Kim Chi ·
2 năm trước
 2754

Biến rác thải thành hàng hóa trong nền kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam

Đổi mới quy trình công nghệ xử lý rác thải, xóa bỏ dần việc chôn lấp; tham khảo kinh nghiệm đốt phát điện của Nhật Bản, Phần Lan... góp phần tạo môi trường xanh - sạch - đẹp, biến rác thải thành hàng hóa trong nền kinh tế tuần hoàn.

Chất thải tăng trung bình 10-16% mỗi năm

Theo báo cáo của Bộ TN&MT, thời gian qua, chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) phát sinh ở các đô thị trên toàn quốc tăng trung bình 10-16% mỗi năm. Mặc dù, tỷ lệ thu gom vẫn tăng hằng năm, nhưng do lượng phát sinh lớn, năng lực thu gom còn hạn chế, ý thức cộng đồng chưa cao nên tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải, đặc biệt là CTRSH tại nhiều địa phương còn thấp. 

Phần lớn tổng lượng chất thải vẫn được xử lý bằng phương pháp chôn lấp (chiếm đến 71%) nhưng chỉ có 20% là bãi chôn lấp hợp vệ sinh. Đây là áp lực rất lớn trong bối cảnh quỹ đất dành cho việc chôn lấp rác tại các địa phương đã ngày càng hạn hẹp.

Tại địa bàn các tỉnh khu vực Miền Trung và Tây Nguyên, theo kết quả đánh giá cho thấy, toàn khu vực có khoảng 173 cơ sở xử lý/bãi chôn lấp CTRSH. Trong đó, các bãi chôn lấp không hợp vệ sinh lại chiếm tỉ lệ lớn (51%), tương đương với 102 bãi trên toàn bộ khu vực Miền Trung và Tây Nguyên chủ yếu là bãi rác hở, đổ lộ thiên, rác đổ đống, để khô đốt và khi đầy thì lấp đất hoặc bán lộ thiên, đào hố rãnh sâu, đổ rác, để khô đốt và khi đầy thì lấp đất.

Việc xử lý rác theo phương pháp chôn lấp chiếm tới 70% tổng lượng chất thải được xử lý, trong đó chỉ có khoảng 20% là bãi chôn lấp hợp vệ sinh. 

Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và các văn bản hướng dẫn chi tiết thi hành đã đưa ra các quy định mới liên quan đến quản lý CTRSH như: quy định CTRSH được phân loại quy định về nguyên tắc thu giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH được tính đại trên khối lượng CTRSH phát sinh và đã được phân loại theo quy định. Đồng thời, cũng quy định trách nhiệm của các bên liên quan như Hộ gia đình, cá nhân; chủ nguồn chất tài; Cơ sở thu gom, vận chuyển chân thải rắn sinh hoạt; Cơ sở thực hiện dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt tổ dân phố, tổ chức chính trị xã hội, .. trong công tác quản lý CTRSH.

Cần giải pháp đồng bộ để xử lý chất thải

Mới đây, Hội thảo và triển lãm quốc tế về giải pháp và công nghệ xử lý chất thải tại các đô thị Việt Nam đã được khai mạc tại Đà Nẵng. Đây là hoạt động do Sở TN&MT TP.Đà Nẵng phối hợp Hiệp hội Môi trường đô thị và Khu công nghiệp Việt Nam, Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam, Hiệp hội Tái chế chất thải Việt Nam, Công ty Informa Markets tổ chức.

Phát biểu tại hội thảo, ông Lê Quang Nam, Phó Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng cho biết, nhằm đáp ứng các quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và các văn bản hướng dẫn chi tiết thi hành đã đưa ra cầu quy định mới liên quan đến quản lý CTRSH, cũng như nâng cao năng lực quản lý CTRSH, Hội thảo và Triển lãm được tổ chức với mục tiêu giới thiệu, quảng bá các giải pháp, công nghệ xử lý chất thải rắn tiên tiến, thân thiện môi trường; thúc đẩy các mô hình kinh tế tuần hoàn, hướng đến mục tiêu tăng trưởng xanh và phát triển bền vững tại các đô thị.

Theo đó, Hội thảo nhằm tìm kiếm các giải pháp xử lý rác thải tại các đô thị Việt Nam, sự kiện còn mang đến một cách nhìn tổng thể về các giải pháp, công nghệ xử lý chất thải.

