Minh Anh ·
1 năm trước
 3366

Biến đổi khí hậu sẽ khiến Trái Đất mất đi một nửa số sông băng vào năm 2100

Một nửa số sông băng trên Trái Đất, đặc biệt là những sông băng nhỏ hơn, sẽ biến mất vào cuối thế kỷ này do biến đổi khí hậu.

Những dòng sông nhỏ sẽ biến mất 

Theo một nghiên cứu mới đăng tải trên tạp chí Science số ra ngày 5/1, một nửa số sông băng trên Trái Đất, đặc biệt là những sông băng nhỏ hơn, sẽ biến mất vào cuối thế kỷ này do biến đổi khí hậu, song những nỗ lực hạn chế sự nóng lên toàn cầu có thể cứu những con sông băng khác.

Kết quả nghiên cứu này đã cung cấp cái nhìn toàn diện nhất cho đến nay về tương lai của 215.000 sông băng trên thế giới.

Các tác giả nghiên cứu đã nhấn mạnh tới tầm quan trọng của việc hạn chế khí thải gây hiệu ứng nhà kính, nguyên nhân làm Trái Đất nóng lên, nhằm hạn chế những hậu quả do sông băng tan, như mực nước biển dâng, cạn kiệt nguồn nước.

Để giúp định hướng các nhà hoạch định chính sách, các nhà nghiên cứu đã xem xét tác động của 4 kịch bản đối với sông băng, trong đó dựa trên sự thay đổi nhiệt độ trung bình toàn cầu là 1,5 độ C, 2 độ C, 3 độ C và 4 độ C.

Ngay cả khi mức tăng nhiệt của Trái Đất bị giới hạn ở mức 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp - mục tiêu tham vọng nhất đề ra trong Thỏa thuận Paris 2015 về biến đổi khí hậu, các nhà nghiên cứu ước tính rằng 49% sông băng trên thế giới sẽ biến mất vào năm 2100, chiếm khoảng 26% khối lượng sông băng trên thế giới.

Nhiệt độ trung bình toàn cầu hiện được ước tính sẽ tăng thêm 2,7 độ C, dẫn đến sự biến mất gần như hoàn toàn của các sông băng ở Trung Âu, miền Tây Canada, Mỹ và New Zealand.

Theo bà Regine Hock của Đại học Osla và Đại học Alaska Fairnk, đồng tác giả của nghiên cứu, những khu vực có tương đối ít băng như dãy núi Alps ở châu Âu, Caucasus, Andes hay miền Tây nước Mỹ, mất hầu hết toàn bộ băng vào cuối thế kỷ này, bất kể kịch bản phát thải nào.

Trong kịch bản xấu nhất là nhiệt độ toàn cầu tăng 4 độ C, các sông băng khổng lồ như ở Alaska sẽ bị ảnh hưởng nhiều hơn và 83% sông băng sẽ biến mất vào cuối thế kỷ này.

Bà Hock nêu rõ: "Các sông băng mà chúng tôi đang nghiên cứu chỉ chiếm 1% tổng số băng trên Trái Đất và ít hơn nhiều so với dải băng Greenland và dải băng Nam Cực. Tuy nhiên, các sông băng này tan chảy đã góp phần làm mực nước biển dâng gần bằng với lượng băng ở Greenland và Nam Cực cộng lại trong ba thập kỷ qua."

Nhiệt độ của Trái Đất tăng 1,5 độ C sẽ gây ra mực nước biển trung bình tăng 9cm trong khi nhiệt độ tăng 4 độ C sẽ khiến mực nước biển dâng cao 15cm.

Theo bà Hock, mực nước biển dâng phần lớn có liên quan tới sự gia tăng số lượng các cơn bão, nguyên nhân có thể gây ra nhiều thiệt hại hơn.

Sự biến mất của các sông băng cũng sẽ tác động đến tài nguyên nước vì sông băng là nguồn cung cấp nước ngọt cho khoảng 2 tỷ người trên Trái Đất.

Bà Hock nói: “Các sông băng bù đắp lượng nước mất đi vào mùa Hè khi thời tiết nóng nực và ít mưa." Bà Hock nhấn mạnh các nước cần nỗ lực hơn nữa để hạn chế lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính nhằm giảm tổn thất hàng loạt do biến đổi khí hậu.

Mức tan chảy đang nhanh gấp 100 lần

Tác giả chính Kirstin Schulz, cộng tác viên nghiên cứu tại Viện Khoa học và Kỹ thuật Tính toán Oden tại Đại học Texas ở Austin, cho biết: "Trong nhiều năm, người ta đã lấy mô hình tốc độ tan chảy cho các sông băng nổi ở Nam Cực và áp dụng nó cho các mặt tiền sông băng thẳng đứng của Greenland. Nhưng ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy phương pháp truyền thống tạo ra tỷ lệ tan chảy quá thấp ở mặt trước sông băng thẳng đứng của Greenland".

Các nhà nghiên cứu đã công bố phát hiện của họ trên tạp chí Geophysical Research Letters số tháng 9 vừa qua. Các nhà nghiên cứu biết rằng, sự hiểu biết dựa trên Nam Cực của họ về các sông băng ở Bắc Cực không phải là một kết hợp hoàn hảo, nhưng thật khó để đến gần rìa các sông băng của Greenland, bởi vì chúng nằm ở cuối các vịnh hẹp - những cửa nước biển dài và hẹp bao quanh bởi những vách đá cao - nơi nước ấm chảy qua lớp băng.

Theo các nhà nghiên cứu, những khối băng có kích thước bằng tòa nhà đổ xuống nước mà không có dấu hiệu báo trước, tạo ra những cơn sóng thần nhỏ.

Các nhà nghiên cứu do nhà hải dương học Rebecca Jackson của Đại học Rutgers đứng đầu đã sử dụng thuyền rô-bốt để đến gần những vách đá băng nguy hiểm này và thực hiện các phép đo.

Họ đã làm điều này tại sông băng LeConte của Alaska cũng như Kangerlussuup Sermia của Greenland. Sắp tới, các nhà khoa học tại Đại học Texas ở Austin dẫn đầu sẽ gửi tàu ngầm rô-bốt đến đo bề mặt của ba sông băng phía tây Greenland.

Các phép đo của Jackon cho thấy rằng các mô hình dựa trên Nam Cực đã đánh giá thấp quá trình tan băng ở Bắc Cực. Ví dụ, LeConte đang biến mất nhanh hơn 100 lần so với dự đoán trước đây.

Hỗn hợp nước ngọt lạnh từ sông băng và nước biển ấm hơn thúc đẩy lưu thông đại dương gần sông băng và xa hơn trong đại dương, có nghĩa là sự tan chảy có tác động sâu rộng. Dải băng Greenland cũng rất quan trọng đối với mực nước biển dâng. Băng Greenland đủ nước để nâng mực nước biển lên 6 mét.

Mô hình mới sử dụng dữ liệu mới nhất từ ​​các phi vụ gần sông băng cùng với sự hiểu biết thực tế hơn về tác động của các bề mặt dốc, giống như vách đá của các sông băng đến sự tan băng. Kết quả này phù hợp với phát hiện của Jackson, cho thấy độ tan chảy gấp 100 lần so với dự đoán của các mô hình cũ.