PN ·
2 năm trước
 2929

Bà Rịa – Vũng Tàu: Cụm công nghiệp ‘đắp chiếu’ gần 20 năm xin chuyển thành dự án nhà ở

Cụm công nghiệp Hồng Lam (phường Kim Dinh, TP. Bà Rịa) dù được gia hạn vẫn chậm tiến độ và từng bị Sở Công Thương tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đề nghị xoá bỏ nhưng chủ đầu tư hiện đang xin chuyển đổi thành dự án nhà ở.

Dự án "treo” gần 20 năm

Ngày 15/3/2022, ông Nguyễn Công Vinh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu ký công văn gửi Sở KH&ĐT và Công ty Cổ phần Hồng Lam Kim Dinh về việc chuyển đổi dự án Cụm công nghiệp Hồng Lam tại TP. Bà Rịa thành dự án nhà ở.

Trước đó, ngày 22/2/2022, Công ty Cổ phần Hồng Lam Kim Dinh có văn bản gửi UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đề nghị được chuyển đội dự án Cụm công nghiệp Hồng Lam thành dự án nhà ở.

Trước đề nghị của doanh nghiệp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu yêu cầu Sở KH&ĐT khẩn trương triển khai thực hiện tham mưu trình UBND tỉnh xử lý kiến nghị của nhà đầu tư theo quy định.

Hồi tháng 5/2021, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cũng từng có văn bản yêu cầu các Sở, ngành rà soát lại nguồn gốc đất đai, tính pháp lý liên quan đến dự án Cụm công nghiệp Hồng Lam để xem xét kiến nghị chuyển đổi dự án thành nhà ở.

Được biết, Cụm công nghiệp Hồng Lam đã được UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cấp giấy phép đầu tư xây dựng cho Công ty Cổ phần Thương mại và xây dựng Hồng Lam vào năm 2006 với diện tích 30 ha. Theo cam kết của nhà đầu tư, dự án sẽ hoàn thiện và đi vào hoạt động trong vòng 2 năm sau khi được cấp phép.

Tháng 11/2006, Công ty Cổ phần Thương mại và xây dựng Hồng Lam đã làm lễ động thổ xây dựng. Tuy nhiên, sau khi khởi công xây dựng nhiều năm, Cụm công nghiệp Hồng Lam vẫn chưa đi vào hoạt động.

Đến năm 2013, Sở Công Thương tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu chính thức có văn bản gửi UBND tỉnh, đề nghị loại bỏ 12 dự án cụm công nghiệp ra khỏi quy hoạch do không triển khai theo đúng tiến độ đã được phê duyệt, trong đó có dự án Cụm công nghiệp Hồng Lam.

Trong văn bản này, Sở Công Thương tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đưa ra nhiều nguyên nhân cho việc chậm tiến độ ở 12 dự án cụm công nghiệp như những bất cập về thủ tục hành chính và khó khăn trong đền bù giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên, theo nhận định của Sở Công Thương tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, nguyên nhân chính là do các doanh nghiệp đã và đang phải chịu ảnh hưởng nặng nề từ sự suy thoái kinh tế toàn cầu.

Tình hình tài chính khó khăn khiến các nhà đầu tư không đủ vốn hoặc không bố trí được vốn nên không thể triển khai dự án xây dựng hạ tầng cụm công nghiệp theo đúng tiến độ. Đối với những cụm công nghiệp đã đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng thì cũng rất khó có thể lấp đầy do nhu cầu thuê mặt bằng trong các khu công nghiệp giảm mạnh, các doanh nghiệp đều phải tính toán, cơ cấu lại danh mục đầu tư, tạm dừng việc mở rộng hay đầu tư dự án mới.

Việc các cụm công nghiệp đã được quy hoạch trở thành những “quy hoạch treo” trong thời gian dài đã gây nhiều bức xúc trong dư luận do ảnh hưởng không ít đến đời sống sinh hoạt và quyền lợi kinh tế của những hộ dân nằm trong vùng quy hoạch. Kỳ họp HĐND các cấp thường xuyên ghi nhận kiến nghị của cử tri về việc cần phải xóa bỏ “quy hoạch treo”.

Sở Công Thương tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho rằng, việc loại bỏ 12 cụm công nghiệp ra khỏi quy hoạch trong thời điểm này để xóa bỏ tình trạng quy hoạch treo không ảnh hưởng đến nhu cầu đầu tư và nhu cầu phát triển ngành công nghiệp của tỉnh, đồng thời tháo gỡ được khó khăn cho người dân.

Được gia hạn nhưng vẫn chậm tiến độ

Sau đề nghị chính thức của Sở Công Thương tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, dự án Cụm công nghiệp Hồng Lam vẫn được UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu giữ lại cho Công ty Cổ phần Thương mại và Xây dựng Hồng Lam thực hiện.

