Hàng loạt những cơ sở tái chế 3 không hoạt động công khai có dấu hiệu gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Thời gian qua, Tạp chí Kinh tế Môi trường thường xuyên nhận được những phản ánh của người dân ở tổ 13 -14, đường Liên ấp 2 -6 nối dài, xã Vĩnh Lộc A về tình trạng hàng loạt những cơ sở tái chế phế liệu hoạt động “nhiều không” đang gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Lần theo phản ánh, chiều ngày 24/11, Phóng viên (PV) đã tìm được đến khu vực trên. Những cảm nhận đầu tiên khiến PV không khỏi ngỡ ngàng đó là hàng loạt những nhà xưởng tạm được dựng bằng tôn, xà gồ san sát nhau và có dấu hiệu xuống cấp trầm trọng, không đảm bảo các quy định vè PCCC. Cùng với đó là những tiếng động cơ hoạt động ầm ĩ, nhiều cột khói đen sì liên tục xả trực tiếp ra ngoài môi trường. Theo chiều gió, mùi hôi nồng nặc từ phế thải và hoạt động tái chế xộc thẳng vào mặt người đi đường.
Quá trình hoạt động, những cơ sở này ngang nhiên xả khói thải đen sì và nồng nặc mùi hôi ra môi trường.
Dạo quanh một vòng tại khu vực này, PV phát hiện có đến gần chục cơ sở làm đồ nội thất, tái chế bọc nilon, nấu nhôm,… Dù phía trong các cơ sở này các máy móc và công nhân vẫn đang miệt mài làm việc nhưng bên ngoài thì cửa vẫn đóng kín mít và không đề tên cơ sở sản xuất.
Khi đến trước một cơ sở tái chế kim loại nằm gần cuối đường Liên ấp 2-6 nối dài, thông qua cánh cửa đang được mở hé, PV quan sát được hàng tấn kim loại đang được tập kết ngay trong xưởng, máy móc và công nhân vẫn đang trong quá hoạt động. Trên nóc nhà xưởng có 2 ông khói cỡ lớn liên tục xả khói đen vào bầu không khí.
Bất giác, một công nhân phát hiện thấy có người ghi hình, người này vội vàng hô lớn “đóng cửa, đóng hết các cửa lại” và ngay sau đó, cánh của của cơ sở này ngay lập tức đã được một số công nhân đóng kín.
Tiếp cận với một xưởng tái chế cách đó không xa, PV được một công nhân đang làm việc tại đây cho biết, xưởng này tái chế bọc nilon để làm keo, ống hút,…. Cũng giống như một số cơ sở khác, dù bên trong hoạt động nhưng cánh cửa của xưởng này chỉ mở 1/3 và không có bảng hiệu.
Người này cũng chia sẻ, bọc nilon được thu mua về sau đó được bỏ vào nấu cùng hóa chất để tạo ra thành phẩm. “Tôi mới đến đây làm được hơn 1 tuần, công việc là phân loại nguyên liệu và được chủ trả 250. 000 đồng, mấy ngày đầu khi làm hít phải mùi này về say xẩm luôn á. Ở đây có xưởng tái chế nhôm bên cạnh thì độc hại, bình thường khoảng 15 giờ mấy là khói mịt mù luôn, khói bay tới nhà người dân luôn”.
Tiếp tục di chuyển đến cuối đường Liên ấp 2-6 giao với đường Kênh Đông, PV ngỡ ngàng trước cảnh rác thải ngập tràn tại khu vực này. Cách đó khoảng 100 mét là một cơ sở tái chế phế liệu được dựng bằng xà gồ, lợp tôn và quây xung quanh là những tấm vải màu đen nhem nhuốc, trông rất xập xệ. Tiến sâu vào trong cơ sở này, PV còn ghi nhận được 02 lò đốt phế liệu thủ công cùng một lượng lớn sỉ than do hoạt động tái chế thải ra, bên cạnh đó hàng chục tấn phế liệu được chất ngổn ngang ngay ngoài trời chờ được tái chế.
Thời điểm PV tác nghiệp, ghi nhận có hai người đang tiến hành phân loại phế liệu, thế nhưng, mặc kệ sự có mặt của người lạ, hai người này vẫn vô tư tiếp tục làm việc như không có chuyện gì.
Quan sát xung quanh khu vực này, không chỉ bầu không khí bị “bức tử”, PV phát hiện nguồn nước từ các mương thoát và Kênh Trung Ương có màu đen đặc, bốc mùi hôi thối, cùng với đó là những bao rác thải sinh hoạt nổi lênh bềnh và không có bất kì sự sống của sinh vây thủy sinh nào.
