Đinh Hà ·
3 năm trước
 3347

3 đề nghị khẩn cấp để bảo đảm An ninh lương thực cho Châu Phi

Theo FAO và WFP nhận định, khí hậu cực đoan và các cú sốc về kinh tế (liên quan nhiều đến đại dịch Covid-19)..., là những tác động chính dẫn đến tình trạng mất an ninh lương thực ở nhiều quốc gia.

Báo cáo mới đây của Chương trình Lương thực thế giới (WFP) và Tổ chức Nông Lương Liên Hợp Quốc (FAO) công bố cho thấy, người dân tại “23 điểm nóng về nạn đói” sẽ phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng trong 4 tháng tới.

Theo đó, 23 điểm nóng này bao gồm: Afghanistan, Angola, Trung Phi, Central Sahel, Chad, Colombia, Congo, Ethiopia, El Salvador, Honduras, Guatemala, Haiti, Kenya, Lebanon, Madagascar, Mozambique, Myanmar, Nigeria, Sierra Leone, Liberia, Somalia, South Sudan, Syria, Yemen.

đảm bảo an ninh lương thực châu phi

Ước tính có khoảng hơn 400 nghìn người tại Ethiopia sẽ phải đối mặt với tình trạng thảm khốc vào tháng 9 tới. (Ảnh: AFP)

Báo cáo nhấn mạnh rằng, xung đột, khí hậu cực đoan và các cú sốc về kinh tế (trong đó liên quan nhiều đến đại dịch Covid-19) là những tác động chính dẫn đến tình trạng mất an ninh lương thực ở nhiều quốc gia. Trong khi đó, những hạn chế về tiếp cận nhân đạo cũng là một yếu tố khiến tình trạng trên trở nên trầm trọng.

Đặc biệt, Ethiopia và Madagascar là những điểm nóng mới nhất trên thế giới về nạn đói với mức cảnh báo cao nhất. Trong đó, Ethiopia phải đối mặt với tình trạng khẩn cấp về lương thực nghiêm trọng liên quan đến xung đột đang diễn ra ở vùng Tigray. Ước tính có khoảng hơn 400 nghìn người sẽ phải đối mặt với tình trạng thảm khốc vào tháng 9 tới - con số cao nhất ở một quốc gia kể từ nạn đói năm 2011 ở Somalia.

Trong khi đó, ở miền nam Madagascar, đợt hạn hán tồi tệ nhất trong 40 năm kết hợp với giá lương thực tăng, bão cát và sâu bệnh ảnh hưởng đến các cây trồng chủ lực  dự kiến sẽ đẩy 28.000 người vào tình trạng giống như nạn đói vào cuối năm nay. 

Theo ước tính của WFP, khoảng 14.000 người đang trong tình trạng vô cùng thảm khốc do nạn đói và dự báo, con số này sẽ tăng gấp 2 lần vào tháng 10/2021. “Hàng nghìn người ở miền Nam Madagascar đã phải rời bỏ nhà cửa để tìm kiếm thức ăn, trong khi những người muốn ở lại phải sống nhờ vào cỏ dại, những quả xương rồng đỏ và cào cào trong nhiều tháng qua”, WFP cho biết.

Giám đốc điều hành Chương trình Lương thực Thế giới của Liên Hợp Quốc (WFP) David Beasley nhận định: "Biến đổi khí hậu là nguyên nhân khiến cuộc khủng hoảng lương thực ở Madagascar trở nên nghiêm trọng hơn. Tôi đã gặp nhiều phụ nữ và trẻ em phải chiến đấu với thần chết để giữ lấy mạng sống của họ. Họ phải đi bộ hàng giờ đồng hồ để đến điểm phân phát lương thực của chúng tôi. Người dân đang đối mặt với nạn đói nghiêm trọng, nguyên nhân không phải do chiến tranh hay xung đột, mà chính là vì biến đổi khí hậu. Mặc dù Madagascar không phải là nước gây ra những tác động vào biến đổi khí hậu, nhưng người dân ở quốc gia này lại đang phải trả cái giá đắt nhất".

Ngoài ra, các cảnh báo mới nhất cũng được đưa ra cho Nam Sudan, Yemen và miền bắc Nigeria, những nơi vẫn nằm trong số các điểm nóng về mất an ninh lương thực nghiêm trọng được quan tâm nhất trên toàn cầu.

Trước đó, FAO và WFP đã từng cảnh báo rằng, khoảng 41 triệu người ở 43 quốc gia trên thế giới có nguy cơ đứng trước bờ vực của nạn đói. Đồng thời sẽ cần khoảng 6 tỉ USD để cung cấp thực phẩm và hỗ trợ dinh dưỡng cho 139 triệu người trong năm 2021. Theo báo cáo toàn cầu về khủng hoảng lương thực, năm 2020 chứng kiến 155 triệu người phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực tại 55 quốc gia. Con số này đã tăng thêm 20 triệu người so với năm 2019 và dự báo sẽ xấu hơn trong năm nay.

Trong bối cảnh đó, Giám đốc điều hành WFP David Beasley lên tiếng cảnh báo rằng: " Nạn đói do xung đột, chiến tranh và càng trầm trọng hơn bởi các cú sốc khí hậu, đại dịch Covid-19 đang gõ cửa hàng triệu gia đình. Chúng tôi đề nghị khẩn cấp ba vấn đề để ngăn chặn tình trạng hàng triệu người chết vì đói: Chiến sự phải dừng lại, chúng tôi phải được phép tiếp cận các cộng đồng dễ bị tổn thương để cung cấp sự hỗ trợ cần thiết và trên hết, chúng tôi cần hỗ trợ 5,5 tỉ USD cho nhu cầu trong năm nay".

Ngoài ra, báo cáo cũng khuyến nghị các hành động cấp thiết tại mỗi điểm nóng về nạn đói để giải quyết nhu cầu hiện tại và tương lai, như mở rộng quy mô hỗ trợ lương thực và dinh dưỡng, cung cấp hạt giống chịu hạn, phục hồi các công trình tích trữ nước…

Nguồn