Minh Anh ·
1 năm trước
 3600

Australia hỗ trợ phát triển thị trường carbon thông qua 6 dự án lớn

Australia công bố hỗ trợ 6 dự án thúc đẩy sự phát triển của các thị trường carbon tại Việt Nam trong khuôn khổ Nền tảng Đối tác Kinh doanh (BPP), với tổng vốn đầu tư là 3,7 triệu USD.

Giảm phát thải khí nhà kính (KNK) thông qua tài chính carbon được coi là xúc tác thúc đẩy tiếp cận năng lượng tái tạo. Đây cũng là một trong những mục tiêu nhằm tiến tới đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Tại Nghị định 06/2022/NĐ-CP ngày 7/1/2022 quy định lộ trình phát triển thị trường carbon trong nước và thực hiện các dự án trao đổi tín dụng trong nước và quốc tế.

Mới đây, Đại sứ quán Australia đã công bố 6 dự án thúc đẩy sự phát triển của các thị trường carbon tại Việt Nam, trong khuôn khổ Nền tảng Đối tác Kinh doanh (BPP) của Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia (DFAT). Tổng vốn đầu tư các dự án là 3,7 triệu USD, trong đó, DFAT sẽ hỗ trợ 3,3 triệu USD.

Theo đó, các dự án nhằm hỗ trợ khu vực tư nhân thử nghiệm và thí điểm các cách tiếp cận mới trong khuôn khổ thị trường tín chỉ carbon tự nguyện. Mục tiêu nhằm giảm phát thải khí nhà kính, giảm rào cản gia nhập thị trường carbon cho các nhà sản xuất, nâng cao năng lực về thị trường carbon cho các bên liên quan tại Việt Nam.

Công bố 6 dự án thúc đẩy sự phát triển của các thị trường carbon tại Việt Nam, với tổng vốn đầu tư 3,7 triệu USD

Cụ thể, 6 dự án gồm: Thứ nhất, "Khuyến khích sản xuất lúa gạo phát thải thấp thông qua công nghệ vệ tinh” do CarbonFarm Technology, Viện Nghiên cứu Lúa gạo Quốc tế, Rikolto và DFAT hợp tác thực hiện. Dự án sẽ đào tạo và hỗ trợ các đơn vị sản xuất lúa gạo chuyển sang thực hành phát thải thấp hơn, đồng thời thí điểm giải pháp Đo lường, Báo cáo và Xác minh (MRV) dựa vào vệ tinh đầu tiên trên thế giới cho lúa gạo. MRV vệ tinh sẽ tận dụng những tiến bộ trong công nghệ viễn thám để phát hiện các thực hành bền vững và ước tính chính xác mức giảm phát thải từ hình ảnh vệ tinh. Viện Nghiên cứu Lúa gạo Quốc tế đang cung cấp tư vấn khoa học và hỗ trợ kiểm soát dữ liệu tại chỗ, nhằm đảm bảo dự án đạt được mức giảm phát thải mong muốn.

Thứ hai, “Mở rộng tiếp cận thị trường carbon cho các nhà sản xuất lúa gạo bền vững” do Viện Nghiên cứu Lúa gạo Quốc tế, Gold Standard và DFAT hợp tác thực hiện. Dự án tạo ra nền tảng số giúp đơn giản hóa quá trình đăng ký và đánh giá các dự án giảm nhẹ phát thải khí nhà kính từ sản xuất lúa gạo theo phương pháp mới; cung cấp các công cụ đào tạo và nâng cao năng lực để hướng dẫn áp dụng rộng rãi các phương pháp và nền tảng; đồng thời, hỗ trợ các nhà sản xuất lúa gạo quy mô nhỏ tham gia thị trường carbon.

Thứ ba, “Thúc đẩy các dự án carbon dựa vào thiên nhiên” do NatureCo, One Tree Planted, Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên và Phát triển, Cooper Energy và DFAT hợp tác thực hiện. Dự án sẽ đánh giá cơ hội cho các Giải pháp dựa vào thiên nhiên (NbS) trên phạm vi cả nước; phối hợp với các tổ chức địa phương để xây dựng và phát triển một dự án NbS thí điểm, tập trung giảm thiểu carbon thông qua trồng rừng. Những bài học kinh nghiệm sẽ được sử dụng để xây dựng bộ công cụ và tạo đà cho tăng trưởng trong tương lai và đầu tư của khu vực tư nhân vào NbS tại Việt Nam.

