Thủ đô New Delhi của Ấn Độ đang trải qua chuỗi ngày nắng nóng dài kỷ lục. Số liệu của Cục Khí tượng Ấn Độ cho biết, từ ngày 1/5 đến ngày 10/6, thành phố này đã trải qua 32 ngày có nhiệt độ trên 40 độ C. Đây là chuỗi ngày nắng nóng dài nhất trong 14 năm qua.
Còn từ ngày 14/5 đến ngày 10/6, thủ đô của Ấn Độ cũng liên tục chứng kiến nhiệt độ trên 40 độ C trong 28 ngày. Đây cũng là số ngày cao nhất trong 14 năm. Trong khi đó, trong 2 năm 2022 và 2023, thành phố này chỉ có lần lượt là 27 và 10 ngày chứng kiến nhiệt độ cao nhất trên 40 độ C trong cùng giai đoạn. Còn tính từ năm 2011, khi Cục Khí tượng Ấn Độ công khai các số liệu đo đạc, chưa có năm nào nhiệt độ tối đa tại New Delhi vượt 40 độ C liên tiếp trong 28 ngày.
Kỷ lục này chắc chắn sẽ bị phá trong mùa hè này bởi theo dự báo, nhiệt độ tại đây sẽ duy trì trên 40 độ C trong 7 ngày tới. Trong mùa hè năm nay, New Delhi đã nhiều lần chứng kiến các kỷ lục nhiệt độ. Hôm 28 và 29/5, ít nhất 2 trạm khí tượng tại thành phố ghi nhận mức nhiệt cao nhất xấp xỉ 50 độ C.
Một người dân ở Kolkata, bang Tây Bengal, Ấn Độ làm việc giữa trời nắng nóng. Ảnh: Reuters
Các chuyên gia khí tượng cho biết, việc lượng mưa suy giảm đang khiến nhiệt độ tại New Delhi duy trì ở mức rất cao. Trong tháng 5, người ta ghi nhận chỉ có 1 trận mưa vào ngày 11/5 với lượng mưa đo được là 0,4 mm.
Trả lời phỏng vấn của báo Indian Express, người đứng đầu Cục Khí tượng Ấn Độ (IMD), ông Mrutyunjay Mohapatra, cho biết đây là đợt nắng nóng lâu nhất từ trước tới nay. Dự báo nhiệt độ sẽ giảm khi những cơn mưa mùa di chuyển về phía Bắc trong tháng này.
Tuy nhiên, ông Mohapatra cảnh báo thời tiết sau giai đoạn này sẽ còn tồi tệ hơn. Theo ông, các đợt nắng nóng sẽ xảy ra thường xuyên hơn, kéo dài và gây hậu quả dữ dội hơn nếu không có các biện pháp phòng ngừa.
Phát biểu trên được đưa ra trong bối cảnh nhiều vùng phía Bắc Ấn Độ đã hứng chịu đợt nắng nóng bắt đầu từ giữa tháng 5, với nhiệt độ lên tới hơn 45 độ C. Ấn Độ là nước phát thải khí nhà kính lớn thứ 3 thế giới nhưng đã cam kết đạt mục tiêu trung hòa phát thải vào năm 2070. Hiện nay, nước này phụ thuộc hoàn toàn vào than đá để sản xuất điện.
Nghiên cứu khoa học cho thấy biến đổi khí hậu đang khiến các đợt nắng nóng kéo dài hơn, thường xuyên hơn và dữ dội hơn. Theo ông Mohapatra, các hoạt động của con người, sự gia tăng dân số, công nghiệp hóa và các cơ chế giao thông đang góp phần làm gia tăng nồng độ CO2, methane và chlorocarbons. Điều này gây nguy hiểm không chỉ đối với thế hệ hiện tại mà còn với cả thế hệ tương lai.
Dự báo trong 5 ngày tới, nhiệt độ sẽ tăng từ 2 đến 3 độ C, khiến điều kiện thời tiết ngày càng khắc nghiệt hơn. Theo ghi nhận của hãng thông tấn PTI, số ca nghi sốc nhiệt đã tăng vọt lên gần 25.000 ca trong giai đoạn từ tháng 3-5, dẫn đến 56 ca tử vong. Tuy nhiên, những số liệu này có thể chưa phản ánh đúng tình hình, do không bao gồm dữ liệu từ Uttar Pradesh, Bihar và Delhi.
Những đợt nắng nóng không ngừng tái diễn trong năm thứ ba liên tiếp đã ảnh hưởng đáng kể đến sức khỏe cộng đồng, tài nguyên nước, nông nghiệp, sản xuất điện và nhiều lĩnh vực khác nhau của nền kinh tế. Các nghiên cứu chỉ ra rằng Ấn Độ chịu thiệt hại lương thực lên tới 13 tỷ USD/năm, do chỉ có 4% sản phẩm tươi sống được bảo quản nhờ các cơ sở dây chuyền lạnh.