Chia sẻ với PV, một hộ dân sinh sống tại đây cho biết, môi trường xung quanh khu vực này đã ô nhiễm hơn 10 năm nay, từ khi các xưởng tái chế đến đây hoạt động.
“Mấy xưởng này đến đây làm mười mấy năm rồi, anh xuống dưới đó xem thì cũng thấy rồi đó, rác nhiều lắm, vứt lung tung hết, nào là bọc nilong, nhựa, cuộn nhôm, đủ thứ vứt lung tung hết. Cứ chiều chiều tầm 4-5 giờ chiều là xưởng tái chế đốt khói đen cộng thêm rác, mùi hóa chất chịu không nổi. Giờ biết kêu ai bây giờ, sống riết cũng quen luôn…Thấy hoạt động vậy chứ không biết có được chính quyền cấp giấy phép không, sao mà gây ô nhiễm quá. Mà nhà còn có con nhỏ nữa nên lo lắm”, chị N. T. D lo lắng.
Để có thêm thông tin về hoạt động kinh doanh xử lý phế liệu và giải đáp những thắc mắc của người dân tại khu vực này, ngay sau khi tác nghiệp PV đã đến trụ sở UBND xã Vĩnh Lộc A để liên hệ làm việc. Tại trụ sở ủy ban, tiếp PV là một người phụ nữ tên Nhung – bộ phận văn phòng ủy ban. Sau khi tiếp nhận thông tin phản ánh kèm theo những hình ảnh mà PV cung cấp, người phụ nữ nói sẽ báo cáo cho cấp trên và trả lời trong thời gian sớm nhất.
Phía trong những nhà xưởng tạm, phế liệu để ngổn ngang và có dấu hiệu không đảm bảo về công tác PCCC theo quy định.
Đến ngày 28/11, PV nhận được cuộc điện thoại từ bộ phận văn phòng xã Vĩnh Lộc A thông báo với nội dung hình ảnh PV cung cấp chưa cụ thể và đề nghị PV liên hệ với một cán bộ tên Khoa – phòng kinh tế của xã. Sau nhiều cuộc điện thoại trao đổi, cán bộ xã Vĩnh Lộc mời PV đến trụ sở để trao đổi, cung cấp lại vị trí và hình ảnh của các xưởng tái chế trên địa bàn mà người dân và báo chí phản ánh.
Theo lời hẹn, chiều 28/11, PV quay lại trụ sở UBND xã Vĩnh Lộc A, tại đây gặp trực tiếp và trao đổi với ông Phan Huỳnh Tuấn Khoa – cán bộ Kinh tế là người được phân công từ lãnh đạo xã Vĩnh Lộc A tiếp nhận phản ánh.
Trong cuộc trao đổi, ông Khoa cho biết, thông tin phóng viên cung cấp chưa cụ thể nên không thể xác minh các xưởng ô nhiễm, dù cho PV đã có những ghi nhận hình ảnh biển báo tên đường và giải thích cụ thể về khu vực nêu trên. Ông Khoa đề nghị PV hỗ trợ quay lại cụ thể vị trí các xưởng để có báo cáo cụ thể với lãnh đạo.
Để thuận tiện cho việc quản lý và công tác tác nghiệp phản ánh của báo chi, chúng tôi đề nghị ông Khoa cử cán bộ xã đi cùng PV đến hiện trường. Tuy nhiên, vị cán bộ này từ chối vì cho rằng đang bận công tác chuyên môn và rời đi sau cuộc điện thoại cá nhân.
Để đáp ứng yêu cầu của cán bộ xã, sau khi làm việc tại UBND xã một lần nữa PV quay lại khu vực các nhà xưởng tái chế phế liệu đang hoạt động và quay lại toàn bộ hoạt động, vị trí các nhà xưởng bị phản ánh. Đồng thời, cung cấp ngược lại cho cán bộ xã Vĩnh Lộc A.
Sau khi tiếp nhận phản ánh của người dân, của cơ quan báo chí, thay vì cán bộ địa phương phải tiến hành xác minh, kiểm tra, xử lý theo thẩm quyền, trách nhiệm được giao thì ở xã Vĩnh Lộc A, dường như tất cả những điều này đang đi ngược lại với quy trình vốn có. Điều này đặt ra những nghi vấn về việc có hay không sự tắc trách của chính quyền khi giải quyết những khó khăn, vướng mắc của người dân?
Phóng viên Tạp chí Kinh tế Môi trường sẽ tiếp tục thông tin đến quý bàn đọc trong những bài viết tiếp theo!