TM ·
1 năm trước
 4700

Bà Rịa – Vũng Tàu lập đoàn thanh tra toàn diện tình hình quản lý đất đai, xây dựng

Trước tình trạng phân lô tách thửa, làm đường giao thông trên đất nông nghiệp trái phép thời gian qua, UBND tỉnh BR-VT đã ban hành nhiều văn bản, chỉ đạo các sở, ngành và địa phương siết chặt công tác quản lý sử dụng đất đai, xây dựng.

Trên cơ sở báo cáo của Sở Xây dựng và Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) liên quan đến phân lô lô tách thửa, làm đường giao thông trên đất nông nghiệp, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu (BR-VT) đã ban hành văn bản số 4075/UBND-VP  chỉ đạo về việc siết chặt công tác quản lý vấn đề này.

Theo đó, UBND tỉnh BR-VT yêu cầu Sở TN&MT chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng, Sở Tư pháp, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các sở ngành liên quan khẩn trương thành lập đoàn thanh tra kiểm tra tình hình quản lý đất đai, xây dựng, tình hình vi phạm và xử lý vi phạm tại các huyện, thị xã, thành phố theo chỉ đạo của UBND tỉnh tại Thông báo số 137/TB-UBND; có biện pháp xử lý, chế tài đối với các tổ chức, cá nhân tổ chức thi công xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật mà chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp phép; báo cáo kết quả thực hiện về UBND tỉnh trước ngày 20/04/2022.

Bà Rịa – Vũng Tàu lập đoàn thanh tra toàn diện tình hình quản lý đất đai, xây dựng - Ảnh 1
Khu đất làm đường trái phép và giao bán như dự án bất động sản tại huyện Đất Đỏ gây bức xúc dư luận thời gian qua.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh BR-VT cũng yêu cầu các Sở, ngành và địa phương khẩn trương đánh giá tình hình thực hiện Quyết định số 15/2021/QĐ-UBND ngày 29/09/2021 theo chỉ đạo của UBND tỉnh tại Thông báo số 137/TB-UBND; làm rõ các phản ánh liên quan đến điều kiện để được tách thửa và các tồn tại hiện nay (nếu có), tham mưu UBND tỉnh gửi Ban Tuyên giao Tỉnh ủy để thông tin, tuyên truyền cho người dân được biết, thực hiện đúng quy định pháp luật.

Kiểm soát chặt chẽ việc khai thác, sử dụng đất sau khi thực hiện thủ tục tách thửa đất, nhằm hạn chế sử dụng đất không đúng mục đích và xây dựng trái pháp luật.

Thường xuyên theo dõi, chủ động phát hiện, ngăn chặn, phòng ngừa, đồng thời kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, kể cả trường hợp cán bộ, công chức, viên chức lợi dụng chức vụ, quyền hạn để tiếp tay, bao che cho các hành vi vi phạm.

Trước đó, báo chí đã có nhiều thông tin phản ánh về tình trạng làm đường trên đất nông nghiệp trái quy định trên địa bàn tỉnh BR-VT. Đặc biệt, vào khoảng cuối tháng 3/2022, trên mạng xã hội xuất hiện clip nam thanh niên "cho đất ăn tiền" gây xôn xao dư luận. Vào cuộc điều tra, cơ quan chức năng xác định nam thanh niên là một nhân viên môi giới bất động sản. Khu đất xuất hiện trong clip do bà Nguyễn Thị Th. đứng tên ở thị trấn Đất Đỏ, huyện Đất Đỏ.

Đồng thời, khu đất này có mục đích sử dụng là đất trồng cây hằng năm. Đây không phải là dự án bất động sản. Chủ đất đã tự ý triển khai mở một lối đi tạm từ trục đường Lê Văn Một hiện hữu vào khu đất. Bên trong khu đất này cũng được chủ đất mở đường giao thông, hiện đã tiến hành rải thảm, đá, tạo thành 3 con đường trên đất. Ngay sau khi nắm được thông tin báo chí phản ánh, lãnh đạo huyện Đất Đỏ đã  giao Công an huyện làm việc và xử lý nghiêm đối với hành vi của nam thanh niên trên.

