dài khoảng 500m, rộng 200m, ảnh hưởng đến 16 hộ dân, 58 nhân khẩu, làm 13 căn nhà (12 nhà cấp 4, 1 nhà gỗ), 1 nhà kho, 1 xe cuốc, 2 ao cá, khoảng 10ha đất (bước đầu ước tính gây thiệt hại khoảng 35 tỷ đồng.
Tại An Giang, 6 tháng đầu năm 2022 đã xảy ra 16 điểm sạt lở, sụt lún, rạn nứt đất bờ sông, kênh, rạch, với chiều dài 808m. Sạt lở xảy ra chủ yếu ở các huyện Châu Phú, An Phú, Chợ Mới, Thoại Sơn, Tri Tôn và Phú Tân đã ảnh hưởng đến 12 căn nhà phải di dời khẩn cấp, thiệt hại khoảng 954 triệu đồng. Nhiều địa phương khác cũng xảy ra sạt lở như Cần Thơ, Kiên Giang, Bến Tre, Tiền Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng…Nguyên nhân gây ra sạt lở có rất nhiều, trong đó có nguyên nhân khai thác khoáng sản quá mức, không theo quy hoạch, không được thăm dò, cấp phép, khai thác cát trộm… làm thay đổi dòng chảy, mất cân bằng giữa bờ và vực, tạo ra các hố sâu dưới lòng sông, hàm ếch ở bờ sông dẫn đến xoáy lở đáy sông, bờ sông…
Tình trạng cát tặc lộng hành diễn ra ở nhiều địa phương. Ảnh Báo Tuổi Trẻ.
Thực tế cho thấy, vấn đề quản lý Nhà nước trên lĩnh vực này thời gian qua còn nhiều hạn chế, chưa chặt chẽ, sâu sát, chưa công khai minh bạch trong khâu khảo sát, quy hoạch, thiết kế mỏ, lấy ý kiến người dân khu vực bị ảnh hưởng. Công tác đấu tranh phòng chống hành vi vi phạm pháp luật trên lĩnh vực này chưa kiên quyết, sự phối hợp giữa các ngành, các cấp chưa thường xuyên, chưa thống nhất, chưa có tiếng nói chung. Lực lượng trực tiếp đấu tranh, phòng chống hành vi vi phạm pháp luật trên lĩnh vực này thời gian qua đạt được kết quả rất đáng trân trọng, tuy nhiên vẫn còn hạn chế về nhiều mặt, trước hết là sự quyết tâm, trách nhiệm thực thi công vụ, trình độ năng lực, hiểu biết vận dụng, áp dụng pháp luật; công tác kiểm tra, giám sát chưa nghiêm túc, chưa đúng quy trình, quy định, còn qua loa đại khái, bỏ lọt hành vi vi phạm...dẫn đến việc chấp hành quy định pháp luật không nghiêm.
Ngoài ra, các đối tượng thực hiện hành vi vi phạm pháp luật trên lĩnh vực này ngày càng liều lĩnh, tinh vi, phức tạp; Có mối quan hệ “thân quen” với các cơ quan quản lý Nhà nước, các cấp chính quyền; có trình độ nhận thức, am hiểu pháp luật, lợi dụng kẻ hở của pháp luật thực hiện hành vi nhằm lách luật, vượt ngoài khuôn khổ quy định của pháp luật để không bị xử lý…
Theo tính toán của Bộ GTVT, giai đoạn 2021 - 2025 và các giai đoạn tiếp theo, vùng ÐBSCL cần tổng nhu cầu cát đắp nền đường của các dự án khoảng 39 triệu m³ (dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau 18,5 triệu m³; dự án cao tốc Châu Ðốc - Cần Thơ - Trần Ðề 17,8 triệu m³; dự án cao tốc Cao Lãnh - An Hữu 1,3 triệu m³, dự án cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh 1,4 triệu m³). Ngoài ra, còn có các dự án giao thông khác do các tỉnh đầu tư được triển khai thời gian tới… Thế nhưng nguồn cung ứng cát tại các địa phương ở ÐBSCL phục vụ hàng loạt dự án giao thông là rất thấp. Do vậy thời gian tới việc cấp phép và khai thác cát ở ĐBSCL diễn biến nhiều phức tạp.
