Thuỳ Linh ·
3 năm trước
 1727

Biến đổi khí hậu có thể khiến toàn cầu thiệt hại hàng nghìn tỉ USD mỗi năm

Nếu xu hướng ấm lên toàn cầu hiện nay vẫn tiếp tục diễn ra, thì thiệt hại kinh tế do tình trạng biến đổi khí hậu gây ra ước tính lên tới 1.700 tỉ USD/năm vào năm 2025 và có thể tăng lên khoảng 30.000 tỉ USD/năm vào năm 2075.

Khảo sát này được công bố vào ngày 30/3, do Đại học New York (Mỹ) thực hiện với sự tham gia của 738 nhà kinh tế học cho thấy, thế giới nên hành động ngay lập tức và quyết liệt để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu.

Các quốc gia đang phát triển là những nơi chịu tác động nặng nề nhất vì các yếu tố như phụ thuộc nhiều hơn vào nông nghiệp và dễ bị tổn thương khi tình trạng nắng nóng cực đoan xảy ra. Ở cấp độ toàn cầu, thế giới sẽ chịu tác động về kinh tế khi tình trạng thời tiết cực đoan làm gián đoạn các tuyến đường thương mại và chuỗi cung ứng, cũng như gây ra cuộc khủng hoảng người tị nạn. 

Hầu hết các nhà kinh tế cho biết tình trạng biến đổi khí hậu trong 5 năm vừa qua đã trở nên đáng lo ngại hơn. Lý do phổ biến nhất là sự gia tăng các hiện tượng thời tiết cực đoan gần đây, bao gồm cháy rừng và các đợt nắng nóng.

Biến đổi khí hậu gây ra ước tính lên tới 1.700 tỉ USD/năm vào năm 2025 và có thể tăng lên khoảng 30.000 tỉ USD/năm vào năm 2075. (Ảnh minh họa)

Cơ quan theo dõi biến đổi khí hậu Copernicus của châu  u nhận định, nhiệt độ toàn cầu tính từ đầu năm đến giờ chỉ chênh lệch đôi chút so với cùng kỳ năm 2016, năm nóng nhất từng được ghi nhận. Vùng Siberia ở Bắc cực và Đông Nam châu  u đặc biệt cảm nhận rõ tác động của tình trạng nóng lên do biến đổi khí hậu. Tại bang California - Mỹ, nhiệt độ ban ngày ở hạt Los Angeles có lúc lên đến 49 độ C trong lúc 5/6 trận cháy rừng lớn nhất lịch sử kéo dài đến cuối tháng 9.

Theo TS.Kat Kramer, người phụ trách chính sách của Tổ chức phi chính phủ Christian Aid (Anh) cho biết, con người phải hứng chịu các thiên tai cực đoan từ trước khi xảy ra tình trạng ấm lên toàn cầu, bởi  hoạt động của con người bắt đầu gây xáo trộn hệ sinh thái của hành tinh. Với những dữ liệu về lượng mưa, nhiệt độ thu thập trong hơn 1 thế kỷ cùng với dữ liệu vệ tinh về các cơn bão và mực nước biển dâng trong hàng thập kỷ qua, rõ ràng là tác động của tình trạng nhiệt độ bề mặt Trái đất tăng lên đang lan rộng.

Các trận siêu bão, hay cuồng phong và lốc xoáy giờ đây có thể mạnh hơn, kéo dài lâu hơn, mang theo nhiều nước hơn và tác động sâu rộng hơn so với cấp độ của chúng. Năm 2020 có tới 30 cơn bão trên biển Đại Tây Dương được đặt tên - nhiều nhất từ trước đến nay, gây thiệt hại 41 tỉ USD và khiến ít nhất 400 người thiệt mạng. Những cơn bão như vậy được dự báo sẽ xảy ra ngày càng nhiều trong thời gian tới.

Các số liệu thống kê của Văn phòng Giảm nhẹ rủi ro thiên tai của Liên Hợp Quốc chỉ ra rằng, thế giới đã chứng kiến ​​hơn 7.300 thiên tai lớn từ năm 2000 đến năm 2019, khiến khoảng 1,2 triệu người thiệt mạng và gây thiệt hại 3.000 tỉ USD. Những con số này đã tăng mạnh so với dữ liệu tương tự thời điểm 20 năm trước, với khoảng 4.200 thảm họa, dẫn đến 1,19 triệu người thiệt mạng và 1.600 tỉ USD thiệt hại.

Việt Nam cũng không ngoại lệ

Biến đổi khí hậu đang đặt ra những thách thức to lớn đối với các quốc gia, nhất là đối với các nước đang phát triển như Việt Nam. Theo đánh giá của các tổ chức quốc tế, Việt Nam được cho là quốc gia chịu tác động nặng nề nhất từ biến đổi khí hậu.

Đợt mưa lũ ở miền Trung kéo dài từ đầu tháng 10 đến nay là một minh chứng tiêu biểu. Bão lũ liên tục, mưa lớn cả về lượng, cường độ và thời gian vượt mọi dự kiến làm lũ dâng cao, đất đồi bị sạt lở kể cả những nơi đã được thiết lập doanh trại quân đội tồn tại ổn định hàng chục năm qua.

Không chỉ mưa lũ tại miền Trung, từ đầu năm 2020 đến nay, Việt Nam cũng chứng kiến nhiều thiên tai bất thường, đó là mưa đá trên diện rộng ở các tỉnh miền núi phía Bắc ở thời điểm vào Xuân; hạn hán ở Đồng bằng sông Cửu Long; rét miền Bắc kéo dài tới tận hết tháng 4, tiếp đó xảy ra những đợt nắng nóng 40 độ C kéo dài và liên tiếp…

Hàng nghìn ngôi nhà bị ngập chìm trong mưa lũ.

Bên cạnh đó, trong khoảng 50 năm qua, nhiệt độ trung bình ở Việt Nam đã tăng khoảng 2-3 độ C và mực nước biển đã dâng thêm khoảng 20 cm. Ước tính, đến cuối thế kỷ 21, so với trung bình thời kỳ 1980- 1999, nhiệt độ trung bình ở Việt Nam có thể tăng thêm 2,3 độ C, lượng mưa hàng năm tăng khoảng 5% và mực nước biển có thể dâng thêm 75 cm.

Là một nước nông nghiệp, phần đông người dân sống dựa vào nông nghiệp và đánh bắt thủy sản, nên Việt Nam được Tổ chức Phát triển của Liên Hợp Quốc đánh giá là 1 trong 5 nước đứng đầu thế giới dễ bị tổn thương nhất và tổn thương trực tiếp do quá trình biến đổi khí hậu. Với nền nông nghiệp còn phụ thuộc nhiều vào tự nhiên như hiện nay, Việt Nam cần chủ động đánh giá và dự báo tác động của biến đổi khí hậu, để kịp thời có những giải pháp ứng phó, phát triển kinh tế nông nghiệp phù hợp và bền vững.

Biến đổi khí hậu chính là thách thức lớn mang tính toàn cầu. Chính vì vậy, nếu các quốc gia không quyết tâm và gấp rút vào cuộc, biến đổi khí hậu sẽ nhanh chóng trở thành “cơn ác mộng” đối với sự sống của loài người.

Nguồn