Các nhà khoa học nhận định, đợt hạn hán nghiêm trọng đang "càn quét" miền Tây nước Mỹ sẽ tác động mạnh đến nguồn cung và giá thực phẩm, đe dọa đà phục hồi toàn cầu từ đại dịch Covid-19. Theo đó, biến đổi khí hậu đang khiến thời tiết trở nên nóng và khô hơn. Hạn hán thường xuyên trong 10 đến 30 năm qua đã làm khô cạn nhiều nguồn nước của bang California.
Theo báo cáo hạn hán Drought Monitor của Mỹ, hơn 95% miền Tây nước Mỹ đang bị hạn hán nghiêm trọng. Đây là diện tích hạn hán lớn nhất từng được ghi nhận trong lịch sử nước này. Kể từ tháng 4 năm nay, chính quyền đã phải thực hiện các biện pháp hạn chế sử dụng nước.
Hơn 95% miền Tây nước Mỹ đang trải qua đợt hạn hán nghiêm trọng, đe dọa nguồn cung ứng lương thực cho nước này. (Ảnh: Reuters)
Cụ thể, tại các thung lũng ở trung tâm bang California, miền Tây nước Mỹ, việc tìm kiếm nguồn nước đã trở thành nỗi ám ảnh đối với tất cả cư dân ở đây khi khu vực này phải hứng chịu một đợt hạn hán nghiêm trọng, có thể đe dọa nguồn cung ứng lương thực cho nước Mỹ.
Người dân tại đây đã phải chứng kiến những cánh đồng xanh tươi biến thành những đồng bằng màu nâu xám xịt kèm bụi bặm, chỉ còn những cái cây khô héo. Phần lớn bang California, rộng hơn là miền Tây nước Mỹ đã trải qua nhiều năm có lượng mưa ít hơn bình thường và một mùa Đông đặc biệt khô hanh.
Trước nguy cơ không có đủ nước cung cấp cho cư dân thành phố hoặc động vật hoang dã, chính quyền địa phương và bang California đã đột ngột cắt nguồn cung cấp nước cho các trang trại. Điều này sẽ khiến những người nông dân không thể đáp ứng được việc cung ứng hàng hóa cho các siêu thị.
Trước những dấu hiệu nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng khí hậu ngày một tồi tệ, giới chức California mới đây thông qua đạo luật khẩn cấp mới nhằm ngăn chặn hàng nghìn người, đặc biệt là nông dân, chuyển hướng dòng chảy của các con sông hoặc suối.
Khi chính quyền cắt nguồn cung cấp nước, người nông dân buộc phải sống dựa vào các giếng khoan, đào sâu xuống lòng đất với chi phí lên tới vài nghìn USD. Những chiếc giếng này hút nước ngầm từ các vực sâu hàng trăm mét song cuối cùng lượng nước cũng cạn kiệt.
Các nhà khoa học cho rằng, tình trạng biến đổi khí hậu sẽ thậm chí còn gây ra những đợt hạn hán cực đoan và diễn ra thường xuyên hơn, đe dọa mất an ninh lương thực. Việc cung cấp thực phẩm cho người dân Mỹ trong điều kiện khắc nghiệt này sẽ là một thách thức lớn.
Tuy nhiên, trong nghiên cứu mới được xuất bản trên tạp chí Nature, các chuyên gia từ Đại học California Merced và Đại học California Santa Cruz đã đề xuất một giải pháp bảo tồn nguồn tài nguyên nước, thông qua việc lắp đặt các tấm pin mặt trời bao phủ 6.437 km kênh đào ở California, một trong những hệ thống cung cấp nước lớn nhất trên thế giới.
Giải pháp này sẽ giúp cả hai hệ thống điện và nước hoạt động hiệu quả hơn. Bóng râm từ pin mặt trời sẽ làm giảm sự bốc hơi của nước từ các kênh đào, đặc biệt là trong mùa hè nóng nực ở California. Bên cạnh đó, pin mặt trời chắn nắng còn kìm hãm sự phát triển của cỏ dại thủy sinh, dẫn đến chi phí bảo trì kênh đào thấp hơn.
Bên cạnh đó, do không tiếp xúc với ánh nắng, nước dưới kênh đào sẽ nóng lên chậm hơn so với mặt đất xung quanh, giúp làm mát các tấm pin mặt trời. Kết quả nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, giải pháp này còn có thể tăng hiệu quả sản xuất điện lên đến 3%.