Từ thành phố Bắc Giang, theo đường tỉnh lộ 293, chúng tôi tìm đến trang trại nuôi động vật rừng của gia đình anh Phạm Văn Hùng, trú tại thôn Nghĩa An, xã Nghĩa Phương, huyện Lục Nam. Đón chúng tôi, anh Hùng nhanh tay pha trà mời khách, rồi dẫn chúng tôi vào tham quan trang trại nuôi động vật rừng của gia đình.
Trang trại là một khu nhà được xây dựng kiên cố, khép kín, cao ráo, có mái che nắng mưa, tổng diện tích rộng hơn 1.000 m2. Được anh Hùng lắp vài chiếc quạt thông gió công nghiệp có công suất lớn, giúp làm mát, loại bỏ khí nóng bên trong, cung cấp khí tươi, oxy từ bên ngoài vào. Qua đó, trang trại luôn có nhiệt độ ổn định, tạo môi trường trong lành cho động vật rừng sinh sản, sinh trưởng.
Anh Phạm Văn Hùng (bên phải) trao đổi kinh nghiệm nuôi loài dúi má vàng với khách đến mua dúi tại trang trại.
Anh Hùng cho biết, trang trại hiện đang nuôi sinh sản, nuôi sinh trưởng trên 1.000 cá thể dúi má vàng và dúi mốc đại. Ngoài ra còn nuôi sinh sản, nuôi sinh trưởng hàng trăm cá thể hai loài cầy vòi mốc và don. Nuôi dúi không giống như nuôi gia súc hay gia cầm.
Khi nuôi đòi hỏi quy trình chăm sóc phải nghiêm ngặt hơn như, thức ăn phải khô ráo, không ẩm ướt; không ôi, thiu. Bên cạnh đó, chuồng trại phải thông thoáng, mát, nhiệt độ chuồng vừa phải; cần thường xuyên vệ sinh ô chuồng sạch sẽ, phun khử trùng 1 tháng/lần thì đàn dúi sẽ không bị mắc bệnh ngoài ra, nhiễm khuẩn, viêm phổi hay bị bệnh tiêu chảy.
Dúi má vàng tại trại nuôi của anh Phạm Văn Hùng.
Chuồng nuôi dúi được thiết kế đơn giản, không tốn nhiều diện tích, với hàng trăm ô chuồng nhỏ, gia đình anh dùng gạch lát nền gắn lại với nhau, kích thước cao 60 x 60cm/ô xếp sát nhau. Trong mỗi ô chuồng là một cặp dúi giống, dúi thương phẩm hoặc vài cá thể dúi con mới được tách đàn.
Cũng theo anh Hùng, khi chọn dúi giống để nuôi sinh sản, đối với dúi cái, cần chọn những cá thể càng nhiều vú càng tốt (nhiều nhất là 8 vú); bởi, theo kinh nghiệm, những cá thể này mỗi lứa sẽ đẻ nhiều con, khi được chăm tốt, sẽ có nhiều sữa để cho con bú. Còn đối với dúi đực, cần chọn những cá thể đầu to, thân dài và có hạt cà to; một cá thể dúi đực có thể ghép với 4 - 5 cá thể dúi cái. Với những đặc điểm trên, khi được chọn để ghép, phối dúi mới sinh sản tốt và nhân đàn nhanh.
Dúi cái nuôi từ 7 - 8 tháng tuổi sẽ động dục. Thời gian sinh sản của dúi rất ngắn, kể từ khi giao phối đến khi sinh sản khoảng 45 ngày, một năm sinh sản 2 lứa, mỗi lứa đẻ từ 3 - 8 cá thể dúi con.
Dúi con được khoảng 60 ngày thì tách mẹ. Sau khi tách mẹ khoảng 15 ngày, phải cho dúi con ăn bổ sung thêm ngô non; bởi, ngô non có nhiều chất dinh dưỡng. Thời gian tách đàn dúi con, ghép đôi bố mẹ phải phù hợp. Nếu dúi con tách mẹ sớm sẽ chậm phát triển, còn tách muộn sẽ làm gián đoạn vòng sinh sản của dúi mẹ.
Anh Phạm Văn Hùng đang chăm sóc loài dúi mốc đại tại trại nuôi.
