Huyền My ·
2 năm trước
 3019

Biến đổi khí hậu và hệ lụy của các hoạt động tàn phá môi trường

Giới chuyên gia kêu gọi hạn chế các hoạt động gây ô nhiễm môi trường, lấy con người và môi trường sống làm trung tâm, nhằm bảo vệ sức khỏe con người, phát triển kinh tế theo hướng xanh và bền vững.

Những hệ lụy khôn lường của biến đổi khí hậu đang hiện hữu trước mắt, gióng hồi chuông cảnh báo tới các hoạt động tàn phá môi trường sống của chính con người. Biến đổi khí hậu không còn là nguy cơ tiềm ẩn mà là mối đe dọa trực tiếp đến cuộc sống của cả nhân loại.

Có thể thấy, biến đổi khí hậu đang len lỏi, tác động tới từng ngóc ngách của đời sống con người. Khoảng 1 tỷ trẻ em trên thế giới đang đứng trước nguy cơ rất lớn do ảnh hưởng của tình trạng biến đổi khí hậu, trong khi mức sống của thế hệ trẻ không được cải thiện trong 10 năm qua.

Biến đổi khí hậu không còn là nguy cơ tiềm ẩn mà là mối đe dọa trực tiếp đến cuộc sống của cả nhân loại. (Ảnh minh họa)

Cảnh báo này được tổ chức phi chính phủ KidsRights của Hà Lan đưa ra trong báo cáo mới nhất về thực hiện quyền trẻ em. Báo cáo Chỉ số KidsRights được tổ chức KidsRights phối hợp Trường đại học Erasmus tại Rotterdam (Hà Lan) xây dựng dựa trên số liệu của các cơ quan Liên hợp quốc, nhằm đánh giá cách thức các quốc gia thực hiện Công ước Liên hợp quốc về quyền trẻ em.

Theo báo cáo mới đây, hơn 33% số trẻ em trên thế giới (khoảng 820 triệu trẻ) đang đối mặt những đợt nắng nóng, trong khi tình trạng khan hiếm nước ảnh hưởng 920 triệu trẻ em trên toàn cầu. Khoảng 600 triệu trẻ em mắc các bệnh như sốt rét và sốt xuất huyết, tương đương cứ bốn trẻ có một em mắc các căn bệnh này. Ông Marc Dullaert, nhà sáng lập và là Chủ tịch KidsRights nhấn mạnh, báo cáo gióng lên hồi chuông cảnh báo cho thế hệ trẻ đang phải hứng chịu tình trạng biến đổi khí hậu đe dọa tương lai và các quyền cơ bản của trẻ em.

Cùng với đó, Ngân hàng trung ương Italia cảnh báo, tình trạng trái đất ấm lên có thể kìm hãm sự phát triển của nền kinh tế đất nước hình chiếc ủng trong nhiều thập niên tới, trong đó nông nghiệp và du lịch là các lĩnh vực bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất.

Theo nghiên cứu này, các doanh nghiệp ở những khu vực dễ bị sạt lở và lũ lụt có nhiều nguy cơ chịu thiệt hại nặng nề hơn, cũng như tác động của nhiệt độ cao và ô nhiễm môi trường đối với sinh viên và người lao động. Theo đó, các kỳ thi được tiến hành vào những ngày nắng nóng sẽ có kết quả thấp hơn so với điều kiện thời tiết bình thường hoặc các vụ tai nạn lao động thường xảy ra nhiều hơn khi chất lượng không khí kém.

Chính phủ Italia trong tháng 7 vừa qua, ban bố tình trạng khẩn cấp tại các khu vực bao quanh sông Po ở miền bắc, nơi đóng góp hơn 30% sản lượng nông nghiệp của nước này, trong bối cảnh khu vực này trải qua thời kỳ hạn hán tồi tệ nhất trong 70 năm.

Theo nghiên cứu trên, GDP tính trên đầu người của Italia có thể giảm 2,8-9,5% vào năm 2100. Trong lĩnh vực du lịch, các địa điểm phục vụ những môn thể thao mùa đông bị ảnh hưởng nhiều nhất. Cụ thể, tuyết rơi giảm khiến lượng du khách đến dãy núi Alps để trượt tuyết giảm sút đáng kể, trong khi tuyết nhân tạo không thể bù đắp cho tuyết tự nhiên.

Khoảng 80% thành phố trên thế giới đang phải đối mặt những hiểm họa khí hậu nghiêm trọng như nắng nóng, lũ lụt và hạn hán do biến đổi khí hậu gây ra. Thông tin trên được tổ chức phi lợi nhuận quốc tế về môi trường CDP công bố trong báo cáo Bảo vệ con người và hành tinh, sau khi tiến hành khảo sát 998 thành phố.

Báo cáo cho thấy hơn 30% thành phố, với ít nhất 70% dân số, đối mặt các mối đe dọa liên quan khí hậu. Gần 67% thành phố được dự báo phải đối mặt những hiểm họa khí hậu ngày càng khốc liệt, 50% thành phố bị cho là sẽ phải hứng chịu thảm họa thường xuyên vào năm 2025.

Thống kê cho thấy, mưa lũ tại Pakistan đã cướp đi sinh mạng của gần 1.700 người, trong khi bão Ian khiến hơn 100 người thiệt mạng ở Florida (Mỹ). Báo cáo của CDP khẳng định, người già ở các hộ gia đình có thu nhập thấp, trẻ em và các cộng đồng thiểu số là những đối tượng dễ bị tổn thương nhất.

Kêu gọi của giới chuyên gia cần hạn chế các hoạt động gây ô nhiễm môi trường, lấy con người và môi trường sống làm trung tâm, nhằm bảo vệ sức khỏe con người, phát triển kinh tế theo hướng xanh và bền vững. Để đạt được mục tiêu đó, cần sự phối hợp đồng bộ giữa chính quyền các nước, doanh nghiệp và người dân trên toàn thế giới.

Các thiệt hại về kinh tế do biến đổi khí hậu gây ra cũng ngày càng tăng theo nhiệt độ trái đất. Các cơn bão lớn làm mùa màng thất bát, tiêu phí nhiều tỉ đô la; ngoài ra, để khống chế dịch bệnh phát tán sau mỗi cơn bão lũ cũng cần một số tiền khổng lồ. Khí hậu càng khắc nghiệt càng làm thâm hụt các nền kinh tế.

Các tổn thất về kinh tế ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống. Người dân phải chịu cảnh giá cả thực phẩm và nhiên liệu leo thang; các chính phủ phải đối mặt với việc lợi nhuận từ các ngành du lịch và công nghiệp giảm sút đáng kể, nhu cầu thực phẩm và nước sạch của người dân sau mỗi đợt bão lũ rất cấp thiết, chi phí khổng lồ để dọn dẹp đống đổ nát sau bão lũ, và các căng thẳng về đường biên giới.