Cần giải pháp đồng bộ
Để công tác thực thi pháp luật khoáng sản đi vào chiều sâu, có hiệu lực, hiệu quả đòi hỏi các ngành, các cấp phải có sự quyết tâm cao, phối hợp chặt chẽ, có tiếng nói chung, có sự thống nhất, đồng thuận trên khuôn khổ quy định của pháp luật; lực lượng trực tiếp tham gia quản lý, phòng chống hành vi vi phạm pháp luật trên lĩnh vực này không chỉ nắm chặt quy định của Luật khoáng sản, Luật bảo vệ môi trường, Luật xử lý vi phạm hành chính, Luật đê điều, Luật xây dựng, Luật đầu tư, Luật dân sự, Luật hình sự… các văn bản quy định dưới luật có liên quan, mà còn phải hiểu rõ và nắm chặt các đối tượng, mối quan hệ, quy luật, hành vi, thủ đoạn hoạt động của chúng để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật trên lĩnh vực này.
Tiến sĩ Trần Khắc Tâm, Đại biểu HĐND tỉnh Sóc Trăng, Chủ tịch Hiệp Hội doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng.
Từ thực tế ở khu vực ĐBSCL trong phạm vi bài viết này, tôi chỉ nghiên cứu, trao đổi một số trường hợp cụ thể về quản lý Nhà nước, tổ chức đấu tranh, phòng chống với các hành vi vi phạm pháp luật về khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường ở cấp chính quyền địa phương (tỉnh, huyện, xã), được quy định tại Điều 64, Luật khoáng sản năm 2010 như sau:
Thứ nhất, về việc quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản
Về trình tự thủ tục căn cứ vào quy định Luật khoáng sản và văn bản hướng dẫn thi hành, tôi hoàn toàn thống nhất, ở đây tôi chỉ trao đổi thêm việc tổ chức lấy ý kiến theo quy định tại khoản 1, 2, Điều 12 Nghị định số 158/2016/NĐ-CP, quy định chi tiết thi hành một số điều Luật khoáng sản, cụ thể như sau:
Điều 12. Lấy ý kiến góp ý và công bố quy hoạch khoáng sản quy định.
- Việc gửi lấy ý kiến về quy hoạch khoáng sản thực hiện như sau:
- a) Trước khi trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, cơ quan chủ trì lập quy hoạch gửi lấy ý kiến của các cơ quan quy định tại khoản 1 Điều 10 Nghị định này; ý kiến các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công an, Quốc phòng, Giao thông Vận tải, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Văn hóa, Thể thao và Du lịch và ý kiến của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi có mỏ khoáng sản đưa vào quy hoạch; đăng tải công khai nội dung thuyết minh quy hoạch trên trang thông tin điện tử của cơ quan chủ trì lập quy hoạch để lấy ý kiến người dân, doanh nghiệp ít nhất 45 ngày trước khi trình phê duyệt quy hoạch;
- b) Trước khi trình Hội đồng nhân dân cùng cấp thông qua, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh gửi lấy ý kiến các Bộ: Tài nguyên và Môi trường, Công Thương, Xây dựng. Trường hợp khoáng sản đưa vào quy hoạch có diện tích phân bố trên địa bàn giáp ranh từ hai tỉnh, thành phố trở lên phải gửi hồ sơ lấy ý kiến của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố thuộc địa bàn giáp ranh.
- Trong thời hạn 45 ngày kể từ ngày nhận được văn bản lấy ý kiến của cơ quan chủ trì lập quy hoạch, cơ quan được lấy ý kiến quy định tại khoản 1 Điều này có trách nhiệm trả lời bằng văn bản về hồ sơ quy hoạch. Nếu quá thời hạn trên mà cơ quan được lấy ý kiến không trả lời bằng văn bản, thì cơ quan chủ trì lập quy hoạch sẽ trình Thủ tướng Chính phủ, Hội đồng nhân dân cùng cấp xem xét phê duyệt hoặc thông qua quy hoạch.
