Thành Phong ·
1 năm trước
 4576

Bình Định: Xử phạt 15 cơ sở chế biến mực xà xả thải trực tiếp ra đầm Đề Gi

Xả thải trực tiếp nước thải, chất thải sơ chế mực xà (mực ma) ra đầm Đề Gi, 15 cơ sở chế biến mực xà tại xã Cát Khánh, huyện Phù Cát vừa bị xử phạt hành chính trong lĩnh vực môi trường với tổng số tiền 613 triệu đồng.

Mới đây, UBND huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định đã ban hành 15 Quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường đối với 15 cơ sở chế biến mực xà của 15 hộ dân này với mức xử phạt từ 24-67,5 triệu đồng, tổng mức xử phạt cho các trường hợp là 613 triệu đồng. Đồng thời yêu cầu các hộ dân khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường và xây dựng công trình xử lý nước thải theo đúng quy định.

Trước đó vào đầu tháng 6/2022, các cơ quan chức năng huyện Phù Cát và UBND xã Cát Khánh tiến hành kiểm tra và phát hiện 15 cơ sở chế biến mực xà của 15 hộ dân tại xã Cát Khánh đang thực hiện việc xả nước thải, chất thải sơ chế mực xà trực tiếp ra đầm Đề Gi mà không qua hệ thống xử lý theo quy định, gây ô nhiễm nguồn nước.

Các cơ sở chế biến mực xà xả thải trực tiếp ra đầm Đề Gi gây ô nhiễm môi trường. 

Qua phân tích mẫu nước thải cho thấy, có 5- 6 chỉ tiêu trong nước thải từ hoạt động sơ chế mực xà của các cơ sở này vượt từ 3- 10 lần so với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải chế biến thủy sản.

Trong khi đó, theo Báo cáo kết quả thực hiện các biện pháp xử lý tình trạng sơ chế mực xà gây ô nhiễm môi trường của UBND xã Cát Khánh thì hiện nay vì mức thu nhập của các hộ dân nuôi sống cả gia đình, do đó một số hộ vẫn còn sản xuất, gây hôi thối, ô nhiễm môi trường và làm cản trở việc thi công công trình kè chắn sóng từ cầu Ngòi đến Cảng cá Đề Gi.

Một số phương tiện ô tô tải vẫn còn lén lút chở mực xà từ các tỉnh khác nhập đến như Hoài Nhơn, Phú Yên, Quảng Ngãi để hoạt động chế biến mực xà, gây ô nhiễm môi trường. Cùng đó, một số đầu nậu ở xã Cát Khánh, Cát Thành kích động các hộ xẻ mực xà vào tỉnh khiếu nại và cản trở việc thực hiện xử lý của xã.

Hiện nay trên địa bàn xã Cát Khánh có 46 hộ làm nghề chế biến mực xà.

UBND xã Cát Khánh kiến nghị UBND huyện Phù Cát tiếp tục chỉ đạo các phòng ban của huyện phối hợp cùng UBND xã xử lý dứt điểm tình trạng sơ chế mực xà trên địa bàn xã, chỉ đạo xã tiếp tục hợp đồng lấy lẫu để xử lý; đề nghị Cảng cá Đề Gi không cho xe đông lạnh chở mực xà vào Cảng để phân phối cho các cơ sở sản xuất mực xà.

Công an huyện Phù Cát tiếp tục tăng cường kiểm tra, xử lý hành vi vi phạm về thu gom, mua bán, sơ chế, bảo quản, vận chuyển mực xà; xử lý việc các xe đông lạnh đậu đỗ bóc dỡ mực xà không đúng nơi quy định; các xe lôi, xe ba gác không đảm bảo lưu thông vận chuyển mực xà.

Phòng LĐ&TBXH huyện Phù Cát có biện pháp hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề cho các hộ sơ chế mực xà, hướng dẫn các chính sách hỗ trợ phù hợp cho người dân. Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đề xuất, hỗ trợ các vốn vay ưu đãi, lãi suất thấp chuyển đổi nghề, giải quyết việc làm cho người dân sơ chế mực xà.

Hiện tại 15 cơ sở sơ chế mực xà gây ô nhiễm môi trường về việc thực hiện theo Quyết định do huyện xử phạt vi phạm hành chính và thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường do hoạt động sơ chế mực xà gây ra nhưng các hộ chưa chấp hành việc nộp phạt theo quy định. Đề nghị UBND huyện ra thông báo cưỡng chế thu hồi tài sản theo quy định.

Xã Cát Khánh hiện có 46 cơ sở chế biến mực xà hoạt động xung quanh khu vực đầm Đề Gi từ năm 2016 đến nay. Ngoài 15 cơ sở bị xử phạt, cơ quan chức năng cũng đang tiến hành phân tích mẫu nước thải của các cơ sở còn lại và sẽ xử lý theo quy định pháp luật nếu phát hiện vi phạm.

Nguồn: kinh tế Môi trường