Mục tiêu của dự án nhằm giảm khí thải carbon trong bầu khí quyển và sinh lợi nhuận.
Restore Fund (hay còn gọi là Quỹ phục hồi), do Apple phối hợp triển khai cùng Cơ quan Bảo tồn quốc tế và Tập đoàn tài chính Goldman Sachs. Đây là nỗ lực nhằm loại bỏ một triệu tấn carbon dioxide khỏi bầu khí quyển mỗi năm, tương đương với lượng khí thải do khoảng hơn 200 nghìn phương tiện chở khách hằng năm thải ra. Dự án này đã chứng minh với các tập đoàn khác về khả năng thu lợi nhuận từ đầu tư vào môi trường.
Lisa Jackson, Phó Chủ tịch phụ trách các sáng kiến về môi trường, chính sách và xã hội của Apple cho biết, đầu tư vào thiên nhiên là khoản đầu tư có lợi và chính thiên nhiên đã có đầy đủ các công cụ cần thiết để giảm thiểu lượng carbon trong khí quyển.
Quỹ phục hồi sẽ tạo ra nhiều lợi nhuận bằng cách đầu tư vào phát triển và bảo tồn các “khu rừng làm việc” (những khu rừng được quản lý chặt chẽ để tạo ra doanh thu từ nhiều nguồn, bao gồm sản xuất gỗ bền vững và các dịch vụ hệ sinh thái khác) bền vững, vừa loại bỏ carbon khỏi bầu khí quyển khi chúng phát triển, vừa sản xuất cây làm vật liệu xây dựng, giấy và các mục đích sử dụng khác. Nhà sản xuất iPhone cho biết, kể từ năm 2017, bao bì của Apple được làm hoàn toàn bằng sợi gỗ nguyên sinh từ các khu rừng này, cùng loại mà hãng sẽ đầu tư thông qua quỹ.
Apple cho biết, tập đoàn tài chính Goldman Sachs sẽ đóng vai trò quản lý quỹ và bảo đảm các dự án được quỹ tài trợ phải tuân theo các tiêu chuẩn nghiêm ngặt về môi trường và xã hội. Quỹ phục hồi được xây dựng dựa trên các cam kết trước đây của Apple nhằm chống lại biến đổi khí hậu.
Theo Apple, kể từ năm 2018, các cửa hàng bán lẻ, trung tâm dữ liệu và văn phòng của Apple đều chạy bằng 100% năng lượng sạch. Hãng cũng đang thay đổi vật liệu trong sản xuất sang các lựa chọn thân thiện hơn với môi trường. Mục tiêu đến năm 2030, Apple sẽ trung hòa carbon trong mọi hoạt động của mình trên toàn cầu, bao gồm chuỗi cung ứng, quy trình sản xuất và sản phẩm.