Toàn tỉnh đã lắp camera giám sát 113 mỏ
UBND tỉnh Bình Định cho biết, Sở Tài nguyên và Môi trường đã đôn đốc các doanh nghiệp thực hiện lắp đặt camera tại các mỏ khoáng sản. Đến nay, tỉnh Bình Định có 113 mỏ đang hoạt động khai thác khoáng sản đã lắp camera giám sát (với tổng 166 camera).
Các trường hợp đang hoàn thiện thủ tục để khai thác hoặc tạm dừng khai thác do mùa mưa lũ, Sở Tài nguyên và Môi trường theo dõi và đôn đốc doanh nghiệp lắp camera trước khi hoạt động.
Đồng thời, trên địa bàn tỉnh Bình Định đã có 40 mỏ hoạt động khoáng sản đã lắp đặt trạm cân, tập trung ở các mỏ đá xây dựng có tuổi thọ mỏ dài, có sân công nghiệp, công trình phụ trợ cho việc khai thác.
Thông tin kết nối camera và trạm cân, Sở Tài nguyên và Môi trường chuyển đến các cơ quan liên quan như Cục Thuế tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Giao thông vận tải, Công an tỉnh và UBND các huyện để phối hợp theo dõi, quản lý.
Ảnh minh họa
Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh Bình Định có 85 mỏ đá, 52 mỏ cát, 217 mỏ đất san lấp và 41 mỏ sét gạch ngói. Toàn tỉnh hiện có 138 giấy phép khai thác khoáng sản còn hiệu lực, hoạt động tập trung 4 loại khoáng sản chính, gồm: Đá xây dựng, đá khối làm đá ốp lát, cát xây dựng và đất san lấp. Trong đó, UBND tỉnh Bình Định đã cấp phép 132 giấy phép và 6 giấy phép do Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT) cấp.
Về công tác quản lý hoạt động khai thác khoáng sản, Bình Định chưa xảy ra các vụ việc nóng liên quan đến quản lý khai thác tài nguyên khoáng sản... Tuy nhiên, tình trạng doanh nghiệp lợi dụng áp lực tiến độ dự án để khai thác trái quy định vẫn còn diễn ra.
Trong năm 2023, Công an tỉnh Bình Định đã kiểm tra, xử phạt 184 trường hợp vi phạm liên quan đến hoạt động khai thác khoáng sản trái phép, với số tiền hơn 1,8 tỉ đồng. Phát hiện nhiều mỏ khoáng sản khai thác trong thời gian chờ cấp phép; lợi dụng sơ hở, hạn chế của cơ quan chức năng để hoạt động trái quy định; quá trình khai thác trái phép được phân công cảnh giới nghiêm ngặt.
Đề cập về giải pháp, ông Lưu Nhất Phong - Giám đốc Ban Quản lý Dự án giao thông tỉnh Bình Định - cho biết, đơn vị đã lắp đặt camera có chức năng kiểm đếm, để kiểm soát các mỏ vật liệu, cũng như tại các vị trí công trình.
Tại 1 mỏ cát ở huyện Tây Sơn, công tác kiểm soát gần như là 24/24, đảm bảo quá trình vận chuyển vật liệu đến "đúng nơi, đúng chỗ", không thất thoát. Sắp tới sẽ đề xuất UBND tỉnh cho phép triển khai đồng bộ trên các dự án.
Bên cạnh vấn đề khai thác trái phép, ông Trần Thanh Dũng - Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) tỉnh Bình Định - cho rằng, việc vận chuyển tài nguyên khoáng sản trên địa bàn đang gây ra nhiều vấn đề bất cập về giao thông. Nhất là tình trạng rơi vãi vật liệu trên đường, gây hư hỏng kết cấu hạ tầng giao thông trong quá trình vận chuyển.
Sở cũng tham mưu UBND tỉnh lắp cân tự động để có thể giám sát tải trọng các xe chở vật liệu trên đường. Hiện nay, đang thí điểm trên QL19C và QL19 mới. Nếu giải pháp này hiệu quả, chúng tôi sẽ đề xuất lắp đặt tại các mỏ.
Nhận định về việc quản lý, khai thác và sử dụng tài nguyên khoáng sản, ông Nguyễn Tuấn Thanh (ảnh) - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Định - cho rằng, đây là một vấn đề nóng.
Trong giấy phép đã nêu rất cụ thể phương án khai thác, tuy nhiên vẫn có doanh nghiệp khai thác vô tội vạ, vận chuyển đất, cát rơi vãi, vi phạm an toàn giao thông... gây ảnh hưởng đến môi trường.
Ngoài ra, tình trạng doanh nghiệp khai thác khi chưa hoàn thành thủ tục cấp phép vẫn còn. Vấn đề này tỉnh có thể linh hoạt, tạo điều kiện để các đơn vị kịp đáp ứng tiến độ dự án, tuy nhiên phải cân nhắc trường hợp xứng đáng. Tôi thấy có nhiều doanh nghiệp lợi dụng việc áp lực tiến độ, đưa thiết bị xuống khai thác mặc dù hồ sơ chưa hoàn thành.
Một số mỏ đá chưa lắp đặt trạm cân, do chưa đủ điều kiện, Sở Tài nguyên và Môi trường đã mời các doanh nghiệp hướng dẫn và yêu cầu cam kết lắp đặt trong thời gian tới.
Theo Thành Phong/Diễn Đàn Sự Thật
https://www.facebook.com/groups/4054824701243922/posts/7204474046278956/