TM ·
2 năm trước
 3837

Bài 1: “Hệ sinh thái” của Masterise Group huy động hàng chục ngàn tỷ từ trái phiếu

Theo thống kê, các doanh nghiệp thuộc “hệ sinh thái” Masterise nằm trong top dẫn đầu về tổng lượng phát hành trái phiếu kể từ đầu năm 2021.

Sự việc một tập đoàn bất động sản bị phát hiện phát hành “chui” 9 lô trái phiếu với trị giá hơn 10.300 tỷ đồng khiến thị trường tài chính, bất động sản dậy sóng. Bởi trong năm 2021 và đầu năm 2022, khối doanh nghiệp bất động sản luôn dẫn đầu về giá trị phát hành trái phiếu.

Ngày 7/4, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã ký ban hành Công điện số 304 của Thủ tướng Chính phủ về chấn chỉnh hoạt động thị trường trái phiếu doanh nghiệp và đấu giá quyền sử dụng đất.

Theo Công điện, thị trường trái phiếu doanh nghiệp là kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng của doanh nghiệp theo đúng chủ trương của Chính phủ về phát triển cân bằng giữa thị trường vốn và thị trường tiền tệ, tín dụng…, tuy nhiên thời gian vừa qua, hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp có những vi phạm pháp luật và đấu giá quyền sử dụng đất còn nhiều bất cập, tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Bài 1: “Hệ sinh thái” của Masterise Group huy động hàng chục ngàn tỷ từ trái phiếu - Ảnh 1
Masterise Group tiền thân là CTCP Đầu tư Thảo Điền.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng Bộ Công an chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương khẩn trương phối hợp với các cơ quan liên quan điều tra, xác minh để xử lý nghiêm minh hành vi vi phạm theo đúng quy định của pháp luật, bảo đảm các hoạt động phát hành, đầu tư và sử dụng vốn trái phiếu doanh nghiệp đúng mục đích, hiệu quả, lành mạnh, minh bạch, ổn định, an toàn, góp phần phát triển sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và ổn định kinh tế vĩ mô.

Những đợt phát hành trái phiếu “khủng”

Cách đây không lâu, CTCP Đầu tư và Phát triển Sài Gòn (SDI Corp) đã thông tin về việc phát hành 6.575 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp. Ngày hoàn tất đợt phát hành là 4/1/2022, ngày đáo hạn trái phiếu là 15/12/2024 (kỳ hạn hai năm). Dự án Khu đô thị Sài Gòn Bình An có quy mô lên tới 117,4 ha, tọa lạc tại tọa lạc tại phường An Phú, quận 2, TP. HCM.

Theo tìm hiểu, SDI Corp được biết đến là chủ đầu tư dự án khu đô thị Sài Gòn Bình An diện tích 117 ha tại phường An Phú, TP Thủ Đức, TP.HCM. Chủ tịch của SDI Corp là bà Mai Thị Kim Oanh, người cũng là Trưởng Ban kiểm soát của Masterise Group.

Trước đó, trong tháng 7/2021, các pháp nhân cùng nhóm SDI là CTCP Phú Hoàng Vương, CTCP Osaka Garden và CTCP Hoa Phú Thịnh đã hút về tới 11.200 tỉ đồng qua kênh trái phiếu.

Trong đó, CTCP Osaka Garden, CTCP Hoa Phú Thịnh và CTCP Phú Hoàng Vương hút về lần lượt 3.400 tỉ đồng, 3.130 tỉ đồng và 4.670 tỉ đồng. Các lô trái phiếu đều có kỳ hạn 4 năm. Lãi suất áp dụng cho năm đầu tiên là 12,9%/năm, năm tiếp theo là 11%/năm và 2 năm còn lại bằng lãi suất tham chiếu cộng biên độ 4%/năm.

Như vậy, tính tổng cộng giá trị huy động qua trái phiếu liên quan đến dự án Sài Gòn Bình An được lên kế hoạch và thực hiện trong giai đoạn 2021 và những ngày đầu năm 2022 lên tới 22.075 tỷ đồng (gần 1 tỷ USD).

