Thiệt hại nhiều về người và của
Hình thành chỉ sau 48 giờ kể từ khi vùng áp thấp xuất hiện trên Biển Đông, bão Mulan được nhận định là cơn bão có cường độ không quá mạnh khi chỉ duy trì sức gió lớn nhất cấp 8-9, giật cấp 11. Đây là cơn bão số 2 hoạt động trên Biển Đông năm nay.
Chuyên gia nhận định, bão số 2 không phải là cơn bão có cường độ mạnh, nhưng mưa lũ sau bão đã gây nhiều thiệt hại về người ở Bắc Bộ.
Theo báo cáo nhanh của Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai, tính đến 12 giờ trưa nay (ngày 12/8), mưa lũ do hoàn lưu bão số 2 đã làm 3 người chết, 4 người mất tích.
Cụ thể, tỉnh Lào Cai 1 người bị cuốn trôi khi đi qua đập tràn (chưa tìm thấy thi thể); tỉnh Phú Thọ 1 người bị lũ cuốn khi đi qua tràn; tỉnh Hòa Bình 3 người chết, 2 người mất tích.
Dự báo, chiều và tối 12/8, do ảnh hưởng của rãnh áp thấp có trục đi qua Bắc Bộ kéo theo mưa dông có khả năng xảy ra gió giật mạnh, sét đánh và nguy cơ lũ quét, sạt lở đất, đá cục bộ trên địa bàn.
Tính đến 12 giờ trưa nay (ngày 12/8), mưa lũ do hoàn lưu bão số 2 đã làm 3 người chết, 4 người mất tích.
Hòa Bình cũng là địa phương hứng chịu thiệt hại nặng nề về nông nghiệp khi mưa lũ khiến 267,9 ha lúa, hoa màu bị ngập, thiệt hại; 230 con gia cầm bị nước cuốn trôi.
Theo Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia, dự báo hôm nay khu vực Bắc Bộ và Thanh Hóa tiếp tục có mưa vừa, mưa to và dông, cục bộ có mưa rất to với lượng mưa phổ biến 20-50mm, có nơi trên 80mm. Đêm nay mưa giảm dần. Khu vực Hà Nội hôm nay có mưa vừa, mưa to và dông, cục bộ có mưa rất to với lượng mưa phổ biến 20-50mm, có nơi trên 80mm.
Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại các tỉnh vùng núi và ngập úng tại các khu vực trũng, thấp.
Trước những thiệt hại nghiêm trọng về người như trên cùng với dự báo mưa lớn còn tiếp tục, nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất nên cùng ngày, Ban chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai ban hành văn bản hỏa tốc gửi Ban chỉ huy PCTT&TKCN các tỉnh miền núi phía Bắc.
Ban chỉ đạo yêu cầu các tỉnh tiếp tục bố trí lực lượng kiểm soát, cảnh báo, hướng dẫn giao thông tại các ngầm tràn, tuyến đường bị ngập sâu, chia cắt, không để người và phương tiện đi qua.
Đồng thời tổ chức quản lý, trông giữ, không để trẻ chơi đùa, đi lại tại khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất. Tăng cường thông tin kịp thời đến người dân về tình hình mưa lũ bằng các phương tiện thông tin đại chúng để chủ động phòng tránh.
Hà Nội ngập sâu, ùn tắc giao thông nghiêm trọng
Tại Hà Nội, do ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp suy yếu từ bão số 2, từ ngày 10/8 đến sáng 12/8, trên địa bàn thành phố Hà Nội xảy ra mưa trên diện rộng, với tổng lượng mưa phổ biến từ 150 đến 280mm, gây ngập úng nhiều khu vực trên địa bàn. Nhiều tuyến phố tại Hà Nội ngập sâu, gây ùn tắc giao thông nghiêm trọng, khiến người dân di chuyển khó khăn. Hiện, nước đã rút ở nhiều nơi nhưng thời tiết tiếp tục âm u và dự báo mưa sẽ còn tiếp diễn đến tối rồi giảm dần.
Nhiều tuyến phố tại Hà Nội ngập sâu, gây ùn tắc giao thông nghiêm trọng khiến người dân di chuyển khó khăn.
Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, hệ thống thoát nước ở khu vực phía Tây TP Hà Nội như quận Hà Đông, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm… chưa được đầu tư xây dựng theo quy hoạch. Do vậy mà hệ thống thoát nước chưa đảm bảo cho khu vực phía Tây TP mỗi khi mưa lớn.
Hệ thống thoát nước trong nội thành (lưu vực sông Tô Lịch) TP.Hà Nội hiện nay đáp ứng được lượng mưa 310mm trong 2 ngày. Còn những khu vực tiêu thoát nước ra sông Nhuệ như Hà Đông, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Thanh Xuân và Hoài Đức… phụ thuộc vào việc tiêu thoát nước của trạm bơm Yên Nghĩa.
Trao đổi với báo chí, ông Phan Hoài Minh - TGĐ Công ty Thoát nước Hà Nội cho biết, để đề phòng cơn bão số 2, công ty vận hành các trạm bơm để hạ mực nước trên các sông, hồ điều hòa trong các quận nội thành. Do vậy tình hình ngập úng trong nội thành 2 ngày qua đã "đỡ hơn rất nhiều", chỉ ngập úng cục bộ ở một số tuyến phố được dự báo trước.
Nguồn: Kinh tế Môi trường