Thứ tư, “Trồng cây vùng cao để tạo thu nhập và hấp thụ carbon” do Greenfield Consulting and Development, Đại học Queensland, Trung tâm Khoa học Lâm nghiệp Tây Bắc và DFAT hợp tác thực hiện. Dự án sẽ tạo ra tín chỉ carbon bằng cách trồng cây lấy gỗ, cây ăn quả kết hợp lấy gỗ trên đất dốc ở tỉnh Sơn La. Dự án đặt mục tiêu trồng 100.000 cây xanh và tạo ra ít nhất 300.000 tín chỉ carbon (tương đương 300.000 tấn CO2), đồng thời, cải thiện sinh kế địa phương và bảo vệ môi trường.

Thứ năm, “Than sinh học để loại bỏ carbon và cải thiện sinh kế” do Biocare Projects, EnergyLink Services, Đại học Adelaide, Đại học Bách Khoa Thành phố Hồ Chí Minh, Mai Anh Đồng Tháp và DFAT hợp tác thực hiện. Dự án sẽ sản xuất than sinh học ở đồng bằng sông Cửu Long nhằm loại bỏ khoảng 15.000 tấn CO2 tương đương hàng năm, tạo ra nguồn thu nhập mới cho cộng đồng địa phương thông qua việc thu mua nguyên liệu sinh khối và bán tín chỉ carbon.

Thứ sáu, “Thúc đẩy các giải pháp dựa vào thiên nhiên thông qua các dự án trồng rừng carbon” do South Pole, Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng năng lượng và môi trường Việt Nam (VNEEC) và DFAT phối hợp thực hiện. Dự án sẽ tạo môi trường thuận lợi cho các dự án REDD+ có thẩm quyền và lồng ghép, sử dụng mô hình dự án trồng rừng hiện có ở Tây Bắc; tăng cường năng lực cho các cá nhân và tổ chức để triển khai các dự án carbon, thông qua hỗ trợ, đào tạo và hỗ trợ kỹ thuật tại chỗ - tạo nền tảng bền vững cho quản lý rừng và các dự án carbon trong tương lai.

Theo Đại biện lâm thời Đại sứ quán Australia Mark Tattersall, Australia mong muốn cùng Việt Nam và khu vực đạt được các mục tiêu chung khi ứng phó với những thách thức của biến đổi khí hậu. Các dự án quan hệ đối tác thị trường carbon trong khuôn khổ chương trình BPP là một phần cam kết của Australia nhằm tăng cường hỗ trợ hành động khí hậu trong khu vực của chúng tôi, bao gồm các dự án quan hệ đối tác khí hậu để đem lại lợi ích xã hội và môi trường cho cộng đồng.

Theo ông Lương Quang Huy, Trưởng phòng Giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozone (Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường), Việt Nam cam kết đến năm 2030 cắt giảm 9% phát thải khí nhà kính và sẽ đạt 27% với sự hỗ trợ của quốc tế. Cam kết này sẽ cần được cập nhật vào năm 2022 để phù hợp với mục tiêu đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.

Để tiến tới phát thải ròng bằng “0” (Net zero), theo Viện Năng lượng, về hình thành thị trường carbon, Việt Nam cam kết với nguồn lực trong nước, đến năm 2030 sẽ giảm 9% tổng lượng phát thải khí nhà kính so với kịch bản phát thải thông thường (BAU). Mức độ cam kết này có thể tăng lên 27% nếu nhận được sự hỗ trợ từ quốc tế. Luật Bảo vệ môi trường 2020, tổ chức và phát triển thị trường carbon (Điều 139), theo đó thị trường carbon trong nước bao gồm các hoạt động trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon thu được từ cơ chế trao đổi, bù đắp trong nước và quốc tế.