Theo báo cáo của Công ty Cổ phần Thương mại và Xây dựng Hồng Lam tại thời điểm trước năm 2014, đơn vị đã ký hợp đồng với Công ty Vabis để xây dựng khu nhà xưởng sản xuất vật liệu xây dựng và đồ trang trí nội thất, song không biết vì lý do gì hợp đồng lại không được triển khai.

Đến năm 2016, UBND TP. Bà Rịa tiếp tục phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết 1/500 của Cụm công nghiệp Hồng Lam để phù hợp với tình hình thực tế, đáp ứng nhu cầu thu hút đầu tư.

Nhưng trong báo cáo của UBND TP. Bà Rịa hồi tháng 8/2017 thể hiện nội dung, sau khi được phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết 1/500, tiến độ triển khai dự án Cụm công nghiệp Hồng Lam vẫn rất chậm. Đến thời điểm này, dự án mới hoàn thành việc san lấp mặt bằng, thi công phần nền hạ đường nội bộ trục chính, một số đường nhỏ, xây bờ kè, hàng rào lưới thép, cổng trượt, nhà bảo vệ…

Trước tình trạng đó, UBND TP. Bà Rịa đã yêu cầu chủ đầu tư phải đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng dự án để sớm có mặt bằng thu hút dự án thứ cấp. Nếu đến hết năm 2017, chủ đầu tư không hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật và thu hút các dự án thứ cấp đạt 30 % đất công nghiệp của Cụm công nghiệp, TP.Bà Rịa sẽ đề xuất UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu thu hồi chủ trương đầu tư.

Đến tháng 10/2018, ông Lê Quốc Tuấn – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu tiếp tục ký văn bản sô 10266/UBND-VP về việc điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư dự án Cụm công nghiệp Hồng Lam, gia hạn tiến độ thực hiện dự án. Tỉnh yêu cầu nhà đầu tư phải xây dựng hoàn tất các hạng mục công trình và đưa vào hoạt động trong tháng 12/2019.

Trong văn bản số 10266/UBND-VP của UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cũng nêu rõ: Sau 12 tháng kể từ ngày được chấp thuận giãn tiến độ thực hiện dự án mà nhà đầu tư không thực hiện hoặc không có khả năng thực hiện dự án theo đúng tiến độ đăng ký với cơ quan ký đầu tư, dự án Cụm công nghiệp Hồng Lam sẽ bị chấm dứt hoạt động theo quy định tại Điều 48, Luật Đầu tư 2014.

Mặc dù vậy, đến nay chủ đầu tư vẫn chưa thể đưa dự án đi vào hoạt động như cam kết. Nhưng không hiểu sao, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu lại chưa có kế hoạch thu hồi, chấm dứt hoạt động dự án.

Được biết, hiện dự án Cụm công nghiệp Hồng Lam lại đang được đề nghị chuyển đổi thành dự án khu nhà ở. Công ty Cổ phần Thương Mại và Đầu tư Hồng Lam cũng chuyển đổi thành Công ty Cổ phần Hồng Lam Kim Dinh để thực hiện các vấn đề liên quan đến dự án này.

Chính phủ yêu cầu xử lý nghiêm dự án treo, không để nguồn lực đất đai "nằm chờ"

Đầu năm 2022, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Chỉ thị số 01/CT-TTg về việc đôn đốc, thực hiện nhiệm vụ sau kỳ nghỉ Tết. Trong đó, Thủ tướng chỉ đạo Bộ TN&MT đôn đốc các địa phương rà soát, báo cáo thực trạng các dự án có sử dụng đất nhưng chậm triển khai, để hoang hóa, sử dụng sai mục đích, lãng phí đất đai.

Trường hợp có phát sinh vướng mắc hoặc vượt thẩm quyền, Bộ TN&MT báo cáo đề xuất Thủ tướng Chính phủ phương án xử lý, đưa quỹ đất vào sử dụng hiệu quả, giải phóng nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội.

Ngày 31/12/2021, tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022 của ngành TN&MT, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành nhận xét, hiện nay số lượng dự án tồn đọng cần xử lý ở các địa phương rất lớn. Các dự án treo, dự án sử dụng đất sai mục đích còn nhiều, trong đó nhiều dự án chiếm vị trí đất lợi thế, đắc địa nhưng hiện nay chưa tháo gỡ được. 

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đề nghị, trong năm 2022 Bộ TN&MT rà soát kỹ, phân nhóm dự án chậm tiến độ để có phương án xử lý dứt điểm.

“Dự án vi phạm pháp luật thì xử lý nghiêm minh đúng quy định, tránh tình trạng vụ việc kéo dài, khắc phục không được, khiến hàng ngàn ha đất ở các khu đô thị để chờ hàng chục năm, lãng phí rất lớn. Tôi cho rằng đây là nhiệm vụ mà ngành TN&MT cần tham mưu xử lý để sớm đưa nguồn lực lớn này vào phục vụ phát triển”, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu.

Nguồn: Kinh tế Môi trường