Anh Hùng chia sẻ: “Dúi là loài gặm nhấm, ưa sống trong bóng tối, thức ăn chủ yếu là thân cây tre, mía, ngô, khoai, sắn. Dúi má vàng khi trưởng thành, có cân nặng từ 4 - 5 kg/cá thể.
Còn dúi mốc đại khi trưởng thành, có cân nặng từ 3 - 4 kg/cá thể. Trung bình, mỗi các thể dúi trưởng thành ăn tổng chi phí khoảng từ 1.000 - 1.500 đồng/ngày.
Hiện nay, dúi má vàng thương phẩm giá bán từ 800.000 - 850.000 đồng/kg, dúi mốc đại thương phẩm từ 600.000 - 650.000 đồng/kg. Đối với dúi giống, mỗi cặp (1 cá thể đực, 1 cá thể cái) dúi má vàng có trọng lượng từ 0,3 - 0,6kg/cá thể, giá 2.500.000 đồng/cặp; mỗi cặp dúi mốc đại có trọng lượng từ 0,5 - 0,7kg/cá thể, giá 600.000 đồng/cặp.
Nhiều thương lái, chủ nhà hàng hay người dân tìm đến tận trang trại để mua dúi về gây nuôi sinh sản, nuôi sinh trưởng hoặc bán cho các nhà hàng ăn uống trên địa bàn trong tỉnh; hiện nay, khi đại dịch Covit-19 đã được kiểm soát, thị trường tiêu thụ dúi đã mở rộng ra các tỉnh khác như Bắc Ninh, Hà Nội, Lạng Sơn, nhưng cũng không đủ nguồn hàng để cung cấp cho khách hàng.
Năm vừa qua, mặc dù có tác động của đại dịch Covit-19, nhưng riêng đối với dúi má vàng và dúi mốc đại, gia đình tôi vẫn thu lãi khoảng 300 triệu đồng. Ngoài ra, còn tạo công ăn việc làm ổn định cho 3 lao động, với mức lương thu nhập 10 triệu đồng/người/tháng”.
Thịt dúi là một đặc sản, chứa nhiều dinh dưỡng, lại lạ miệng nên thu hút thực khách tại các nhà hàng, dù giá đắt đỏ. Vậy nên, nhu cầu tiêu thụ ngày càng tăng, nhiều người dân đã tìm ra hướng chăn nuôi mới này để nuôi dúi thương phẩm cung cấp cho nhà hàng. Chính vì vậy, mô hình chăn nuôi độc lạ này đã hình thành và đang phát triển ở một số địa phương.
Chăn nuôi động vật hoang dã nói chung và loài dúi nói riêng phải đảm bảo nguồn gốc hợp pháp và có hồ sơ chứng minh nguồn gốc hợp pháp theo quy định của pháp luật.
Chuồng, trại xây dựng phù hợp với đặc tính của loài nuôi; bảo đảm các điều kiện an toàn cho người và vật nuôi, vệ sinh môi trường, phòng ngừa dịch bệnh. Trong quá trình nuôi, đối với động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm phải đăng ký và được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp mã số cơ sở nuôi theo quy định.
Phải thường xuyên ghi chép, cập nhật đầy đủ sự biến động tăng, giảm số cá thể đang chăn nuôi vào sổ theo dõi và định kỳ báo cáo, chịu sự kiểm tra, giám sát của các cơ quan liên quan. Ngoài ra, để đảm bảo nguồn gốc lâm sản phợp pháp, chủ cơ sở cũng phải thực hiện đánh dẫu mẫu vật đối với loài nguy cấp, quý, hiếm và ghi chép thông tin đánh dấu vào sổ theo dõi đánh dấu mẫu vật theo quy định.
“Dúi là loài vật dễ nuôi, chi phí thức ăn không nhiều, dễ kiếm, sinh sản nhanh nên rất phù hợp để chăn nuôi hộ gia đình. Tôi luôn khuyến khích bà con nông dân trong và ngoài tỉnh đến tham quan, học tập kinh nghiệm để gây nuôi sinh sản, nuôi sinh trưởng loài dúi. Từ đó nhân rộng mô hình, cung cấp thực phẩm cho nhu cầu xã hội, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, góp phần nâng cao giá trị sản xuất của ngành chăn nuôi, với mục tiêu tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập, xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững.”, anh Hùng chia sẻ thêm./.
Nguồn: Môi trường & Đô thị