Quy định là như vậy nhưng trong thực tế cơ quan tổ chức lấy ý kiến còn qua loa đại khái, cung cấp thông tin lài liệu không đầy đủ, thời gian để đơn vị được lấy ý kiến thường quá ngắn; đơn vị được lấy ý kiến chưa quan tâm đúng mức, nghiên cứu chưa sâu các văn bản quy định liên quan, chưa đánh giá được hết các yếu tố tác động đến môi trường, kinh tế xã hội và đời sống người dân trong khu vực; quan trọng là người dân trong khu vực chưa được quan tâm lấy ý kiến, khi có ý kiến thì chưa được các cấp, các ngành lắng nghe, tiếp thu nghiêm túc. Do vậy thời gian qua có mỏ khoáng sản được cấp phép khai thác nhưng không khai thác được, vì người dân không đồng tình, bức xúc ngăn cản không cho khai thác, do ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi, tính mạng, tài sản và đời sống của người dân, gây mất an ninh trật tự tại địa phương. Do vậy việc lấy ý kiến các ngành, các cấp và nhân dân phải được thực hiện một cách nghiêm túc, lắng nghe, phân tích các yếu tố tác động nhiều mặt đến kinh tê, chính trị, xã hội… và nhất là quyền và lợi ích của người dân phải được đặt lên trên hết, “không vì lợi ích trước mắt mà đánh đổi môi trường, làm xáo trộn cuộc sống của người dân”.
Thứ hai, về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân được cấp phép và cơ quan quản lý nhà nước trong công tác quản lý.
Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân được cấp phép thăm dò, khai thác khoáng sản trước hết phải xác định đây là dự án có yếu tố tác động đến môi trường, phải có phương án phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường và thực hiện các yêu cầu về bảo vệ, cải tạo và phục hồi môi trường theo quy định tại Điều 67, Luật bảo vệ môi trường 2020. Phải tổ chức cắm mốc giới, thả phao khép gốc xác định vị trí khai thác, phải công khai thời gian, khối lượng, phương tiện khai thác…để Nhân dân, chính quyền địa phương và các tổ chức khác tham gia giám sát. Các cơ quan quản lý nhà nước theo chức năng nhiệm vụ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, phát hiện những thiếu sót, dấu hiệu sai phạm của tổ chức, cá nhân trong quá trình điều hành khai thác khoáng sản, kịp thời hướng dẫn, chấn chỉnh không để xảy ra trường hợp sai phạm đến mức phải xử lý bằng pháp luật, vì thời điểm đó hậu quả đã xảy ra có thể rất khó lường, rất khó khắc phục, ảnh hưởng trực tiếp đến kinh tế, chính trị, xã hội mà trực tiếp là quyền lợi của người dân.
Thứ ba, về công tác thanh tra, kiểm tra
Các cơ quan quản lý nhà nước và đấu tranh, phòng chống hành vi vi phạm pháp luật về khoáng sản theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền trong công tác thanh tra, kiểm tra, ngay từ đầu năm phải chủ động xây dựng kế hoạch phối hợp trong công tác thanh tra, kiểm tra trên lĩnh vực này, phải dự kiến được các tình huống có thể xảy ra, dự trù kinh phí, lực lượng đủ mạnh để trấn áp và căn cứ áp dụng văn bản vi phạm pháp luật để xử lý đúng quy định, trước khi tiến hành kiểm tra, nhằm chủ động thời gian đúng quy định pháp luật, tránh kéo dài gây phiền hà cho người dân, không để đối tượng vi phạm khiếu nại, khiếu kiện với lí do áp dụng văn bản quy phạp pháp luật xử lý không đúng quy định, vi phạm tố tụng.
Thực hiện nghiêm nguyên tắc xử lý sai phạm trên tinh thần thượng tôn pháp luật, không xử nhẹ, hay bỏ lọt hành vi vi phạm pháp luật, nhưng cũng không vì lợi ích cá nhân, hay thiếu hiểu biết về pháp luật mà xử oan sai cho người vô tội, làm xáo trộn trật tự xã hội, cuộc sống làm ăn chân chính của người dân.