Vừa qua, Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu Liên Hợp Quốc (IPCC) đã công bố một bản báo cáo tổng hợp, nêu ra những nguy cơ về thảm họa tự nhiên do biến đổi khí hậu và phương án để làm chậm quá trình nóng lên toàn cầu.
"Bản báo cáo của IPCC đã chỉ ra cách để tháo gỡ quả bom khí hậu. Đây là hướng dẫn sinh tồn cho nhân loại trước tình trạng biến đổi khí hậu toàn cầu", Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres nhận xét.
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres. Ảnh: AP
Báo cáo này chỉ ra những thách thức to lớn về khí hậu mà nhân loại đang đối mặt, trong đó có những dữ liệu đáng quan ngại về các thảm họa tự nhiên và mực nước biển dâng
Nghiên cứu của IPCC cho biết, các quốc gia trên toàn cầu cần nhanh chóng cắt giảm khí thải nhà kính trong thập kỷ này để Trái Đất không nóng lên quá 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Nếu nhiệt độ toàn cầu tăng quá 1,5 độ C, thế giới sẽ phải đối mặt với các thảm họa tự nhiên do mực nước biển dâng.
Báo cáo của Liên Hợp Quốc cảnh báo hiểm họa nếu nhân loại thất bại trong mục tiêu hạn chế mức tăng của nhiệt độ Trái Đất. Ảnh: AP.
Báo cáo của IPCC chỉ ra rằng, cần có một sự đầu tư lớn cho các dự án năng lượng tái tạo, đặc biệt tại các quốc gia nghèo - khu vực dễ bị tổn thương nhất vì biến đổi khí hậu. Trong thời gian dài, các dự án đầu tư này sẽ giảm thiểu tình trạng ô nhiêm không khí, khôi phục hệ sinh thái và tạo ra các ngành công nghiệp bền vững.
IPCC cho biết các dự án phát triển bền vững, giảm thiểu hoặc xóa bỏ hoàn toàn phát thải khí nhà kính sẽ mang tới những lợi ích nhiều mặt như giảm thiểu ô nhiễm không khí, tăng cường vận động thể chất và chế độ ăn uống lành mạnh hơn.
Ở thời điểm hiện tại, IPCC cho rằng điện gió và điện mặt trời vẫn là các nguồn cung năng lượng thay thế có chi phí thấp và dễ phổ biến nhất. Ngoài ra, cơ quan này đề nghị các quốc gia trên toàn cầu tiếp tục cắt giảm lượng khí methane từ nhiên liệu hóa thạch sử dụng trong công nghiệp.