Biến đổi khí hậu làm gia tăng các điều kiện khô nóng khiến các đám cháy lan nhanh hơn, cháy lâu hơn và bùng phát dữ dội hơn.
Dưới tác động của biến đổi khí hậu, khu vực Địa Trung Hải đã chứng kiến mùa cháy rừng bắt đầu sớm hơn và bao phủ diện tích rộng lớn hơn. Chỉ tính riêng năm ngoái, hơn nửa triệu ha rừng đã bị thiêu rụi ở các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU), khiến 2021 trở thành mùa cháy rừng tồi tệ thứ hai của khối được ghi nhận kể từ sau năm 2017.
Thời tiết nóng hơn cũng khiến thảm thực vật mất đi độ ẩm, qua đó trở thành nguồn “nhiên liệu” khô giúp các đám cháy lan rộng hơn.
Theo nhà khoa học cấp cao Mark Parrington của Copernicus, điều kiện thời tiết nóng hơn và khô hơn đang làm gia tăng mức độ nguy hiểm của các vụ cháy rừng.
Cháy rừng ở khu vực Ourem, Bồ Đào Nha, hôm 12/7. (Ảnh: Reuters)
Một số quốc gia như Bồ Đào Nha và Hy Lạp ghi nhận các vụ cháy rừng vào hầu hết các mùa hè, và cũng đã chủ động chuẩn bị cơ sở hạ tầng để cố gắng quản lý và kiểm soát các đám cháy. Tuy nhiên, sự gia tăng nhiệt độ Trái đất đang khiến phạm vi cháy rừng ngày càng lan rộng ra những khu vực trước nay vốn ít ghi nhận các đám cháy và không có nhiều sự chuẩn bị để đối phó.
Biến đổi khí hậu không phải là nguyên nhân duy nhất gây cháy rừng
Theo thống kê của EU, cùng với biến đổi khí hậu, công tác quản lý rừng và các nguồn phát lửa cũng là những tác nhân quan trọng gây ra các vụ cháy rừng. Ở châu Âu, phần lớn các vụ cháy rừng là do hoạt động của con người gây ra, như đốt phá rừng, tiệc nướng ngoài trời, các đường dây điện, hoặc các mảnh thủy tinh thải ra môi trường.
Nhiều quốc gia, bao gồm Tây Ban Nha, đang phải đối mặt với thách thức thu hẹp dân số ở các vùng nông thôn, khi ngày càng nhiều người dân di chuyển đến các thành phố, qua đó làm suy giảm lực lượng lao động dọn dẹp thực bì khô dễ bắt lửa gây cháy rừng.
Một số hành động có thể giúp hạn chế các vụ cháy rừng nghiêm trọng, chẳng hạn như đốt có kiểm soát để ngăn chặn nguy cơ bắt lửa hoặc tạo ra các khoảng trống trong rừng để ngăn không cho các đám cháy lan rộng hơn.
Tuy nhiên, các nhà khoa học cho rằng nếu không giảm mạnh lượng khí nhà kính gây biến đổi khí hậu, thế giới sẽ chứng kiến các đợt sóng nhiệt, cháy rừng, lũ lụt và hạn hán ngày càng tồi tệ hơn trong tương lai.
Sóng nhiệt có mối liên hệ chặt chẽ với hạn hán. Và tất nhiên, trong thời gian xảy ra các đợt nắng nóng và hạn hán, cháy rừng sẽ dễ bùng phát hơn, cháy mạnh hơn và lan nhanh hơn. Cùng với sóng nhiệt, cháy rừng là một vấn đề toàn cầu ngày càng trầm trọng và đặc biệt, cháy rừng cực đoan đang ảnh hưởng đến các khu vực dễ xảy ra hỏa hoạn như tây Bắc Mỹ, Đông Nga và Địa Trung Hải Châu Âu.
TH