Năm 2021, Masterise Group phát hành tổng cộng 37.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp, dẫn đầu trong số các tập đoàn phát hành nhiều nhất Việt Nam. Trong top 4 đều là các tập đoàn bất động sản quy mô hàng đầu huy động hàng tỷ USD.

Cụ thể, CTCP Voyage phát hành 2.300 tỷ đồng, CTCP Đầu tư Golden Hill phát hành 5.760 tỷ đồng phục vụ dự án 87 Cống Quỳnh. Công ty TNHH Kinh doanh Bất động sản Masterise Dream phát hành 7.200 tỷ đồng để mua lại một phần dự án đô thị tại Văn Giang, Hưng Yên.

Điều khiến nhiều người quan tâm chính là việc các lô trái phiếu mà Masterise Group phát hành đều được thu xếp bởi Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) và CTCP Chứng khoán Kỹ thương (TCBS).

“Ông chủ” của Masterise Group là ai?

Masterise Group tiền thân là CTCP Đầu tư Thảo Điền (Thảo Điền Investment) thành lập vào năm 2007, thành danh với sản phẩm đầu tay là dự án Khu dân cư cao cấp Masteri Thảo Điền (phường Thảo Điền, quận 2, TP.HCM) và sau đó là các dự án Masteri An Phú (Quận 2), Masteri Millennium (132 Bến Vân Đồn, quận 4), M-One Sài Gòn (quận 7), hay M-One Gia Định (quận Gò Vấp).

Theo thông tin từ Hiệp hội thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) cho biết, 2 tháng đầu năm 2022, có 8 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp ra công chúng với tổng giá trị đạt 5.509 tỷ đồng và 26 đợt phát hành riêng lẻ với tổng giá trị 22.185 tỷ đồng, lần lượt tăng  31% và 51% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nhóm bất động sản hiện dẫn đầu về giá trị phát hành với tổng khối lượng phát hành đạt 15.520 tỷ đồng, chiếm 56,04%. Kỳ hạn từ 1 đến 3 năm chiếm phần lớn giá trị phát hành trong nhóm, với 9.313 tỷ đồng, tương đương 60%.

Nhóm xây dựng đứng ở vị trí thứ hai với 7.930 tỷ đồng, chiếm 28,6% tổng giá trị phát hành. CTCP Đầu Tư Xây Dựng Tường Khải và CTCP Xây Dựng Minh Trường Phú là hai doanh nghiệp đáng chú ý nhất trong nhóm xây dựng với khối lượng phát hành lần lượt là 2.990 tỷ đồng và 2.950 tỷ đồng.

Tháng 11/2019, Thảo Điền Investment đã âm thầm đổi tên thành CTCP Tập đoàn Masterise (Masterise Group). Cập nhật đến tháng 2/2020, bà Đỗ Tú Anh (sinh năm 1974) giữ vị trí Chủ tịch HĐQT Masterise Group.

Bài 1: “Hệ sinh thái” của Masterise Group huy động hàng chục ngàn tỷ từ trái phiếu - Ảnh 2
Cập nhật đến tháng 2/2020, bà Đỗ Tú Anh (sinh năm 1974) giữ vị trí Chủ tịch HĐQT Masterise Group.

Theo giới thiệu trên website công ty Chứng khoán Kỹ Thương, bà Đỗ Tú Anh là cử nhân Khoa học Chuyên ngành Vật lý, Đại học Quốc gia Hà Nội, Cử nhân Quản trị Kinh doanh Đại học Columbia Southern. Hơn 22 năm kinh nghiệm làm việc trong đó có 16 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực phát triển và kinh doanh bất động sản. Bà đã giữ các vị trị chủ chốt tại các công ty như Tổng giám đốc CTCP Đầu tư INB (Dự án Thảo Điền), Phó tổng giám đốc, Giám đốc Trung tâm Quản lý Khai thác Tài sản AMC khu vực Miền Nam (quản trị danh mục tài sản, phát mãi tài sản với tổng giá trị tài sản lên tới 2000 tỷ đồng), Giám đốc Môi giới đầu tư Miền Bắc, Công ty Tư vấn Bất động Savills Việt Nam, và nhiều chức vụ chủ chốt khác.

