Song Vũ ·
2 năm trước
 3644

Bình Chánh di dời cơ sở sản xuất gây ô nhiễm vào các khu công nghiệp

Thời gian qua, huyện Bình Chánh đã kiểm tra, xử lý nhiều trường hợp theo phản ánh của người dân về tình hình ô nhiễm môi trường, nhằm đảm bảo vệ sinh môi trường trên địa bàn huyện.

Xử lý nhiều trường hợp gây ô nhiễm qua phản ánh của người dân

Thời gian qua, người dân huyện Bình Chánh đã chủ động phản ánh các trường hợp gây ô nhiễm trên địa bàn để cơ quan quản lý vào cuộc kiểm tra, xử lý.

Cụ thể, 8 tháng đầu năm, UBND huyện Bình Chánh đã tiếp nhận và chỉ đạo Phòng Tài nguyên - Môi trường phối hợp với cơ quan, đơn vị có liên quan, UBND xã, thị trấn kiểm tra, xử lý 33 trường hợp phản ánh của người dân về tình hình ô nhiễm môi trường (tỷ lệ kiểm tra, xử lý sau khi tiếp nhận đạt 100%).

Trong đó, giải quyết thông tin phản ánh qua báo chí là 8 trường hợp. Riêng địa bàn xã Vĩnh Lộc A đã kiểm tra, giải quyết 7 trường hợp, trong đó, thông tin phản ánh của báo chí là 3 trường hợp.

8 tháng đầu năm 2022, huyện Bình Chánh đã kiểm tra 263 cơ sở sản xuất, kinh doanh, trong đó đã di dời 26 cơ sở, ban hành 93 quyết định xử phạt hành chính hơn 4,1 tỷ đồng, đã thực hiện xong 42 trường hợp với hơn 980 triệu đồng.

Ảnh minh hoạ

Kiến nghị thành lập tổ công tác để xúc tiến việc di dờicác cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường 

Theo UBND huyện Bình Chánh, dân cư trên địa bàn phân bố không đều, nhiều tuyến đường vắng, đất trống, người kinh doanh đã thải bỏ chất thải, làm phát sinh rác thải, như ở đường Võ Trần Chí, Quốc lộ 1A, Trần Đại Nghĩa, Trần Hải Phụng, Nguyễn Văn Linh...

Đồng thời, nhiều cơ sở từ nội thành di dời về mua đất, xây dựng nhà xưởng để hoạt động, dẫn đến việc phản ánh có phát sinh tiếng ồn, rung, mùi hôi nằm xen cài trong khu dân cư.

Báo cáo với đoàn giám sát của HĐND TP.HCM trong cuộc họp diễn ra vào tháng 9 này, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh Nguyễn Văn Tài cho biết huyện thiếu quỹ đất để di dời các cơ sở sản xuất ô nhiễm, cơ sở tái chế phế liệu và cơ sở nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.

Trong khi đó, các dự án đầu tư khu công nghiệp trên địa bàn không đồng ý tiếp nhận các cơ sở ngành nghề có phát sinh ô nhiễm môi trường; đồng thời, chưa có chính sách hỗ trợ các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường tự di dời vào khu sản xuất tập trung.

Ông Tài kiến nghị HĐND TP.HCM quan tâm theo dõi, chỉ đạo các ngành chức năng liên quan cần quy hoạch khu vực chuyên biệt cho hoạt động tái chế để di dời các cơ sở tái chế đang chấp hành tốt các quy định pháp luật đang hoạt động xen cài trong khu dân cư.

Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh Nguyễn Văn Tài kiến nghị Sở Tài nguyên - Môi trường tham mưu UBND TP.HCM thành lập tổ công tác để xúc tiến việc di dời, bố trí các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn huyện Bình Chánh vào các khu công nghiệp để hoạt động đảm bảo quy định./.