Thanh Loan ·
3 năm trước
 4977

Biến lá cây thành vật dụng hằng ngày

Lối sống bền vững là khái niệm không mới tại nhiều quốc gia tiên tiến. Bảo vệ môi trường, hạn chế sử dụng các sản phẩm dùng một lần hoặc dùng các chất tẩy rửa có thành phần hóa học cũng là một phần của lối sống bền vững.

Theo các số liệu thống kê cho thấy, Việt Nam hiện là quốc gia đứng thứ 4 phát sinh chất thải nhựa sau Trung Quốc, Indonesia, Philippines ở châu Á. Vì vậy, việc sử dụng lá cây tự nhiên để bọc thực phẩm là một biện pháp thực tế cần được phát huy lâu dài để bảo vệ môi trường.

Trên thực tế, lá cây chỉ mất từ 4 tuần đến 2 tháng để tự phân hủy và biến thành chất hữu cơ có ích cho cây trồng. Do đó, những sáng chế độc đáo từ lá cây cần được khuyến khích nhân rộng, góp phần bảo vệ môi trường và sức khỏe của con người.

Đĩa lá bàng - giải pháp thay thế cho đĩa nhựa dùng một lần

Mới đây, nhóm nghiên cứu thuộc Viện Khoa học Công nghệ và Quản lý Môi trường, Đại học Công nghiệp TP.HCM đã sáng tạo ra nhiều sản phẩm chén đĩa đẹp mắt, thân thiện môi trường, từ việc tái sử dụng vỏ hộp sữa kết hợp với lá bàng ép.

lá bàng

Chén đĩa được làm từ vỏ hộp sữa kết hợp với lá bàng ép. (Ảnh: GD&TĐ)

Kết quả nghiên cứu bước đầu của nhóm cho thấy, đĩa lá bàng an toàn và phù hợp để sử dụng trong đời sống, công nghiệp thực phẩm có thể thay thế cho đĩa nhựa dùng một lần. Đây là cơ sở cho các nghiên cứu khác, liên quan đến việc tái sử dụng hộp sữa kết hợp với các loại lá cây khác. 

Để tạo ra sản phẩm, ká bàng và vỏ hộp sữa được thu thập rồi đem rửa bằng nước sạch nhằm loại bỏ bụi bẩn, tạp chất. Sau đó, hai nguyên liệu tiếp tục được ngâm vào dung dịch hydrogen peroxid (H2O2) 3% để khử trùng, rửa lại một lần nữa với nước sạch và sấy khô.

Tiếp đó, lá bàng được xếp phủ ngoài hộp sữa và sử dụng máy ép gia nhiệt ở các mức nhiệt độ và thời gian khác nhau để tạo ra sản phẩm hoàn chỉnh. Sau quá trình tiến hành thí nghiệm, nhóm đã tìm ra được nhiệt độ tối ưu sản xuất đĩa ở 140ºC, trong thời gian 3 phút và không sử dụng keo cho quá trình ép gia nhiệt.

Sau khi hoàn thành, sản phẩm đĩa lá được kiểm định các chỉ tiêu về vi sinh và kim loại nặng tại Trung tâm Khoa học và Công nghệ sinh học thuộc Trường Đại học Khoa học Tự nhiên TP.HCM. Kết quả cho thấy, không phát hiện vi khuẩn gây ra các bệnh tiêu hóa, đồng thời sản phẩm định hình tốt cùng khả năng giữ màu, chịu mốc, sau thời gian bảo quản hơn một tháng.

Tái chế lá chuối khô

Chỉ từ vỏ chuối, lá chuối, một nhóm bạn trẻ đến từ TP.HCM đã ép khô, tạo thành các loại hộp, chén, đĩa dùng một lần thay thế cho hộp nhựa. Sản phẩm hoàn toàn tự nhiên và phân hủy sinh học sau 45 ngày.

lá chuối

Sản phẩm khay đĩa từ lá chuối của VIBALE. (Ảnh: GD&TĐ)

Sáng chế này nằm trong dự án “VIBALE – nâng cao giá trị cây chuối (phụ phẩm nông nghiệp) sau thu hoạch”. Dự án được triển khai từ năm 2019 với mục tiêu sử dụng lá chuối làm khay, hộp, đĩa thay thế sản phẩm hộp xốp đựng thức ăn đang rất phổ biến nhưng lại là một trong những thủ phạm gây ô nhiễm môi trường.

Chia sẻ về ý tưởng nghiên cứu này, Nguyễn Diệu Linh, thành viên của nhóm VIBALE cho hay: “Khi đi ngang qua các bãi rác, em nhận thấy số lượng túi nylon, hộp xốp mọi người thải ra rất nhiều. Trong khi những rác thải này mất đến hàng trăm, hàng nghìn năm để phân hủy. Đó là chưa kể đến nguy cơ gây bệnh tật như ung thư. Do đó, nhóm em nghĩ đến việc tìm ra vật liệu thay thế để bảo vệ môi trường".

Bởi cây chuối, lá chuối lại là những thứ rất dễ kiếm, là phụ phẩm nông nghiệp sau khi đã thu hoạch. Hơn nữa, Việt Nam có nhiều vùng trồng chuối, bà con nông dân sau khi thu hoạch quả có thể bán lá, tăng sinh kế.

Với những lợi thế trên, đáp ứng được kích thước sản phẩm, lành tính với sức khỏe người tiêu dùng, nhóm bạn trẻ đã lựa chọn cây chuối để thực hiện nghiên cứu này. Sau hơn 1 năm, các sản phẩm khay, hộp, đĩa làm từ lá chuối đã hoàn thiện, có ưu điểm dễ dàng phân hủy, giảm thải rác thải ra môi trường.

Với dây chuyền công nghệ hiện đại được chuyển giao, sản phẩm khi được ép khô vẫn giữ nguyên màu sắc của lá chuối, có thể bảo quản trong 12 tháng.

hộp từ lá

Mô phỏng sản phẩm hộp làm từ lá chuối của VIBALE.

Không những vậy, các hộp lá chuối có khả năng thay thế hộp xốp/ nhựa dùng 1 lần nhờ khả năng phân hủy sinh học trong vòng 45 ngày và đã được chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm.

Hiện các sản phẩm của dự án VIBALE đã được cung cấp trong một số nhà hàng phía Nam và nhận được phản hồi tốt từ khách hàng. Sắp tới, dự án sẽ nghiên cứu và thử nghiệm thêm các sản phẩm thân thiện với môi trường từ lá sen, mo cau...

Mỗi năm, trên thế giới có đến 300 triệu tấn rác thải nhựa thải ra môi trường, tương đương trọng lượng của toàn bộ dân số địa cầu. Hơn một nửa trong số đó là những sản phẩm nhựa dùng một lần và sẽ bị vứt bỏ ra môi trường, phải mất từ 400 đến 1.000 năm mới có thể phân hủy.

Theo số liệu của Bộ TN&MT cho thấy, lượng chất thải nhựa và túi nylon ở Việt Nam hiện vẫn ở mức rất cao, chiếm khoảng 8 - 12% trong chất thải rắn sinh hoạt, xấp xỉ 2,5 triệu tấn/năm. Tính riêng các loại túi nylon, ước tính mỗi năm Việt Nam sử dụng và thải bỏ khoảng hơn 30 tỉ túi/năm. Đây là một gánh nặng cho môi trường, thậm chí còn dẫn đến thảm họa mà các chuyên gia môi trường gọi là ô nhiễm trắng.

Nguồn