Sự bùng nổ của đại dịch Covid-19 ảnh hưởng không nhỏ, làm gián đoạn chuỗi cung ứng trên toàn cầu chưa từng có, nhưng các chuyên gia cho rằng sự sụt giảm này chưa đáng kể so với những gián đoạn mà biến đổi khí hậu sẽ gây ra.
Cháy rừng ở miền Tây nước Mỹ, lũ lụt ở Trung Quốc và châu Âu, hạn hán ở Nam Mỹ đã làm gián đoạn nguồn cung cấp mọi thứ, từ gỗ xẻ, sô cô la đến gạo để làm sushi.
Biến đổi khí hậu sẽ làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, còn nhiều hơn cả Covid-19.
Christy Slay, giám đốc cấp cao về ứng dụng khoa học và nghiên cứu tại The Sustainability Consortium (TSC), một tổ chức phi lợi nhuận nhằm mục tiêu nâng cao tính bền vững của sản phẩm tiêu dùng, trong một khảo sát gần đây đã cho biết: “Cho dù bạn đang ở trong lĩnh vực nông nghiệp hay lâm nghiệp, hay trong lĩnh vực công nghệ, thực sự không có lĩnh vực cụ thể nào có thể tránh khỏi biến đổi khí hậu”.
Một ví dụ được đề cập đến là khoảng 1/4 lượng gỗ được tiêu thụ ở Mỹ đến từ Canada, quốc gia đang chứng kiến tình trạng hạn hán và cháy rừng nghiêm trọng.
“Các đám cháy rừng ở Tây Canada đang ảnh hưởng đáng kể đến chuỗi cung ứng và khả năng vận chuyển sản phẩm ra thị trường”, nhà sản xuất gỗ Canada Canfor Corp. cho biết vào tháng 7 vừa qua. Ngành công nghiệp này đang phải đối mặt với các vấn đề nghiêm trọng về chuỗi cung ứng do Covid-19, và các vụ hỏa hoạn càng làm trầm trọng thêm điều đó.
"Cháy rừng ở phương Tây và Canada là một thách thức đối với sản xuất gỗ xẻ", Robert Dietz, Hội trưởng Hiệp hội các nhà xây dựng quốc gia cho biết, trong khi giá cả giảm xuống, chuỗi cung ứng vật liệu xây dựng vẫn dễ bị gián đoạn.
Brazil hiện đang hứng chịu đợt hạn hán tồi tệ nhất trong hơn một thế kỉ qua. Điều đó một phần đã khiến giá cà phê trong tháng 7 tăng vọt, gần gấp đôi so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù mức tăng vẫn chưa ảnh hưởng ngay tới người tiêu dùng, nhưng các chuyên gia cho rằng nó sẽ sớm diễn ra.
Thời tiết khắc nghiệt không chỉ ảnh hưởng tới sản xuất nông, lâm nghiệp mà còn ảnh hưởng cả tới việc làm, di biến động dân cư ở các khu vực trên toàn cầu.
Các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt cũng ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng khi người lao động không thể hoàn thành công việc của mình. Theo báo cáo gần đây của Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc, gián đoạn nơi làm việc do biến đổi khí hậu có thể dẫn đến thiệt hại năng suất hơn 2 nghìn tỉ USD vào năm 2030.
“Rõ ràng là những tác động của biến đổi khí hậu mà chúng ta đang phải trải qua ngày nay, cháy rừng, hạn hán, thời tiết khắc nghiệt, bão dữ dội hơn, năng suất cây trồng giảm, thiếu nước...", ông John Sterman, giáo sư tạiViện Công nghệ Massachusetts cho biết.
Theo ông Sterman, cách tốt nhất để một công ty tự bảo vệ mình và chuỗi cung ứng của mình là chủ động trong việc giảm lượng khí thải carbon của chính mình. Ông nói: “Những gì bạn muốn làm với tư cách là một công ty là tìm cách cắt giảm lượng khí thải để cải thiện khả năng phục hồi và tạo ra những lợi ích khác cho bạn, để những rủi ro mà bạn phải đối mặt sẽ thấp hơn".