Đồng thời, tập trung vào đổi mới quy trình công nghệ xử lý rác thải nhằm xóa bỏ dần việc chôn lấp rác thải, có sự tham khảo kinh nghiệm đốt phát điện của Nhật Bản, Phần Lan cũng như công nghệ tái chế nhựa, xử lý nước thải, bùn thải...nhằm tạo môi trường xanh - sạch - đẹp, biến rác thải thành hàng hóa trong nền kinh tế tuần hoàn.

Theo các chuyên gia, cần giải quyết các vướng mắc về cơ chế để hỗ trợ ngành xử lý rác Việt Nam, tạo ra con đường thuận lợi để đạt mục tiêu giải quyết việc xử lý rác được như mong đợi đề ra tại Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.

Đây là cơ hội lớn để các cơ quan, các hiệp hội, tổ chức, doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong và ngoài nước trao đổi, chia sẻ; nghiên cứu, ứng dụng và phát triển công nghệ; đặc biệt khuyến khích và ưu tiên thúc đẩy chuyển giao công nghệ xử lý môi trường mới, công nghệ tái chế, năng lượng tái tạo, phù hợp cho công tác thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải tại các đô thị Việt Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng trong thời gian tới; hướng tới công nghệ xanh, công nghệ sạch nhằm góp phần đạt mục tiêu Tăng trưởng xanh và "Giảm phát thải bằng 0 - Net Zero” vào năm 2050 theo cam kết của Thủ tướng chính phủ Việt Nam tại Hội nghị thượng đỉnh COP26".

Bàn về thực trạng thu gom rác thải hiện nay, ông Nguyễn Văn Thiền, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Nước - Môi trường Bình Dương cho rằng, Luật Bảo vệ môi trường cũng đã nêu mục tiêu, định hướng những việc cần phải làm để thực hiện việc thu gom xử lý rác, nhất là rác sinh hoạt sao cho văn minh, khoa học và bền vững. Trong đó, cơ chế, chính sách liên quan đến xử lý rác còn rất thiếu và yếu, nên các chính quyền địa phương, doanh nghiệp lúng túng.

Do đó, cần ưu tiên sử dụng các vật liệu từ tái chế, khuyến khích tái chế, sử dụng qua nhiều vòng trước khi tiêu hủy. Để làm tốt việc này, Chính phủ phải có các cơ chế ưu đãi.

Cùng quan điểm, theo ông Nguyễn Khánh Long, Cục Hạ tầng - Bộ Xây dựng, pháp luật về Quy hoạch, Xây dựng, Bảo vệ môi trường đã được hoàn thiện và quy định khá đầy đủ đến công tác quy hoạch, quản lý chất thải rắn. Tuy nhiên, các quy hoạch cấp thấp cần tuân thủ theo quy hoạch cấp cao hơn.

Vì vậy, thời gian tới Bộ Xây dựng cần khẩn trương đẩy nhanh tiến độ lập, phê duyệt các quy hoạch cấp cao hơn, làm cơ sở sở để các địa phương tổ chức triển khai có hiệu quả công tác quản lý chất thải rắn.

Đặc biệt là các yêu cầu hạ tầng thu gom đáp ứng việc thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn cũng như việc đầu tư đồng bộ hệ thống xử lý CTRSH phù hợp với việc phân loại.

Nhìn nhận thực tế khó khăn trong quản lý, xử lý chất thải sinh hoạt tại Việt Nam, theo ông Phạm Hồng Sơn - Cục trưởng Cục Bảo vệ môi trường Miền Trung và Tây Nguyên, Tổng cục Môi trường, Bộ TN&MT - cho rằng, lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh ở các đô thị trên toàn quốc tăng trung bình 10 - 16% mỗi năm. Trong bối cảnh cả nước tiến tới "cột mốc" phân loại rác tại nguồn vào năm 2025 thì hiện nay các địa phương trên cả nước mới chỉ thực hiện mang tính khuyến khích. 

Việc xử lý rác theo phương pháp chôn lấp vẫn là chủ yếu, chiếm tới 70% tổng lượng chất thải được xử lý. Đáng ngại hơn, chỉ có khoảng 20% là bãi chôn lấp hợp vệ sinh. 

Do đó, các cơ quan quản lý các cấp cần sớm triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó tập trung xây dựng và trình Chính phủ ban hành các giải pháp phù hợp để thúc đẩy thành lập các khu liên hợp xử lý chất thải rắn theo vùng nhằm mục tiêu tạo ra các trung tâm xử lý CTRSH vùng, thúc đẩy phát triển công nghệ xử lý CTRSH...