Trong khi đó, người đứng đại diện góp vốn trong các hệ sinh thái của Masterise Group là bà Nguyễn Hương Liên (sinh năm 1985): Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Masterise Center, Công ty TNHH Dịch vụ Khách sạn Masterise Hotels, Công ty TNHH Dịch vụ nghỉ dưỡng Masterise World, Công ty TNHH Môi giới Masterise, Công ty TNHH Dịch vụ và Quản lý Bất động sản Masterise Services, Công ty TNHH Môi giới Masterise Agents.

Cả 6 công ty đều được thành lập vào tháng 2/2020, có vốn điều lệ ban đầu 20 tỷ đồng. Sau đó, trong khoảng thời gian từ 4/2020 đến 5/2020, vị trí của bà Hương được chuyển sang cho ông Trần Quốc Hoài (Phó tổng giám đốc Masterise Homes, đang là pháp chế bán thời gian tại Techcombank AMC).

Được biết, bà Nguyễn Hương Liên cũng chính là em dâu của ông Hồ Hùng Anh, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Techcombank.

Liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp, vào giữa năm 2021, Bộ Tài chính đã phát đi cảnh báo về rủi ro của trái phiếu là rủi ro của doanh nghiệp phát hành. Bộ Tài chính khẳng định, đối với các trường hợp DN có tình hình tài chính yếu kém, khi huy động vốn trái phiếu với khối lượng lớn, lãi suất cao, chính các doanh nghiệp phát hành sẽ gặp rủi ro nếu hoạt động sản xuất kinh doanh khó khăn, và sẽ không trả được nợ gốc, lãi trái phiếu cho nhà đầu tư.

“Nhà đầu tư cần lưu ý lãi suất cao sẽ đi kèm với rủi ro cao; do đó, phải hết sức thận trọng đánh giá kỹ về các rủi ro trước khi quyết định mua trái phiếu; không mua trái phiếu thông qua chào mời của các tổ chức cung cấp dịch vụ (công ty chứng khoán, NHTM) khi chưa tìm hiểu kỹ về tình hình tài chính của doanh nghiệp phát hành và các điều kiện, điều khoản của trái phiếu”, Bộ Tài chính khuyến nghị.

Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Minh Cường, Chuyên gia kinh tế quốc gia ADB, cơ quan thường trú tại Việt Nam cho biết, hiện nay rất nhiều doanh nghiệp đua nhau phát hành trái phiếu doanh nghiệp, kể cả những doanh nghiệp vừa và nhỏ. Tuy nhiên, thông tin về trái phiếu doanh nghiệp và tài sản bảo đảm chưa vững chắc. Còn với nhà đầu tư, không phải nhà đầu tư nào cũng có kinh nghiệm, còn mang tính tâm lý số đông. Có thể thấy ở cả 2 phía, sự sẵn sàng về thông tin, sự chủ động cũng chưa ở mức có thể bảo đảm cho sự phát triển trái phiếu doanh nghiệp bền vững. Ngoài gia, việc đánh giá tín nhiệm của doanh nghiệp phát hành trái phiếu chưa thực sự phát triển.

Cùng quan điểm, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho rằng, đã đến lúc cần có sự quan tâm đúng mức để mô hình huy động tài chính cho doanh nghiệp từ trái phiếu không chỉ phát triển nhanh, bền vững, mà phải đảm bảo quyền lợi và an toàn cho nhà đầu tư. Nếu không siết chặt việc quản lý, nó sẽ gây ảnh hưởng đến phương thức huy động vốn cần thiết và quan trọng trong nền kinh tế.

Quốc Hà

Nguồn: Kinh tế Môi trường