Trần Chung ·
3 năm trước
 2174

Bao giờ kiểm lâm không còn phải ra đồng 'giải cứu' chim, cò dính bẫy?

Nỗ lực tuyên truyền vận động bà con là vậy, nhưng nhiều năm nay, cứ đến mùa chim di cư, lực lượng kiểm lâm lại phải đích thân đến từng cánh đồng để phá dỡ bẫy và giải phóng chim trời. Không biết bao giờ tình trạng này mới kết thúc?

Trong một bài viết trên báo Lao Động có một đoạn rất đúng và nói về chim trời ở Việt Nam rất thú vị, tác giả Lãng Quân viết: Việt Nam là một sân chim khổng lồ, các loài chim di cư trên hành trình Đông Bắc Á - Úc châu (và nhiều “đường bay quốc tế” khác) đều ghé qua các ao đầm, bãi bồi, ven sông biển, các rừng quốc gia, khu bảo tồn để kiếm thức ăn, tích cóp nhiên liệu phục vụ hành trình bí ẩn dọc ngang vỏ địa cầu. Thật ra đó là hành trình rất bản năng, với một số loài họ dùng thuật ngữ ấn tượng: Bãi đẻ.

Quả thực, chim chóc di cư về Việt Nam nhiều vô kể, đa dạng các loài. Thế nhưng đáng buồn là chúng ta đã không làm tròn sứ mệnh của một miền đất "đón khách" nồng hậu. Thay vì đón tiếp, chúng ta tận diệt bằng nhiều cách khác nhau. 

Mới đây, lực lượng kiểm lâm đồng loạt ra đồng giải cứu cò trắng và chim trời dính bẫy tại Phú Lộc (Thừa Thiên - Huế). Ai cũng biết khoảng đầu tháng 9 hằng năm là thời điểm các loài chim tự nhiên vào mùa di cư. Chim về thường đậu trên các cánh đồng, lùm cây ven đầm phá và nạn đánh bắt lại trở nên nhức nhối. 

nạn săn bắt chim trời

Lực lượng kiểm lâm đồng loạt ra đồng giải cứu cò trắng và chim trời dính bẫy tại Phú Lộc

Mới chỉ tính từ ngày 16/9 đến nay, lực lượng kiểm lâm đã tháo gỡ, tiêu hủy 5 giàn bẫy, 300 chim mồi bằng phao xốp, 3.200 cái que dính nhựa, thả về tự nhiên 5 con cò mồi và buộc các chủ bẫy ký cam kết không đánh bắt, đặt bẫy ở địa phương.

Không chỉ Thừa Thiên - Huế mà nạn tận diệt chim trời ở Hà Tĩnh cũng là một vấn đề khiến cơ quan chức năng lao tâm.

Tại huyện Kỳ Anh, ngoài việc vận động nhân dân các xã Kỳ Xuân, Kỳ Phú, Kỳ Khang... ký cam kết không đánh bắt chim trời, chỉ sau một thời gian ngắn, các lực lượng chức năng đã thu giữ và tiêu hủy hơn 2.000 dụng cụ bẫy chim như: bẫy nhựa, chim xốp mồi.

Tại Thạch Hà, lực lượng chức năng cũng tiến hành kiểm tra, truy quét và giải cứu cho nhiều con chim dính bẫy tại các xã Thạch Trị và Đỉnh Bàn; đồng thời thu giữ, tiêu huỷ các dụng cụ đánh bắt nhằm ngăn chặn nạn tận diệt chim trời.

nạn săn bắt chim trời

Thu giữ, tiêu huỷ các dụng cụ đánh bắt nhằm ngăn chặn nạn tận diệt chim trời

nạn săn bắt chim trời

Truy quét và giải cứu cho nhiều con chim dính bẫy

Thời gian tới, lực lượng Công an sẽ phối hợp các cơ quan liên quan tiếp tục kiểm tra, rà soát, tịch thu, tháo dỡ, tiêu hủy và xử lý các loại dụng cụ, phương tiện săn, bắn, bẫy, bắt chim tự nhiên và các loài động vật rừng trái phép; xử lý nghiêm mọi tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm theo đúng quy định của pháp luật.

Nạn săn bắt chim trời, cò trắng hàng loạt một số địa phương khiến những đàn chim di cư trở về ngày một thưa dần, dẫn đến làm mất đa dạng sinh học. Cơ quan chức năng khuyến khích người dân nêu cao tinh thần đấu tranh, tố giác các hành vi vi phạm pháp luật để bảo vệ môi trường, bảo vệ các loài động vật hoang dã, các loài chim tự nhiên, đặc biệt các loài đang có nguy cơ tuyệt chủng.

Nỗ lực là vậy, nhưng nhiều năm nay, cứ đến mùa chim di cư, lực lượng kiểm lâm lại phải đích thân đến từng cánh đồng để phá dỡ bẫy và giải phóng chim trời và không biết bao giờ tình trạng này mới kết thúc?