Đến ngày 25/3, UBND tỉnh có công văn hỏa tốc gửi Sở TN-MT, UBND huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh liên quan đến phân lô, tách thửa, làm đường giao thông trên đất nông nghiệp. Theo đó, UBND tỉnh BR-VT giao giao Sở TN-MT phối hợp cùng UBND các huyện, thị xã, thành phố và các sở, ngành liên quan xử lý khi có sai phạm đối với đơn vị, các cá nhân tách thửa phân lô đất nông nghiệp; rà soát các trường hợp hình thành lối đi, đường mòn tự phát, xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp sau khi được tách thửa để có căn cứ xử lý nghiêm theo quy định.

Đồng thời báo cáo kết quả triển khai thực hiện quy định về điều kiện tách thửa, hợp thửa đất và diện tích tối thiểu được tách thửa đối với từng loại đất trên địa bàn tỉnh. Qua đó đề xuất giải pháp quy định tách thửa đất nông nghiệp để kiểm soát, không để tình trạng lợi dụng tách thửa phân lô đất nông nghiệp. Ngoài ra, rà soát các trường hợp xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp sau khi được tách thửa, báo cáo kết quả xử lý các sai phạm từ 1/6/2021 đến nay.

UBND tỉnh BR-VT cũng yêu cầu UBND huyện Đất Đỏ báo cáo, làm rõ và xử lý dứt điểm khi có sai phạm của đơn vị, cá nhân liên quan nội dung làm đường giao thông trên đất nông nghiệp, từ phản ánh của báo chí.

Có hay không việc buông lỏng quản lý?

Chia sẻ về hệ lụy và giải pháp trước tình trạng “bát nháo” trong việc phân lô, tách thửa, làm đường giao thông trên đất nông nghiệp với Phóng viên Kinh tế Môi trường, ông Nguyên Duy Thành – Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Quản lý nhà Toàn cầu (Global Home) cho biết: “Việc xử lý phân lô tách thửa, đầu tiên phải xem lại công tác quản lý địa bàn của địa phương, khi triển khai phương án tách thửa thì sẽ có câu chuyện là tại sao một số nhà dân làm đường đi chung lại bị gây khó khăn, nhưng đất nông nghiệp mà triển khai giống như dự án bất động sản thì lại không ai biết? Như vậy, chính sự quản lý lỏng lẻo tạo ra khó khăn. Về nguyên tắc, tất cả các chủ đầu tư hay các nhà môi giới họ phải làm đúng theo quy định pháp luật hiện hành. Nếu mà làm đường giao thông rồi phân lô mà không đúng thì không được phép thì sự việc Alibaba là một ví dụ rất điển hình.

Khi người dân, nhà đầu tư mua phải những lô đất được phân lô, tách thửa và làm đường giao thông trên đất nông nghiệp thì sẽ có rủi ro về mặt pháp lý như: khu đất sẽ khó hình thành về mặt chủ quyền, gây mất cân đối về việc đầu tư cũng như những sai lầm trong việc đầu tư,…

Để hạn chế tình trạng phân lô tách thửa, làm đường giao thông trên đất nông nghiệp rồi rao bán như dự án bất động sản thì cơ quan chức năng cần tăng cường việc thực hiện kiểm tra, giám sát, công khai thông tin quy hoạch, dự án tại trụ sở UBND xã, phường, cắm những biển cảnh báo tại nơi có những dự án, tuyến đường, khu phố đang vi phạm về phân lô bán nền trên đất nông nghiệp thì như vậy người mua dễ tính toán trong thông tin dự án đó là quyết định mua hay không mua… Từ đó sẽ hiệu quả hơn và giúp các nhà đầu tư sẽ cẩn thận hơn trước khi thực hiện giao dịch”.

Thanh Tùng

Nguồn: Kinh tế Môi trường