Chiều 28/2, bà Nguyễn Thị Ngọc, 47 tuổi, sắp xếp lại kho phế liệu rộng 50 m2 ở phường Bình Hưng Hoà B, quận Bình Tân, nằm cách hiện trường vụ cháy bãi rác ba hôm trước chừng 20 m. Hoả hoạn đến từ việc người dân đốt rác làm cháy lan sang xe tải cũ và dãy nhà kho chứa phế liệu chất cao như núi.
Rác, phế liệu chất thành từng đống lớn gần hiện trường vụ cháy bãi phế liệu trong hẻm quốc lộ 13, phường Bình Hưng Hoà, quận Bình Tân. Ảnh: Đình Văn
Khu vực này có nhiều cơ sở thu mua phế liệu. Kho dựng bằng các cây gỗ, ngoài bọc nilon, bên trong chứa đầy giấy vụn, chai nhựa, bìa carton, song không có bất kì thiết bị phòng cháy chữa cháy nào. Chủ các bãi rác cho biết việc buôn bán chai nhựa, giấy vụn lời ít, mỗi kg chỉ lời vài trăm đồng, trong khi để xây kho cần vài trăm triệu đồng.
Cách đó 10 km, túi nylon, carton, xác động vật, hộp xốp, chai nhựa phế thải cũng chất đống xung quanh gần cầu Tham Lương, quận 12. Bên cạnh là nhiều đám lửa nghi ngút, toả khói mù mịt vào người đi xe máy. Theo hộ dân sống gần cầu, nhiều người đổ rác lén lút dưới chân cầu bốc mùi hôi thối nên ngày nào họ cũng phải thu gom đốt giảm ô nhiễm. Trước đó, người dân đốt rác dưới cầu Rạch Lăng, quận Bình Thạnh, hồi đầu tháng 2, gây cháy lớn làm kết cấu cầu yếu đi.
Người dân đốt rác khiến khói toả mù mịt dưới chân cầu Tham Lương, quận 12, chiều 28/2. Ảnh: Đình Văn
Đại diện UBND phường Bình Hưng Hoà B (quận Bình Tân) cho biết một số bãi đất trống, chân cầu trên địa bàn thường có nhiều người đổ trộm rác vào buổi đêm, lâu dần chất thành bãi lớn. Ngoài ra, một số cơ sở tập kết rác, phế liệu ở dọc đường cũng tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ. Chính quyền thường xuyên nhắc nhở, đưa xe tải đi thu gom rác, phế liệu.
"Khi trời khô hanh, một gạt tàn thuốc cũng có thể bén lửa ở các bãi rác lớn, hoặc người dân có thói quen đốt rác buổi tối rồi đi ngủ cũng rất nguy hiểm", đại điện UBND phường này nói.
Theo thống kê của Cục Cảnh sát PCCC (Bộ Công an), năm 2022 cả nước có hơn 1.700 cháy, nổ làm tử vong hơn 100 người. Số vụ hoả hoạn giảm so với năm trước đó nhưng thiệt hại lại tăng cao, trong đó có nhiều vụ cháy rất nghiêm trọng. Theo một lãnh đao Cục Cảnh sát PCCC, hoả hoạn thường bùng phát vào mùa nắng nóng trong đó cháy phế liệu, bãi rác chiếm tỉ lệ cao.
Việc đốt rác, phế liệu tự phát rất nguy hiểm do đa số là vật liệu dễ bắt lửa như nhựa, múp xốp của sofa cũ, vải, giấy, lốp xe cũ khi cháy phát ra nhiều khí độc và lan rất nhanh. Lẫn trong rác thường có pin, ác quy hay bình gas mini cũ dễ phát nổ. Các bãi rác, phế liệu thường cháy âm ỉ khiến nhiều người chủ quan, song dễ bùng phát mạnh khi có gió lớn.
Kho phế liệu khoảng 1.000 m2 cháy ngùn ngụt, lửa lan sang hai căn nhà, uy hiếp khu dân cư ở xã An Phú Tây, huyện Bình Chánh, cuối năm 2022. Ảnh: Đình Văn
Trước tình trạng liên tục xảy ra nhiều vụ cháy do đốt rác, cỏ, phế liệu, Phòng Cảnh sát PCCC TP HCM khuyến cáo người dân không tự ý đốt rác khi chưa thu gom, tạo khoảng cách an toàn, khi đốt phải có sự giám sát. Theo Nghị định 167/2013, người tự ý đốt rác, chất thải tại khudân cư, nơi công cộng bị phạt 1-2 triệu đồng.