Theo các nhà khoa học, Trái Đất cần phải cắt giảm 45% lượng khí thải vào năm 2030 để đạt được mức độ trung tính carbon vào giữa thế kỷ này.
Tuy nhiên, theo cam kết phát thải hiện tại của các quốc gia, lượng phát thải sẽ tăng 16% vào năm 2030 so với mức năm 2010. Báo cáo cho biết, điều đó sẽ khiến hành tinh ấm lên 2,7 độ C so với mức thời kỳ tiền công nghiệp.
Các nhà khoa học cho rằng, nhiệt độ toàn cầu nên duy trì ở mức dưới 1,5 độ C so với mức thời kỳ tiền công nghiệp để ngăn chặn những hậu quả tồi tệ hơn của cuộc khủng hoảng khí hậu. Một báo cáo của Liên hợp quốc vào tháng 8 cho thấy nhiệt độ toàn cầu đã ấm lên khoảng 1,2 độ C.
Lính cứu hỏa phun nước vào đám cháy Dixie gần Janesville, Canifornia, Mỹ vào hồi tháng 8. (Nguồn: CNN)
Trong một tuyên bố về báo cáo trên, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres gọi con đường hiện tại của Trái Đất là "thảm họa". Ông Guterres nói: “Điều này đang phá vỡ lời hứa được đưa ra cách đây 6 năm để theo đuổi mục tiêu 1,5 độ C của Thỏa thuận Paris. Việc không đạt được mục tiêu này sẽ được tính bằng thiệt hại lớn về nhân mạng và sinh kế".
Báo cáo được đưa ra sau một mùa hè đầy khắc nghiệt do biến đổi khí hậu trên khắp thế giới. Miền Tây Hoa Kỳ bị tàn phá bởi cháy rừng, tồi tệ hơn bởi hạn hán không ngừng, các trận lũ lụt và bão. Trung Quốc và Đức đã trải qua những trận lũ lụt chết người vào tháng 7 hay Nam Âu đã chiến đấu với những đám cháy rừng nghiêm trọng.
Phát biểu trước các nhà lãnh đạo tại Diễn đàn các nền kinh tế lớn vào sáng thứ Sáu, Guterres nói rằng trong hội nghị khí hậu của Liên Hợp Quốc vào tháng 11, các nhà lãnh đạo thế giới sẽ gặp nhau để thảo luận về các mục tiêu phát thải có "nguy cơ thất bại cao". “Rõ ràng là mọi người đều phải đảm nhận trách nhiệm của mình”, Guterres nói.
Trong tuyên bố của mình về báo cáo, Guterres kêu gọi tất cả các quốc gia đệ trình các mục tiêu khí hậu đầy tham vọng hơn, hoặc Các đóng góp do quốc gia quyết định (NDC), sẽ tạo ra một lộ trình khả thi hơn đến 1,5 độ C.
Ông cũng thúc giục các quốc gia phát triển thúc đẩy với lời hứa kéo dài một thập kỷ, trị giá 100 tỉ đô la để hỗ trợ các quốc gia đang phát triển với các cam kết của riêng họ.
NDC tạo nền tảng cho các quốc gia đạt được các cam kết của Thỏa thuận Paris 2015. Chúng bao gồm thông tin về các mục tiêu, chính sách khí hậu và các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính quốc gia. NDC cũng đặt ra nhu cầu về tài chính và công nghệ để đạt được các mục tiêu.
Theo cơ quan đăng ký NDC tạm thời của Liên Hợp Quốc, hiện có 191 bên tham gia Thỏa thuận Paris, tất cả đều đã đệ trình NDC đầu tiên của mình.
Khói từ đám cháy Bootleg bay vào không trung gần Bly, Oregon hôm 16/7/2021. (Nguồn: CNN)
“Báo cáo này rất rõ ràng: hành động vì khí hậu đầy tham vọng có thể tránh được những tác động tàn phá nhất của biến đổi khí hậu, nhưng chỉ khi tất cả các quốc gia cùng hành động”, Alok Kumar Sharma - Chủ tịch của COP26 cho biết.
"Những quốc gia đã đệ trình các kế hoạch khí hậu mới và đầy tham vọng đã và đang làm cong đường cong phát thải xuống vào năm 2030. Nhưng nếu không có hành động từ tất cả các quốc gia, đặc biệt là các nền kinh tế lớn nhất, những nỗ lực này có nguy cơ trở thành vô ích", Sharma nói thêm.
Trong Diễn đàn Các nền kinh tế lớn, Tổng thống Joe Biden thông báo Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu đã đưa ra cam kết toàn cầu để giảm phát thải khí metan - một chất gây hiệu ứng nhà kính.
Ngoài ra, trong khuôn khổ Đại hội đồng Liên Hợp Quốc tại New York, các bộ trưởng năng lượng và khí hậu của Đan Mạch và Costa Rica đã công bố nỗ lực khuyến khích các nước chuyển đổi khỏi sản xuất dầu khí.
“Chúng tôi có các công cụ để đạt được mục tiêu này. Nhưng chúng ta đang nhanh chóng hết thời gian", Guterres nói.